“Mình làm được, những phụ nữ ngoài kia cũng làm được”
Gặp chị Hoài với vẻ ngoài dung dị, cách nói chuyện thông minh, nhiệt huyết, đầy cảm hứng, ít ai biết được rằng mới chỉ hơn 2 năm trước, chị Hoài một mình loay hoay khởi nghiệp, khi bỏ ngang công việc đang cho chị nguồn thu nhập rất ổn để chăm sóc cho gia đình. Từ một người phụ nữ năng động, công việc tốt, chị lùi về sau cánh cửa bên các con. “Đó là khoảng thời gian khủng hoảng với tôi. Công việc trước đây đi nhiều nơi, giao tiếp nhiều người thì bây giờ chỉ ở nhà với con, không biết hôm nay là thứ mấy, mấy giờ, chồng sắp đi làm về hay chưa, có lúc cảm thấy như bị biệt lập hoàn toàn” - chị nhớ lại.
Mất vài tháng, chị Hoài mới cân bằng, và bắt đầu suy nghĩ đến tìm cơ hội công việc mới. Với chuyên môn của mình, chị làm tư vấn độc lập trên mạng, tận dụng thời gian khi con đi ngủ để làm. Và rồi chị biết đến WeCreate, cảm thấy hấp dẫn ngay bởi những giá trị của chương trình. Chị quyết định tham gia, thực hiện chương trình tại Việt Nam để hỗ trợ và đồng hành với những chị em phụ nữ khác đang cần hỗ trợ khởi nghiệp.
Với WeCreate Vietnam, chị Hoài cùng cộng sự tổ chức cung cấp những chương trình giáo dục, huấn luyện mang tính cộng đồng, kết nối các nhóm với các mentor, là những người đã thành công trong kinh doanh, quay trở lại dẫn dắt người đi sau, hỗ trợ các nữ doanh nhân khởi nghiệp và mong muốn nhìn thấy họ cũng thành công như mình. Ngoài việc tham gia huấn luyện, chị em phụ nữ còn có cơ hội thu hút truyền thông, kết nối thị trường, xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài. Mục tiêu của các chương trình huấn luyện là thúc đẩy các nhóm tập trung phát triển doanh thu và mạng lưới khách hàng.
Điểm nhấn của WeCreate Vietnam chính là nhắm đến nhóm phụ nữ yếu thế, cần được hỗ trợ nhiều hơn. “Chúng tôi muốn hướng đến phụ nữ, chị em người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, ở vùng sâu vùng xa… Nền tảng online rất hiệu quả cho họ. Bản thân tôi làm được, thì tôi tin những phụ nữ ở ngoài kia, họ cũng sẽ làm được” - chị khẳng định.
Sau hơn 2 năm, WeCreate Vietnam đã tổ chức trên dưới 150 hoạt động cho 2.500 lượt người tham dự, trong số đó có 600 nữ doanh nhân được tham gia huấn luyện bởi 215 mentor của chương trình. Chương trình triển khai 3 khóa huấn luyện Startup Academy (10 - 15 tuần mỗi khóa). Sau 3 khóa, có 38 nhóm khởi nghiệp tốt nghiệp. Đến nay các nhóm đầu tiên tốt nghiệp đã hoạt động 1 năm, có nhiều thành quả ngoạn mục.
Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng là chị Thảo và thương hiệu quần áo trẻ em Bu. Là một bà mẹ 3 con và làm quản lý về may mặc, hơn ai hết, Thảo hiểu rõ chất lượng quần áo trẻ em có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe các bé. Từ day dứt vì không tìm được nguồn quần áo sạch cho các con mình, cô nghĩ đến việc tự mình làm ra các sản phẩm ấy. Dù quy mô nhỏ nhưng ngay từ đầu, Bu vẫn chọn con đường đầy chông gai là áp dụng tiêu chuẩn OEKO-Tex standard 100 - tiêu chuẩn hàng đầu của châu Âu về may mặc. Có lúc chỉ vì khuy áo sai quy cách mà Thảo chấp nhận mất cả lô hàng. Một năm sau ngày tốt nghiệp StartUp Academy, giờ đây Thảo đã có xưởng may 70 công nhân tại Thái Nguyên và 30 nhân viên tại Hà Nội. Với sự hỗ trợ của các mentor, Bu đã đưa được sản phẩm của mình vào chuỗi bán hàng nổi tiếng “khó tính” là Soc and Brothers. Hiện Bu có 60 đại lý trên toàn quốc, doanh thu tăng gấp 20 lần so với lúc bắt đầu.
Giải thưởng 50.000 USD và dự định ấp ủ
Trong Hồ sơ tham dự chương trình Lãnh đạo cộng đồng của Facebook - một chương trình hướng tới mục tiêu phát huy các sáng kiến lãnh đạo cộng đồng trên toàn cầu, chị Ngô Thị Hoài đã đề cập đến những nỗ lực của WeCreate dành riêng cho nữ giới muốn khởi nghiệp kinh doanh, và những câu chuyện khởi nghiệp của các học viên. Hồ sơ của chị đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo chương trình, và được trao giải thưởng giá trị lên đến 50.000 USD, bởi đáp ứng được những tiêu chí vì cộng đồng mà Facebook đưa ra.
“Mỗi ngày, người dân Việt Nam sử dụng nền tảng Facebook với mục đích giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng một cộng đồng vững mạnh. Các nhà lãnh đạo cộng đồng của chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để biến điều này thành hiện thực, cho dù là điều hành nhóm hỗ trợ các bà mẹ hay khởi động phong trào từ thiện nhân đạo. Ngô Thị Hoài là một nhà lãnh đạo như thế” - đại diện của Facebook cho biết.
Với bản thân mình, chị Hoài xem đây là sự may mắn và cơ hội lớn để hỗ trợ nhiều hơn các học viên nữ muốn tiếp cận khởi nghiệp. Chị kể, trước đây, hoạt động của chương trình chủ yếu là offline (huấn luyện trực tiếp). Thời điểm trước khi nhận giải, chị gặp khó khăn về sự tham gia của học viên khi phải di chuyển nhiều nơi và nhiều học viên ở vùng xa… Chị Hoài rất băn khoăn, không biết làm thể nào để tổ chức, hạn chế đi lại tốn kém. Giải thưởng của Facebook góp phần giải quyết bài toán này, biến các buổi học offline thành online, kết nối các nhóm từ nhiều vùng miền, kết nối với mentor online, cơ hội về thị trường, tham gia các khóa CEO miễn phí cho nữ, học bổng ngắn hạn đi nước ngoài dành cho nữ với chi phí rẻ… Dự định của chị Hoài là khoảng 10.000 lượt phụ nữ sẽ được hưởng lợi hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp kinh doanh từ chương trình.
Công việc bộn bề, song chị Ngô Thị Hoài luôn trăn trở làm thế nào để cân bằng quỹ thời gian khi khối lượng công việc tăng lên. Đây cũng chính là mục tiêu mà WeCreate hướng đến là không chỉ cung cấp kỹ năng khởi nghiệp mà còn giúp cho người phụ nữ đạt được sự cân bằng trong cuộc sống, vừa có công việc ổn định, vừa có thời gian cho gia đình, xóa bỏ quan niệm cho rằng: “Muốn thành công thì phải đánh đổi”.
Chị Ngô Thị Hoài khẳng định, phụ nữ không phải vì gia đình và con cái mà đánh đổi sự nghiệp, đặc biệt với xu thế và công nghệ, mọi thứ đều có thể làm online, hãy học hỏi công cụ để tăng hiệu suất tiết kiệm thời gian cũng là cách cân bằng cuộc sống, gia đình. “Một điều rất đáng mừng là có sự chuyển biến lớn trong thái độ ủng hộ của chồng đối với vợ. Tôi đã thấy những người chồng rất hạnh phúc khi hỗ trợ vợ mình trong công việc kinh doanh hay giúp vợ chăm con, làm việc nhà, và tự hào về vợ mình…” - chị nhìn nhận.