Trường nghề tự tin tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh 2018

12:46 | 13/03/2018;
Thế mạnh của khối trường nghề là đảm bảo việc làm khi ra trường cho sinh viên, trong đó cụ thể hóa bằng những cam kết với doanh nghiệp lớn. Đó là ghi nhận trước thềm tuyển sinh 2018, đang nóng lên từng ngày.

Tận dụng tối đa thế mạnh

Một thực tế là trong khi nhiều trường ĐH, thậm chí là trường tốp đầu đang chật vật nỗi lo lấp đầy chỉ tiêu trong năm 2018 thì một số trường nghề vẫn tự tin dồi dào nguồn tuyển. Người học không trải qua nỗi ám ảnh thất nghiệp khi theo học trường nghề, bởi tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường luôn ổn định.

Ghi nhận tại buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra ở ĐH Bách khoa Hà Nội mới đây, nhiều lãnh đạo trường nghề khá vui khi nhiều thí sinh, phụ huynh dành quan tâm lớn cho các trường này. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các nhà tư vấn để đáp ứng nhu cầu của người học.

Các bàn tư vấn tuyển sinh luôn ken đặc người hỏi vào ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: D.H

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội,  các trường nghề đang có nhiều chính sách học gắn với việc làm. Ví dụ các trường đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp ngay từ khi bắt đầu tham gia tuyển sinh, như vậy số lượng chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên nhu cầu việc làm của doanh nghiệp.

Đồng thời, khi tuyển sinh, sinh viên được ký cam kết việc làm ngay và doanh nghiệp vào tài trợ học bổng, để sinh viên vào học không phải nộp học phí đây là những giải pháp rất cơ bản và rất thiết thực.

“Trường chúng tôi năm nào cũng ký cam kết việc làm với từng sinh viên với 5 ngành nghề trọng điểm của trường. Đối với lớp chất lượng cao sẽ ký cam kết việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương 7 triệu đồng, lớp đại trà 5 triệu đồng/tháng. Nếu nhà trường không làm được, Hiệu trưởng phải trả lại toàn bộ kinh phí đào tạo ngay sau khi kết thúc đào tạo. Cam kết đó ký giữa Hiệu trưởng với từng học sinh” -  ông Ngọc thông tin.

Song song với cam kết này, trường luôn tập trung đầu tư nâng cấp thiết bị, cơ sở vật chất. Đặc biệt, khung chương trình luôn ưu tiên 70% thời lượng cho việc thực hành. Điều này nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của doanh nghiệp và khắc phục tình trạng phải đào tạo lại đối với nhiều doanh nghiệp nước ta hiện nay sau khi tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ.

Nỗi ám ảnh mang tên thất nghiệp

Một điều khác biệt trong ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa qua là số lượng thí sinh và cả phụ huynh tham gia tư vấn đông vượt trội hơn so với các năm trước. Không khí của toàn bộ sự kiện do vậy luôn nóng hừng hực với hàng loạt băn khoăn, thắc mắc về nhu cầu chọn trường, chọn nghề đang ngày càng trở nên khó khăn, khốc liệt hơn.

Chị Bùi Phương Hoa, phụ huynh tại Hà Nội cùng con gái có mặt tại đây từ rất sớm để tìm những giải đáp cho câu chuyện chọn trường của cả hai mẹ con. Chưa bao giờ chị thấy việc lựa chọn ngành phù hợp và thực tế với con lại khó khăn như hiện nay.

“Điều tôi lo không phải là con tôi có chọn được trường hay không, khả năng của cháu, kèm theo cơ hội nhiều với 3 – 5 nguyện vọng thì tôi nghĩ đây không phải là vấn đề. Điều tôi lo là hiện tại con chưa xác định được mình phù hợp với ngành nào, hay ra trường thì cơ hội công việc đến đâu” – chị Hoa băn khoăn.

Theo nữ phụ huynh, sau quá trình tìm hiểu, rất nhiều tư vấn được đưa ra là ngành nghề cần gắn với sở thích, đam mê của người học. Nếu thích và hào hứng với ngành đó thì mới theo đuổi được đến cùng. Ở đâu cũng luôn có chỗ cho người thực sự có khả năng chuyên môn cũng như niềm yêu thích công việc.

Hai mẹ con chị đã đưa ra quyết định là ưu tiên nguyện vọng 1 cho ngành báo chí hoặc truyền thông, cũng là ngành mà con gái thấy hào hứng. Cơ hội công việc không phải là quá khó khăn cho những người có năng lực thật sự.

Còn với anh Nguyễn Văn Hòa (Nam Định), lựa chọn trường nghề đang trở nên rõ nét hơn với hai bố con sau buổi tư vấn. Anh Hòa làm nghề sửa chữa điện tử tại nhà, và thấy con trai cũng có thiên hướng về điện, điện tử. Tuy nhiên, để theo đuổi công nghệ thông tin thì hơi vượt khả năng của con.

“Tôi động viên con mãi rồi, học công nghệ thông tin nếu không đủ năng lực thì khó lắm, bố làm “thợ” bao nhiêu năm rồi vẫn nuôi đủ cơm no áo ấm cho cả mấy mẹ con, con cứ chọn trường nghề cho bố, được thực hành nhiều và ra trường có thể đi làm kiếm tiền được ngay. Nói thế mà anh chàng vẫn cứ lăn tăn vì sợ xấu hổ với bạn bè khi chỉ học cao đẳng mà không được gắn mác vào đại học” – anh chia sẻ rất thật lòng.

Rất nhiều câu chuyện được ghi nhận về nỗi niềm của phụ huynh, học sinh trước mùa tuyển sinh năm nay. Điều mà họ đang thay đổi, chính là có những lựa chọn để tránh xa nỗi ám ảnh về hai chữ “thất nghiệp”. Chọn càng sát với năng lực, với đam mê và bỏ qua những xa hoa về bằng cấp, có lẽ là một điểm sáng thú vị của mùa tuyển sinh năm nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn