Truyện ngắn: Bạn bè

09:30 | 19/01/2024;
Thật ra cũng có nhiều nơi cần người nhưng chỗ thì người ta cần bằng đại học, chỗ thì yêu cầu tuổi không quá ba mươi. Hạnh đành làm việc chân tay là ban ngày đi giúp việc cho người ta, tối thì đến dọn dẹp ở những quán ăn quán nhậu.

Tôi không nghĩ Khải, cậu bạn học hồi cấp ba lại đến tìm mình, một ông chủ như lời cậu ta đùa từ khi tôi quyết định chấm dứt đời đi làm nhận lương, chọn công việc trả lương cho người khác.

Không rào đón, Khải nói Hạnh cần một công việc, mà có lẽ chỉ tôi giúp được. Hạnh là cô bạn học cùng lớp. Từ khi còn đi học, chúng tôi luôn nghĩ về Hạnh như một bà quản gia cần mẫn. Tổ trực nhật chưa làm xong, Hạnh xông vào làm giúp. Lớp ở tận tầng 3 nên mỗi lần đi giặt giẻ lau bảng, đứa nào cũng cành nạnh nhau, Hạnh mang giẻ về nhà giặt, hôm sau mang lên. Hạnh còn xin được một bình nước uống để ở cuối lớp để mọi người khỏi phải chạy xa. Hồi ấy không thể bứng nhà vệ sinh lên tầng, nếu không thì Hạnh cũng làm.

Học cùng nhau nhưng Hạnh như chị cả. Nghe nói, mẹ Hạnh mất sớm nên Hạnh phải thay mẹ chăm sóc ba đứa em. Ra trường khi chúng tôi đứa vào đại học, đứa du học thì Hạnh học trung cấp với ý định nhanh có việc làm. Khi con trai lớn lên bảy tuổi, con gái nhỏ lên bốn thì vợ chồng Hạnh chia tay. Chồng cũ biết Hạnh muốn nuôi cả hai con cho có anh có em nên đã ra điều kiện khi phân chia tài sản, anh ta nhanh chóng có người khác nên cũng lơ luôn trách nhiệm chu cấp, Hạnh một mình nuôi dạy hai con. Nay con trai lớn của Hạnh vào đại học, cậu ta vừa học vừa đi làm thêm để bớt gánh nặng cho mẹ. Cuộc sống của Hạnh cứ bình bình đạm đạm vậy mà trôi qua nhưng mấy tháng trước, công ty Hạnh làm bị đóng cửa. Hạnh thành thất nghiệp.

Thật ra cũng có nhiều nơi cần người nhưng chỗ thì người ta cần bằng đại học, chỗ thì yêu cầu tuổi không quá ba mươi. Hạnh đành làm việc chân tay là ban ngày đi giúp việc cho người ta, tối thì đến dọn dẹp ở những quán ăn quán nhậu.

Là Khải vô tình nhìn thấy, cậu ta hỏi thăm mới biết hoàn cảnh của Hạnh. "Tôi cũng hỏi quanh mấy nơi mình quen biết nhưng người ta đòi tiếng Anh với bằng cấp. Tôi đảm bảo với ông, Hạnh thiếu những thứ đó nhưng nếu được hướng dẫn bả sẽ làm được", Khải nói.

Truyện ngắn: Bạn bè- Ảnh 1.

Tôi không nghĩ cô bạn học của mình lại có hoàn cảnh vậy. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức họp lớp một lần, bạn bè người nói mới xây nhà, người mới đổi xe, tôi nghĩ chúng tôi đều đã ở tuổi thành đạt sau một thời gian dài cố gắng. Những buổi họp lớp, Hạnh đều tham gia. Bạn bè nói hai đứa con Hạnh học rất giỏi, trong danh sách tặng quà năm nào cũng có tên. Hầu như không ai biết Hạnh có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ngay đến khi ly hôn cũng chịu thiệt, lớp tôi có bạn là luật sư, nếu khi ấy Hạnh nói thì bạn đó có thể giúp Hạnh đòi thêm quyền lợi cho ba mẹ con. Nhưng bản tính hiền lành lại giỏi chịu đựng nên Hạnh cứ chịu một mình, ba đứa em Hạnh điều kiện cũng không khá nên không giúp được nhiều cho chị.

Tôi còn đang tính sẽ thu xếp việc gì cho Hạnh thì Khải đùa:

- Ông muốn hay không muốn cũng phải làm đấy, ngày xưa ông cũng thích Hạnh còn gì!

Tôi nhe răng cười, vừa kịp nhìn thấy vợ tôi từ trên lầu bước xuống, hình như vợ cũng nghe thấy câu nói của Khải nên vợ cứ cười cười làm tôi nhột nhạt. Có bà vợ nào lại không ghen khi biết trong quá khứ chồng mình đã từng có cảm tình hay thích ai đó, nhất là những mối tình thời học trò, dù ngắn nhưng luôn là mối tình khắc sâu. Chưa kể có bà còn nghĩ mình là sự lấp chỗ trống, là sự lựa chọn thứ mấy chứ không phải duy nhất.

Vợ chồng tôi cũng là bạn thời đại học, chúng tôi từng chung vai đi qua những khó khăn. Lúc tôi quyết định ra ngoài làm, suốt mấy năm đầu, mọi việc trong nhà ngoài ngõ lo lắng họ hàng hai bên đều do vợ gánh vác vì khi ấy tôi còn đang mò mẫm dò đường. Nhờ vợ mà tôi có ngày hôm nay, tôi dù quý Hạnh hay ngày trước từng thích Hạnh thì tôi cũng không bao giờ đánh đổi gia đình mình. Và Hạnh, với tính nết của mình, đời nào Hạnh đồng ý nếu tôi có ý định điên khùng.

Vợ cười cười.

- Ngày xưa cũng thích cơ!

Tôi thẳng thắn:

- Ngày đó Hạnh hiền và chu đáo lắm, Hạnh làm chị của ba đứa em và làm chị của cả lớp bốn mấy đứa cả trai lẫn gái. Không riêng anh mà con trai cả lớp đều thích Hạnh.

Vợ giơ tay ra làm động tác xòe bàn tay và siết chặt.

- Giờ thử thích xem!

Tôi hứa với Khải sẽ thu xếp việc cho Hạnh nhưng thật sự công ty tôi không có chỗ nào có thể thêm người. Tôi đành hỏi bạn bè làm ăn, đối tác và thật may là có một công việc cần người nhưng điều kiện hơi cao so với Hạnh. Tôi nói chỉ cần cho Hạnh công việc, phần lương đó tôi sẽ trả.

Đạt cười:

- Tôi cũng đâu nghèo số tiền đó và càng không muốn nghèo trước ông. Yên tâm, tôi sẽ chú ý giúp đỡ bạn ông.

Đạt còn đùa:

- Có thật là bên ông không còn chỗ, hay ông sợ vợ nên đành đưa sang tôi?

Tôi cười, quả thật tôi cũng có ý đó, tôi luôn tin tưởng vợ nhưng làm sao dám chắc vợ không nghĩ ngợi, suy diễn. Các bà vợ luôn là "cảnh sát kiêm thám tử" kiêm nhà nghi ngờ học và nhà đề phòng học với phương châm "thừa còn hơn thiếu", "phòng hơn chống". Nếu tránh được thì nên tránh ngay từ đầu kẻo muốn giúp bạn lại thành hại bạn. Là mẹ đơn thân, Hạnh dễ bị miệng đời, mà người như Hạnh hoàn toàn không nên chịu những oan ức đó. Trước khi Khải về, cậu ta vẫn không quên gọi tôi là nhà tư bản và dặn phải khéo léo.

Thi thoảng tôi có hỏi Đạt về Hạnh, anh nói anh vừa ý với chị nhân viên này lắm, Hạnh cẩn thận, chu đáo và không nề hà bất cứ việc gì dù là dọn vệ sinh, đổ rác hay phải tăng ca đột xuất. Đạt còn nói từ giờ khi tuyển người, cậu ta sẽ tuyển người có tuổi, có kinh nghiệm hơn là bằng cấp. Nghe vậy, tôi cũng mừng cho Hạnh.

Buổi tối, tôi phát hiện mình để quên hồ sơ cần xử lý ở văn phòng, tôi rủ vợ đi lấy, tiện thể hai vợ chồng đi hóng gió. Vợ tôi có vẻ ngần ngừ nói một mình vợ đi là được. Chiều nay tôi có uống mấy ly nên hơi bức bối, muốn ra ngoài hít thở và thay vì đi xe hơi, chúng tôi quyết định đi bằng xe đạp điện của con gái.

Trên đường đi, vợ ngồi sau không ngừng cười khúc khích, luôn miệng nhắc tôi chạy từ từ. Phải hơn chục năm rồi chúng tôi không đi cùng nhau kiểu này, hai vợ chồng luôn người nào việc nấy, mãi tối mới gặp nhau, có ngày còn không ăn cùng nhau bữa cơm. Những ngày đầu khó khăn, vợ chồng cứ động viên nhau ráng đi, mai mốt khá hơn sẽ khác, mình cần cù, chịu khó, trời sẽ không để đói khổ mãi. Nhưng đi hoài, cuộc sống có khá hơn rồi nhưng lại muốn hơn nữa, rằng cố rồi nay cố thêm chút nữa, mình sao cũng được nhưng còn cha mẹ ngày một già yếu, còn con cái mai này. Lại động viên nhau, so với những gia đình kẻ Bắc người Nam thì nhà mình còn chung một mái nhà đã hơn người rồi…

Đi một đoạn, vợ còn đòi chở, vợ nhắc những ngày chúng tôi mới lấy nhau, những khi tôi say, vợ cũng đi đón tôi bằng cái xe máy cà tàng.

Tầng một công ty còn ánh đèn, tôi cau mày nói ai về sau mà không chịu kiểm tra cúp cầu dao, lỡ đêm hôm xảy ra chập cháy gì thì sao. Vợ cười nói không sao, phòng đó có bảo vệ ở. Tôi ngạc nhiên, công ty tôi có bảo vệ từ khi nào, vợ nói thời gian trước ở con đường này xảy ra trộm, trộm vào khuân mấy bộ máy tính, gây thiệt hại không ít nên vợ quyết định thuê bảo vệ trực đêm. Công ty tôi ngoài có cổng cao, trong có cửa sắt, cửa cuốn nhưng có người ở đó, có ánh đèn vẫn yên tâm hơn.

Bảo vệ là một anh chàng còn khá trẻ, chính xác là một cậu nhóc dong dỏng cao, cậu ta gọi chúng tôi là cô chú. Tôi lên lầu lấy giấy tờ, vợ ở dưới nói chuyện với cậu ta, tôi nghe cậu ta một dạ hai thưa, nói năng rất lễ phép. Tôi vui miệng hỏi ban ngày cậu ta làm gì thì biết cậu còn là sinh viên, tối đến đây trực vẫn có thể học bài được.

Trên đường về, tôi nói, tôi mong hai đứa con mình cũng chăm chỉ chịu khó như cậu trai kia, chỉ trực đêm vậy hẳn lương cũng không cao nhưng cậu ta vẫn rất vui vẻ vì có thêm khoản thu nhập và không ảnh hưởng việc học. Vợ cho xe chạy chậm lại, hơi ngoái nhìn tôi:

- Cậu ấy là người quen của anh đấy.

Tôi còn đùa:

- Đừng nói cậu ta là con riêng của anh nhé?

- Mẹ cậu ấy là chị Hạnh, bạn anh.

Tôi im lặng. Vợ nói, vợ đã nghe câu chuyện của Khải, cũng biết tôi nhờ Đạt tìm việc cho Hạnh, vợ nghĩ tôi sợ vợ nghĩ ngợi nên mới không dám nhận Hạnh nên vợ đã làm như vô tình gặp con trai Hạnh trong quán ăn. Tôi không biết phải nói gì với vợ, tôi từng lo lắng lòng dạ phụ nữ hẹp hòi nhưng cũng không biết họ có thể làm những chuyện cánh đàn ông chúng tôi không ngờ tới, tuỳ thuộc vào thái độ và tình cảm của chúng tôi, những ông chồng, dành cho họ.

Tôi gọi cho Khải, định nói cậu ta yên tâm vì tôi đã làm tròn trách nhiệm cậu ta giao phó, nghe cậu ta cười sang sảng:

- Bà xã ông có gọi cho tôi rồi, hôm ấy nghe bả tự giới thiệu mà tôi toát mồ hôi lạnh tưởng bị hỏi tội. Bả hỏi chỗ làm của thằng lớn nhà Hạnh. Nói thật, tụi tôi cảm ơn vợ chồng ông lắm lắm. Khi nào rảnh, tôi xin phép được mời nhà tư bản ông một chầu nhé!

Tất nhiên là tôi đồng ý. Bạn bè với nhau cả mà.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn