'Trường học không được phép xử phạt về bảo hiểm'

16:19 | 29/04/2016;
Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội): Việc Bộ GD&ĐT quy định về hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên chậm đóng, không đóng bảo hiểm y tế là không phù hợp.
Nhiều sinh viên cho rằng việc xử phạt đến mức đuổi học chỉ vì không tham gia đóng bảo hiểm y tế là quá nặng. Ảnh minh họa internet.
- Thưa luật sư, Bộ Giáo dục Đào tạo vừa quy định, sinh viên cố tình nộp chậm hoặc không nộp học phí và bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học. Dưới góc nhìn của luật và những chủ thể có trách nhiệm xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, ông nhận xét gì về quy định này?

Trong các chủ thể có quyền xử phạt, xử lý vi phạm về BHYT không hề có cơ quan của ngành giáo dục. Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các chế tài xử lý vi phạm các quy định về BHYT thì trường học không phải là chủ thể được phép xử phạt, xử lý vi phạm về lĩnh vực này. Do đó, việc Bộ Giáo dục Đào tạo quy định về hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên chậm hoặc không đóng BHYT là không phù hợp, không cần thiết.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội). 
- Như ông nói thì đây hoàn toàn không phải là việc của ngành giáo dục?

Tôi nghĩ quy định hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên chậm đóng, không đóng BHYT mà Bộ GD&ĐT ban hành không có tính khả thi. Nhà trường chỉ chịu trách nhiệm về đào tạo, quản lý sinh viên. Việc đóng BHYT đã được Luật BHYT quy định và đã quy định chế tài cụ thể với hành vi vi phạm và thẩm quyền xử lý vi phạm, trong đó không quy định trách nhiệm xử lý vi phạm của ngành giáo dục. Ngành giáo dục thực hiện chức năng chính là giáo dục văn hóa, khoa học, giáo dục đạo đức. Còn việc áp dụng chế tài, hình phạt đối với các lĩnh vực khác nên để các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành xử lý theo đúng pháp luật. Ngành giáo dục nên làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình là giáo dục, đào tạo chứ không nên “mua dây buộc mình”.
 
- Theo ông, đâu là giải pháp thiết thực để đảm bảo được quyền lợi của người học?

Các trường nên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật để các em nắm bắt được sự cần thiết, vai trò của BHYT, tham gia đóng BHYT một cách tích cực, tự nguyện. Điều này vừa tạo tâm lý thoải mái cho người đóng BHYT, vừa thúc đẩy thực hiện Luật BHYT của Nhà nước. Nhà trường không nên áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên không đóng BHYT.

Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định học sinh, sinh viên là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT và thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Đối với các trường hợp thuộc đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT mà không đóng BHYT thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đồng thời buộc tham gia BHYT theo quy định và nộp số tiền phải đóng vào tài khoản thu của quỹ BHYT.

Cụ thể, theo khoản 1, Điều 57, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không đóng BHYT của cá nhân có trách nhiệm tham gia BHYT. Cùng đó, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số tiền phải đóng vào tài khoản thu của quỹ BHYT.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về y tế, BHYT được quy định rất cụ thể tại Chương 3, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn