Trường quốc tế ở TPHCM: Cha mẹ muốn vào kiểm tra bữa ăn bán trú của con

17:59 | 15/05/2019;
Chị Đ.T.T.H (quận 3, TPHCM) có con học tại trường dân lập Quốc tế Việt Úc cơ sở trên Đường 3 tháng 2 (TPHCM) phản ánh: “Những ngày đầu tiên cho con đến trường, tôi rất muốn biết con vào trong trường ăn uống ra sao? Nhưng nhà trường không cho phụ huynh vào. Bây giờ cũng vậy, phụ huynh không được vào kiểm tra bữa ăn của con. Tôi chỉ biết hỏi con ăn có ngon không, hôm nay ăn món gì và có hợp khẩu vị không?".
Vừa qua, Trường dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) tại cơ sở Sunrise (Quận 7, TP HCM) đã xảy ra vụ việc cà chua trong suất ăn trưa của học sinh bị tố có giòi, khiến nhiều phụ huynh bất an. Nhiều người nghi vấn mức tiền học phí liệu có đi cùng chất lượng cao hay không?
 
Hiện nay, bên cạnh việc quản lý, giám sát của các ban ngành thì vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng bữa ăn cũng như phòng tránh tình trạng cắt xén tiền ăn…Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu của chúng tôi, tại một số trường quốc tế, vai trò giám sát của phụ huynh khá mờ nhạt.
 
Phụ huynh P.T.N.Đ có con học tại trường Quốc tế Việt Úc TPHCM chia sẻ: “Cà chua hay trái cây có giòi do mùa vụ thì có khả năng xảy ra. Trước kia, nhà tôi có cây mận, mỗi khi trời mưa là trái mận có giòi. Nhưng tôi cảm thấy không hài lòng khi người sơ chế bất cẩn, không loại bỏ những thực phẩm hư đó đi. Con tôi đã học lớp 10 rồi nên tôi giám sát bằng cách hỏi trực tiếp con, chứ không đến trường hỏi”.
 
 
phu-huynh-giam-sat-bua-an-hoc-duong.jpg
Vai trò giám sát bữa ăn học đường của phụ huynh cần được tăng cường. Ảnh minh họa
Chị Đ.T.T.H (quận 3, TPHCM) có con học tại trường dân lập Quốc tế Việt Úc cơ sở trên Đường 3 tháng 2 phản ánh: “Những ngày đầu tiên cho con đến trường, tôi rất muốn biết con vào trong trường ăn uống ra sao? Nhưng nhà trường không cho phụ huynh vào. Bây giờ cũng vậy, phụ huynh không được vào kiểm tra bữa ăn của con. Tôi chỉ biết hỏi con ăn có ngon không, hôm nay ăn món gì và có hợp khẩu vị không? Ngay cả họp phụ huynh cũng họp riêng, tức là cô giáo chủ nhiệm họp với từng phụ huynh theo giờ cụ thể, chủ yếu là nói về học tập của con. Từng phụ huynh vào họp chứ không họp chung như ở các trường công lập. Nên việc ý kiến hay cử ban đại diện hiện nay theo tôi thấy chưa làm tốt. Phụ huynh chỉ biết gửi niềm tin cho nhà trường mà thôi”.
 
Chị Nguyễn Thị Trang, phụ huynh có con học tại trường VStarschool (quận 7, TPHCM) cho biết: “Mình có được vào trường đâu mà kiểm tra bữa ăn. Trường hợp con về phản ánh thì mình góp ý lại cho các cô bên ban tư vấn thôi. Nhiều khi các phụ huynh không kết nối được với nhau vì họp cũng họp riêng. Họp hội trường thì cả mấy khối dồn vào họp nên không có ban đại diện phụ huynh. Mỗi lần họp riêng thì mỗi phụ huynh họp 10-15 phút thôi. Trường con tôi chưa xảy ra các vụ việc mất an toàn thực phẩm nhưng thời gian gần đây thấy thông tin trường khác có giòi trong bữa ăn thì tôi cảm thấy lo lắng”.
 
Phía nhà quản lý cho biết, quy trình giám sát hiện nay không có sự phân biệt trường công và trường tư. Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: “Quy trình giám sát bữa ăn học sinh hay an toàn thực phẩm trường học thì Sở GD&ĐT TPHCM không có sự phân biệt. Tất cả các trường phảm đảm bảo an toàn thực phẩm, bữa ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng, không thiếu không thừa chất dinh dưỡng theo quy trình giống như các trường công lập. Còn mức tiền thì do thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường. Tùy theo tình hình thực tế thì nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh giám sát. Nhà trường phải kiểm tra 3 bước: Thứ nhất là đầu vào thực phẩm; thứ 2 là sơ chế, chế biến; thứ 3 là đưa thức ăn cho học sinh”.
 
phu-huynh-giam-sat-bua-an-hoc-duong-cho-con.jpg
Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trường học không có sự phân biệt trường công hay tư. Ảnh minh họa
Bà Bùi Thị Diễm Thu cho biết thêm: Về thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, ngành giáo dục thành phố rất quan tâm. Năm 2017, Sở GD&ĐT TPHCM đã ký kết liên tịch với Ban An toàn thực phẩm thành phố về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trường học. Yêu cầu các trường trực tiếp nấu ăn phải hợp đồng với các công ty cung ứng nguồn nguyên liệu phải được Ban Quản lý An toàn thực phẩm cấp phép theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Nguyên liệu phải vào chuỗi an toàn thực phẩm. Hằng năm, Sở tổ chức kiểm tra liên ngành. Trường không tổ chức nấu ăn mà hợp đồng với các suất ăn sẵn thì yêu cầu nhà trường phải chịu trách nhiệm trước phụ huynh và ban quản lý về an toàn thực phẩm. Công ty cung ứng suất ăn sẵn phải đạt được những tiêu chuẩn theo quy định.
 
Chi phí cho bữa ăn bán trú đều do phụ huynh đóng góp trên cơ sở thỏa thuận với nhà trường. Như tại trường Quốc tế Việt Úc TPHCM, chi phí ăn uống của học sinh dao động 26.460.000 đồng đến 38.304.000 đồng/năm/học sinh, tùy bậc học. Trường quốc tế Patway Tuệ Đức (quận 2, TPHCM) mức tiền cho suất ăn bán trú là 1.200.000/tháng. Trong khi một suất ăn bán trú trường bình thường khoảng 30 ngàn đồng/ngày, khoảng 800 ngàn đồng/tháng.
 
Thiết nghĩ, vai trò giám sát của cộng đồng, đặc biệt của phụ huynh, cần được tăng cường. Phụ huynh phải mạnh dạn kiến nghị những thỏa thuận chung để cùng giám sát bữa ăn cho con em mình. Khi vai trò giám sát cộng đồng được thực thi nghiêm túc, tất yếu những quy trình kiểm tra sẽ được chấp hành và cả những hành vi muốn trục lợi từ bữa ăn học đường cũng khó có thể thực hiện được.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn