Cụ thể, sau hơn 3 tháng tạm nghỉ học để phòng dịch Covid-19, sáng nay (11/5), học sinh Trường Quốc tế Singapore (SIS) đã đi học trở lại. Trong buổi đi học trở lại đầu tiên này, nhiều phụ huynh bất bình cách hành xử của trường SIS như việc không trả lời các thư thắc mắc về vấn đề học phí của cha mẹ học sinh, hoặc khi gọi điện thì không liên hệ được với nhà trường thông qua đường dây nóng...
Do đó, vào khoảng 8 giờ sáng nhân dịp đưa con đến trường, 8 nữ phụ huynh, đại diện cho nhóm 72 phụ huynh của học sinh khối lớp 2 và lớp 3 đã tập trung trước cổng trường và trên tay mỗi người cầm tờ rơi "We want sis to pay back the tuition fees during Covid-19 time!!" (Chúng tôi yêu cầu trường trả lại tiền học phí trong thời gian Covid-19!!) để phản đối chính sách thu học phí trong thời gian nghỉ dịch không rõ ràng của trường SIS.
Đến khảng 9 giờ, vị đại diện trường này có ra mời đại diện các phụ huynh vào để trao đổi. Tuy nhiên, tại cuộc gặp này, hiệu trưởng, hiệu phó và quản lý của trường chỉ lắng nghe, "Và khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề trên thì họ nói việc này đã qua, không cần bàn nữa", chị Phạm Thị Minh Tr. (quận Nam Từ Liêm), phụ huynh một học sinh khối lớp bức xúc nói. Cho đến khoảng 11h, sau khi hai bên không thống nhất được tiếng nói chung, chị Tr và các phụ huynh có mặt yêu cầu trường tổ chức đối thoại và được đơn vị này hứa sẽ sắp xếp một cuộc trao đổi công khai trong tuần.
Trước đó, sau nhiều thắc mắc của phụ huynh về việc: "Tại sao không thống nhất phần mềm học trực tuyến?" (Google Classroom, Microsoft Teams); "Tại sao không gửi kế hoạch học tập cho chúng tôi?"; "Tại sao không gửi thời khóa biểu cho chúng tôi?"… nhưng không trả lời, thì đến ngày 8/5, bà Ngô Thị Chi, Giám đốc Vận hành SIS có gửi thông báo tới cha mẹ học sinh về việc: "20% học phí Học phần 3 đã đóng sẽ được trừ vào học phí năm học 2020-2021", "Phí học tiếng Anh tăng cường, phí dịch vụ dưa đón và tiền ăn của học phần 3 sẽ được chuyển sang Học phần 4. Trong trường hợp cần hoàn trả, thủ tục hoàn trả sẽ được thực hiện sau khi năm học kết thúc", "Từ ngày 11/5 đến 26/6, nhà trường sẽ tổ chức học bù một tiết sau giờ học chính khóa"…
Qua bản thông báo này, phụ huynh học sinh cho biết, bằng cách nói "mập mờ câu chữ" như trên, SIS đã rất khéo để tránh nói đến việc tính tiền học phí đối với những ngày học sinh nghỉ vì ảnh hưởng của dịch và cả việc học sinh học online tại nhà, cùng với việc học sinh đi học bù trở lại là cách mà SIS bổ sung cho các tiết học của học phần 3 còn thiếu.
Cho nên, điều họ bất bình ở đây là, SIS đang coi thường phụ huynh học sinh vì trước khi ra thông báo này, cơ sở giáo dục này không có một trao đổi nào. "Theo quy định của Nhà nước, việc học online này sẽ chỉ được thu phí và triển khai nếu như có sự đồng thuận của phụ huynh với nhà trường bằng văn bản trước khi việc học online được tiến hành. Tuy nhiên, trước đó chúng tôi không hề được nhận bất cứ một văn bản nào khác, vậy thì vì lý do gì mà bà Chi lại nói trường có quyền thu của phụ huynh từ 80-100% học phí trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch như vậy?", chị Nguyễn Minh Ng. (quận Ba Đình, Hà Nội), phụ huynh một học sinh lớp 2C cho biết.
Trước đó, trả lời trên Báo Thanh Niên về việc các trường có được thu học phí khi tổ chức dạy học trực tuyến hay không, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục - Đào tạo, đã lên tiếng giải thích:
Đối các trường ngoài công lập, thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh.
Còn đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.
Về vấn đề học trực tuyến, SIS thông báo cho học sinh học trực tuyến từ 3/2, nhưng phải đến 19/3 cơ sở giáo dục này mới triển khai được. "Việc học online thời điểm này còn rất lộn xộn, không hề có một thời khóa biểu nào trước khi việc học được tiến hành. Hoàn toàn là do sự tùy hứng của nhà trường, phụ huynh cứ phải chạy theo, cảm giác rất mệt mỏi", chị Ng. chia sẻ. Và thời gian này tương ứng với học phần 3 (tiếp đến cho hết ngày 2/4).
Việc học trực tuyến tại trường bắt đầu ổn định kể từ 3/4, nhưng thời gian này là thời gian diễn ra học phần 4 (tiếp đến cho tới hết ngày 26/6). Và cho đến thời điểm hiện tại, theo chị Tr cho biết, con chị đã học trực tuyến gần 1/2 học phần 4.
Như vậy với cách tính học phí trên, ở học phần 3 các phụ huynh chỉ được SIS giảm 20% học phí, số tiền này sẽ được trừ vào học phí năm học 2020-2021, chứ phụ huynh không được nhận tiền mặt, "Vì thế, trong trường hợp năm tới phụ huynh không cho con tiếp tục theo học trường này thì số học phí trên cũng không thể lấy được, coi như mất trắng. Chúng tôi cũng hỏi họ về vấn đề này nhưng họ không trả lời", chị Tr. đặt vấn đề và cho biết.
Theo Báo Thanh Niên, trong thư ngỏ gửi phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng nêu rõ: "Nhà trường không thu tiền học online mà coi đây là hình thức bổ trợ, không thay thế chính khóa. Do vậy, khi học sinh đi học lại, trường mới thu học phí".
Và ở học phần 4, tuy học sinh đã trải qua 1/2 học phần phải học trực tuyến thì phụ huynh vẫn phải đóng 100% học phần như những học phần bình thường trên lớp trước đó.
Được biết, mức học phí hiện tại của chương trình Song ngữ mà con chị Tr. và chị Ng. đang theo học là hơn 220 triệu đồng (nếu thanh toán theo năm học, thanh toán trước 30 ngày). Trong trường hợp cha mẹ học sinh thanh toán theo học phần (mỗi năm học gồm 4 học phần) thì số tiền lên tới 240 triệu đồng (chênh lệch so với đóng cả năm tới 20 triệu đồng), cụ thể học phần một đóng 84.887.000 đồng, học phần hai đóng 60.633.000 đồng, học phần ba đóng 60.633.000 đồng, học phần bốn đóng 36.380.000 đồng.
Không chỉ vậy, đó chỉ mới dừng ở mức học phí, nếu tính thêm cả chi đi lại, ăn uống, tiền học phẩm và xây dựng nhà trường thì số tiền mà chị Tr. phải nộp cho con trong năm học 2019-2020 lên tới 283 triệu đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn