Truyền cảm hứng từ “Tạp chí dành cho các cô gái da màu”

09:00 | 25/06/2017;
Số đầu tiên của “Tạp chí dành cho các cô gái da màu” xuất bản tháng 6/2016 đã gây được sự chú ngay trong ngày đầu phát hành. Sau tròn 1 năm, đến số thứ 2 này, tạp chí đã được giới truyền thông chú ý, họ còn chọn dùng lại một số bài mà tạp chí đã đăng.
Tạo sự khác biệt vì không muốn bị lãng quên

Một bữa trưa thứ 7, có 10 cô gái quây quần bên sofa của thư viện Vaughan (Canada) để cùng nhau phác thảo đề cương cho “Tạp chí dành cho các cô gái da màu” (Black Girl’s Magazine) số tiếp theo vào tháng 6/2017. Kamara Bwejesa (12 tuổi) nói: “Tôi đang học trượt tuyết, tôi nghĩ mình sẽ viết về đề tài này để khuyến khích bản thân và những bạn có sở thích như tôi kiên trì theo đuổi những việc mình yêu thích”.
tap-chi.jpg
Annette Bazira-Okafor (bên phải) cùng với các nhà văn trẻ của tạp chí Black Girls (Ảnh Martin Trainor / CBC)

 Cứ thế, các cô gái lần lượt đưa ra những ý tưởng mà họ cho rằng độc giả của mình sẽ quan tâm.

“Tạp chí dành cho các cô gái da màu” là một tuyển tập các bài báo, những câu chuyện biếm họa do các cô gái da màu ở Canada từ 9 đến 13 tuổi thực hiện. Đến nay, tạp chí đã được phát hành tại các thư viện công cộng ở Canada.
black-girls-magazine-3.jpg
Bà Annette Bazira-Okafor và các cô gái gặp nhau vào thứ bảy đầu tiên của tháng để suy nghĩ về đề tài  (Ảnh Martin Trainor / CBC)

Tạp chí dành cho các cô gái da màu bắt đầu từ ý tưởng của bà Annette Bazira- Okafor, một người mẹ 2 con đến từ Uganda. Dù đã đến Canada hơn 20 năm qua nhưng bà Okafor thật sự bị sốc khi đọc một chuyên đề nghiên cứu về “Văn hóa đại chúng và giới trẻ” của Giáo sư Craig Watkins - Học viện Nghiên cứu Giáo dục Ontario.

Trong đó, ông có trích dẫn lời một cô gái da màu: “Các phương tiện truyền thông đại chúng dường như đã hoàn toàn lãng quên chúng tôi mặc dù chúng tôi phải trả tiền để thưởng thức các tác phẩm của họ”. Bản thân là một người có kinh nghiệm về truyền thông nhưng Okafor hiểu rằng rất khó thay đổi “trật tự” đó.
black-girls-magazine-4.jpg
Tạp chí Black Girls cũng giúp các cô gái trau dồi khả năng đọc và viết (Ảnh Martin Trainor / CBC)

Bà chia sẻ: “Con gái tôi chơi những trò chơi, đọc những quyển truyện và xem các bộ phim hoạt hình với những nhân vật không có sự tương đồng với chúng. Tôi nghĩ mình phải tìm các nào đó để các con tôi tạo ra những hình ảnh mang bản sắc riêng, đại diện cho tiếng nói tâm tư, tình cảm của chúng”. Khi được mẹ động viên, 2 con gái của bà Okafor và bạn bè chúng đã rất hào hứng với ý tưởng sẽ tự làm nên một quyển tạp chí cho riêng mình.

Kể từ đó, với sự hướng dẫn của bà Okafor, các cô gái bắt đầu viết những câu chuyện họ biết, những nơi mà họ đã đi qua, hay những con người mà họ ngưỡng mộ...

Mỗi tháng, các phóng viên nhí này sẽ họp với bà Okafor 1 lần để thảo luận về các đề tài, học hỏi thêm về kỹ năng viết lách và tác nghiệp...

Những tác động tích cực

Số đầu tiên của “Tạp chí dành cho các cô gái da màu”xuất bản vào tháng 6/2016 đã gây được sự chú ngay trong ngày đầu phát hành. Đặc biệt, các bà mẹ đã vô cùng ngạc nhiên và tự hào về con gái họ. Mẹ của Kamara Bwejesa cho biết con gái mình có nhiều thay đổi tích cực hơn từ khi “Tạp chí dành cho các cô gái da màu” ra đời. Cô bé đã trở nên hòa đồng và hoạt bát hơn.
black-girls-magazine-2.jpg
Chisom Agbakwa muốn 'truyền cảm hứng cho các cô gái khác' với Tạp chí Black Girls (Ảnh Martin Trainor / CBC)

Đến số thứ 2, tạp chí đã được giới truyền thông chú ý, họ còn chọn đăng lại một số bài mà tạp chí đã ấn hành. Nhiều thư viện cũng gọi đến đặt báo. Những cô gái làm tạp chí đã được ông Michael Coteau, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Trẻ em và Thanh thiếu niên, mời đến tham quan phòng làm việc của ông vào ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3).

Ông Coteau nói rằng, ông không dám nghĩ những cô gái từ 9 đến 13 tuổi có thể làm được một tạp chí như thế. Ông mong ấn phẩm này sẽ tiếp tục lớn mạnh để có thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng cho các độc giả hơn nữa.
black-girls-magazine-1.jpg
Tạp chí Black Girls in hai lần mỗi năm (Ảnh Martin Trainor / CBC)

Hiện tại, bà Okafor là nhà tài trợ chính cho chi phí xuất bản của tạp chí. Tuy nhiên, bà hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm mạnh thường quân cùng hỗ trợ với bà để ấn phẩm cùa các cô gái ngày càng phong phú, hấp dẫn, đến tay nhiều bạn đọc hơn.

“Tôi mong muốn có một mạng lưới độc giả rộng lớn hơn và đội ngũ cộng tác viên ở khắp nơi. Sẽ rất tuyệt nếu các cô gái có thể viết những câu chuyện, suy nghĩ, kinh nghiệm của họ về cuộc sống hay bất cứ điều gì mà họ quan tâm rồi gửi về cho chúng tôi”.
 
Một trong những cây bút của “Tạp chí dành cho các cô gái da màu”, Chisom Agbakwa (9 tuổi), chia sẻ: “Khi có một nơi để nói lên tiếng nói của mình, chúng em cảm thấy mình quan trọng hơn. Chúng em có quyền nói với cả thế giới này những điều mình đang làm gì”.

Còn Deva (13 tuổi) cho hay: “Tên gọi ấn phẩm là “Tạp chí dành cho các cô gái da màu” nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi chỉ viết về các cô gái da đen, mà những cô gái khác cũng sẽ tìm thấy những điều liên quan với mình”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn