Là thành viên của Đoàn công tác số 10 thăm quân và dân quần đảo Trường Sa năm 2023, bác sĩ Vũ Thị Thu Hiền (Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) thấy mình thật may mắn và cũng thấy trách nhiệm của người từ đất liền cùng "mang ra tình cảm, mang về niềm tin".
Trong suốt hải trình thăm, làm việc trên các điểm đảo và Nhà giàn DK1, chị Hiền luôn dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ với các đồng nghiệp là các chiến sĩ quân y trên đảo, cũng như các chiến sĩ trên tàu kiểm ngư KN390, mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cơ sở vật chất và công việc của người chiến sỹ quân y, cũng như chăm sóc cho mọi người trong đoàn công tác.
Chị kể đã gặp, trò chuyện với bác sĩ Trường - Bệnh viện TƯ Quân đội 108, một phẫu thuật viên giỏi đang có thời gian công tác tại đảo Song Tử Tây. 2 chị em mừng mừng, tủi tủi gặp nhau ở chốn đảo xa xôi này. Chị nhớ mãi ánh mắt kiên nghị của bác sĩ Trường khi chia sẻ: "Em vẫn nhớ lần cứu nạn một ngư dân bị bệnh khi sóng lớn, thuyền của họ không thể tiếp cận được đảo. Phải lựa chọn với việc có đưa thuyền và ekip trong đảo ra đón ngư dân, hay buông tay tùy số phận? Nếu sóng lớn như vậy nhỡ đưa anh em ra, chưa biết có cứu được người hay không, mà nhỡ không may lật thuyền thì em biết ăn nói thế nào với vợ con gia đình của đồng đội, ăn nói thế nào với thủ trưởng và lương tâm mình?". Bác sĩ Trường cho chị biết, cái kết có hậu của một chuyến hồi sức cam go giữa muôn trùng sóng gió. Cái kết đó không chỉ mang lại hạnh phúc cho bản thân bác sĩ và ekip y tế trên đảo, mà còn khiến chị thêm khâm phục, tự hào về các anh - hiện thân của lòng quả cảm và lương tâm sáng ngời của người thầy thuốc Việt Nam giữa muôn trùng khơi sóng gió.
Chị Hiền cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất y tế trên các đảo đã được các cấp quan tâm và trang bị đầy đủ. Tuy vậy, với nắng gió, muối biển và thời tiết khắc nghiệt, không máy móc nào có thể trụ được lâu dài. Gặp ekip đồng nghiệp Gây mê Hồi sức tại Bệnh viện Quân y 105 trên đảo Trường Sa Đông, chị được anh em chia sẻ: Từ khi ra đảo đến nay, ekip đã mổ 5 ca rồi. Thuốc men gây mê hồi sức ở đây tương đối đầy đủ nhưng không thể được như ở trong đất liền. Mặc dù vậy, ở đảo đã có telehealth hội chẩn với đất liền, được sự hỗ trợ rất trách nhiệm, tận tình của đất liền nên thấy tự tin hơn hẳn. Trái tim chị như thắt lại khi nghe những lời chia sẻ này, nhớ đến cảm giác mình hồi sức, ép tim cho người bệnh, bởi vì không một người bác sĩ nào muốn người bệnh "tuột khỏi tay mình".
Càng cảm phục về những câu chuyện của các ekip y tế làm nhiệm vụ trên đảo, chị Hiền càng đau đáu suy nghĩ phải làm gì, làm sao để có thể góp phần tốt hơn trong công tác chăm sóc y tế và cấp cứu tại nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc này.
Trong chuyến công tác, chị Hiền cũng đã gặp gỡ, tâm sự với nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các điểm đảo, được anh em chia sẻ về những buồn vui trên biển, về những chuyến đi trong bão, trong mùa biển động để thực hiện nhiệm vụ, tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ ngư dân. Chị cảm nhận sâu sắc, khi sóng yên biển lặng thì các anh là điểm tựa để ngư dân bám biển; khi bão gió nổi lên thì các anh là niềm tin, là "phao cứu sinh" cho ngư dân khi không may gặp nạn...
Trở về đất liền, trở về với công việc chuyên môn thường nhật, trong trái tim của nữ bác sĩ trẻ Vũ Thị Thu Hiền đầy ắp tình yêu thương, nỗi nhớ và một niềm tin mãnh liệt vào lời thề giữ biển đảo của các thế hệ dân tộc Việt Nam và sự quyết tâm nguyện sẽ cố gắng hết mình trong bất kỳ công việc nào chị sẽ tham gia, để đóng góp một phần công sức sức cho tình yêu Trường Sa thiêng liêng ấy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn