Đây là cảm nhận của nhiều sinh viên, học viên đang theo học tại trường Đại học Thành Đô (Hà Nội). Không ít người trong số họ đã cảm thấy bất ngờ khi biết dịch vụ này do chính nhà trường chủ trương mở và vận hành với sự tham gia của sinh viên trong gần 1 năm nay.
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, bà thấy mô hình tương tự hoạt động khá hiệu quả ở một số trường đại học tại Australia nên đã "Việt hóa" mô hình tại trường Đại học Thành Đô. "Tôi muốn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Dược được trang bị kỹ năng nghề nghiệp ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đây là môi trường để các em tích lũy những kiến thức từ thực tế một cách hiệu quả nhất" - PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo chia sẻ.
Trung tâm được đầu tư ban đầu 200 triệu đồng để trang bị cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và một mảng quan trọng là đào tạo nhân sự, "thực chiến" 3 tháng tại doanh nghiệp đối tác cho 1 nhân sự chính là nhân viên y tế của trường và 4 cộng tác viên là sinh viên. Giai đoạn 1 (6 tháng đầu), sinh viên vừa thực hành kỹ năng, vừa được hưởng lương theo thực tế công việc, sau đó sẽ được ký hợp đồng làm việc bán thời gian.
TTCSSKHĐ được thiết kế thành hai khu vực chính: Khu vực y tế trường học và tư vấn tâm lý học đường 40m2; Khu vực thực hành bán thuốc, thực hành các liệu trình chăm sóc sức khỏe rộng 100m2. Sau gần 1 năm hoạt động, TTCSSKHĐ đã cập nhật kiến thức chuyên môn về dược, đào tạo ngắn hạn về xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu, liệu trình chăm sóc sức khỏe… cho hàng trăm sinh viên.
Bên cạnh đó, TTCSSKHĐ còn theo dõi thường xuyên và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Hệ sinh thái Giáo dục Thado Edupark; góp phần nâng cao ý thức về gìn giữ sức khỏe thể chất - tinh thần của mỗi cá nhân.
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo cho biết, mô hình TTCSSKHĐ ra đời còn là nơi để phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên là kết quả nghiên cứu khoa học của chính giảng viên và sinh viên nhà trường. Bộ sản phẩm này từng giành giải Ba khu vực, giải Khuyến khích toàn quốc trong Cuộc thi Phụ nữ Khởi nghiệp năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. "Tôi cũng kỳ vọng, TTCSSKHĐ có thể trở thành nơi phục vụ cộng đồng với các hội nghị, hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe chủ động; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh cộng đồng", bà Thảo cho hay.
Đội ngũ chuyên viên tư vấn tận tình các dịch vụ tại Trung tâm, giúp khách hàng có những trải nghiệm trọn vẹn nhất
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo nhấn mạnh, Ban lãnh đạo của trường ĐH Thành Đô hiểu rằng, trải nghiệm làm việc trong môi trường doanh nghiệp là cách duy nhất để giúp người học chủ động tiếp nhận tri thức và trưởng thành. Hoạt động này giúp người học, nâng cao ý thức chịu trách nhiệm một cách nghiêm túc; biết gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế; biết nỗ lực không ngừng để đáp ứng những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cho vị trí hiện tại…
"Trong hệ sinh thái Giáo dục Thado Edupark, các đơn vị thành viên chính là những doanh nghiệp để kéo sinh viên vào trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn, sinh viên trực tiếp vừa làm vừa học về nghiệp vụ văn phòng, nghiệp vụ kế toán, quản trị bếp, quản trị mạng, website, tham vấn học đường, trợ giảng… tại trường phổ thông Unigo; trực tiếp thực tập các kỹ năng nghề ô tô, sửa chữa điện thoại, điện tử… tại Công ty Thadotek; trực tiếp tham gia vào các Dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức tại Viện Rek; trực tiếp thực tập biên dịch, biên tập các bài báo, thiết kế… tại Tạp chí Nghiên cứu khoa học và phát triển của Trường. Ngoài ra, nhà trường còn đẩy mạnh kết hợp với các doanh nghiệp đối tác để đưa sinh viên trải nghiệm kỳ thực tập về nghiệp vụ du lịch, khách sạn, công nghệ kỹ thuật… tại Nhật Bản, Bà Nà Hills… Hầu hết các chương trình trải nghiệm đều được thiết kế theo mô hình thực tập có hưởng lương".
PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn