Thời tiết năm nay thật nắng nóng khó chịu. Ông Tiến mang chiếc ghế ra ngồi dưới gốc cây nhãn, phe phẩy chiếc quạt nan để xua đi những oi ả, bức bối. Ngước nhìn bầu trời xanh thẳm không một gợn mây, ông khẽ thở dài. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Tối nào chương trình thời sự cũng chiếu tình hình hạn hán ở các địa phương trên cả nước. Nhìn người nông dân bất lực không tìm ra nguồn nước tưới cho cây trồng mà ông cũng thấy như héo cả ruột gan.
Ông mở đài, nghe một điệu ví dặm. Đây là thói quen từ mấy chục năm nay của ông. Ngày nào không nghe, ông thấy tay chân bứt rứt, khó chịu, không làm được việc gì nên hồn. Thi thoảng cao hứng, ông còn ngân nga vài câu. Niềm say mê của ông lan sang cả nhà, từ vợ đến con trai ông đều thích nghe dân ca, nhất là những làn điệu ví dặm xứ Nghệ.
Tiếng chuông điện thoại reo lên cắt ngang những suy nghĩ miên man trong ông. Ông lo lắng bắt máy. Chiến, con trai ông, ngày nào cũng gọi điện nói chuyện, hỏi thăm bố mẹ nhưng thường là buổi tối chứ không bao giờ gọi về trong giờ làm việc. Khuôn mặt còn chưa hiện lên trên màn hình, giọng nói hồ hởi của anh đã vang lên:
- Bố! Bố đoán xem con tìm được ai?
Nói rồi, Chiến chuyển camera điện thoại sang một khuôn mặt khác. Khuôn mặt của một người phụ nữ phúc hậu. Dù thời gian đã in dấu những nếp nhăn, vết đồi mồi nhưng không khó để nhận ra thời trẻ bà cũng là người có nhan sắc. Người phụ nữ mỉm cười khi nhìn thấy gương mặt bối rối của ông. Nụ cười ấy… Ông Tiến sững sờ, giọng ông lạc đi trong nỗi xúc động:
- Thơ, là Thơ phải không?
***
Giờ thì vợ chồng ông Tiến, bà Lan đang có mặt trong căn nhà nằm giữa rẫy cà phê của gia đình bà Thơ. Cuộc đời luôn có những bất ngờ. Sau bao nhiêu năm tưởng như không bao giờ còn gặp lại, nhờ con trai mình, ông tìm được người con gái năm xưa, người con gái đã giúp ông vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết để trở về.
Nếu không có bà Thơ thì cũng không còn ông trên đời nữa. Ông không giấu vợ con chuyện trong những năm tháng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông thầm mến một người con gái giữa rừng Trường Sơn.
Ông tự hứa với lòng mình sẽ quay trở lại tìm người con gái ấy. Nhưng vì nhầm lẫn, ông tưởng bà đã hi sinh. Bà Thơ rót nước mời vợ chồng ông uống. Nước chè xanh sóng sánh. Bà Thơ cười hiền:
- Em nghiện nước chè xanh, xa quê bao nhiêu năm mà không bỏ được hai bác ạ. Hai bác uống nước cho mát. Chắc nhà em cũng sắp về. Nghe tin hai bác vào chơi, anh ấy háo hức lắm, chờ mãi. Sáng nay các cháu thanh niên trong thôn mời đi nói chuyện học nghề nên không từ chối được đấy chứ.
Ly nước chè xanh đậm đà khiến câu chuyện của những người từng là đồng đội giữa bão giông, lửa đạn càng lúc càng sâu lắng. Bà Thơ vẫn dịu dàng, đằm thắm, nồng hậu tiếp đón vợ chồng ông, như thể chẳng có khoảng cách của mấy chục năm trời chưa từng gặp lại.
Trong căn nhà giữa những khu vườn cà phê bạt ngàn, họ đã cùng sống lại những tháng năm thanh xuân rực rỡ, dâng hiến tất cả sức mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
***
Sau một trận chiến ác liệt trong chiến dịch Trị Thiên, ông Tiến bị thương nặng, được đưa về bệnh viện dã chiến của Trung đoàn để điều trị. Do ảnh hưởng của bom, ông bị điếc tạm thời và có một vết thương phải mổ ở bụng.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, vết thương nhức nhối, tai lại không nghe thấy bất cứ âm thanh gì, nhưng chẳng hiểu sao, nhìn thấy người con gái trong chiếc áo blouse trắng, sự hoảng hốt trong lòng ông bỗng vơi đi quá nửa.
Sau này, ông nghĩ, có lẽ vì sự sống của ông được kéo lại bằng một phần máu của Thơ nên cảm giác thân thuộc, yên tâm cũng theo đó mà lan tỏa trong cơ thể ông. Ngày chuyển về tuyến sau, ông mới biết chuyện mình bị thương mất nhiều máu, không đủ sức để mổ cấp cứu. May mà nhóm máu của Thơ phù hợp.
Thấy ông tỉnh dậy, Thơ đã viết lên giấy động viên ông yên tâm, chỉ khoảng hai, ba ngày nữa là ông sẽ nghe lại được. Những ngày nằm ở bệnh viện dã chiến, nhìn Thơ thức suốt ngày đêm để chăm sóc thương binh, ông đã thấy quý mến Thơ như quý mến một người em gái.
Thơ mới mười tám tuổi, có lẽ còn chưa có người yêu nên hay xấu hổ, đỏ mặt khi bị trêu. Vậy mà Thơ sẵn sàng ngồi hàng giờ làm chỗ tựa cho anh thương binh bị cụt cả hai tay, hai chân. Thơ hát cho anh nghe để giúp anh quên đi nỗi đau đớn hành hạ.
Chẳng biết do bờ vai mỏng manh mà dịu dàng của người con gái hay do giọng hát của Thơ đã giúp anh chợp mắt được chốc lát. Mấy ngày đầu, Tiến không nghe được tiếng Thơ hát, ông chỉ nhìn vào môi cô để đoán, hình như Thơ hát một điệu ví.
Khi ông Tiến nghe được thì vết thương trên bụng bị nhiễm trùng. Giữa chiến trường ác liệt, điều kiện thiếu thốn, thuốc thang khan hiếm, điều này chẳng thể tránh được. Thơ lại hàng ngày chăm sóc, lau rửa vết thương cho ông.
Những lúc đau đớn không ngủ được, Thơ vừa quạt, vừa hát cho ông nghe những câu ví dặm. Điệu dân ca ngọt ngào như dòng sữa mẹ, đưa ông về với những năm tháng ấu thơ bên cánh võng, về với con sông quê hiền hoà, êm ả, với cánh đồng ông cùng bè bạn chăn trâu.
Những câu hát thiết tha, cháy bỏng như liều thuốc xoa dịu nỗi đau thể xác, rót vào tâm hồn ông dòng suối mát trong. Đạn bom khốc liệt, kẻ thù, cái chết cận kề như không còn hiện diện nữa. Chỉ còn những yên bình đưa ông trôi vào giấc ngủ dịu dàng.
Mà nào có riêng ông, dường như thương binh nằm ở bệnh viện dã chiến, ai cũng đều nương theo những câu hát của Thơ, của Lý, của Mai, của Hoa, của những y bác sĩ để quên đi sự khốc liệt của chiến tranh.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, yên ả hiếm hoi, họ cầm kéo, cầm lược đến từng lán trại cắt tóc. Miệng hát, tay làm, họ vô tư và hồn nhiên, chẳng đạn bom nào làm mất đi được. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, họ vẫn sẵn sàng hiến từng giọt máu để cứu sống thương binh nặng. Hiến máu xong, chẳng kịp nghỉ ngơi, họ lại lao vào nhiệm vụ.
Ông Tiến thầm thương Thơ lúc nào chẳng biết. Chưa kịp thổ lộ, ông được đưa về tuyến sau. Thơ cùng các y bác sĩ khác đưa ông cùng một số thương, bệnh binh. Trên đường đi, đoàn gặp máy bay Mỹ bắn phá.
Không ngần ngại, Thơ cùng các y bác sĩ tiêm thuốc giảm đau cho thương binh rồi khiêng xuống hầm xe, nằm đè lên thương binh để tránh cho mọi người không bị thương thêm lần nữa. Trước lúc tạm biệt, ông Tiến lấy hết can đảm gửi lại cho bà Thơ tấm ảnh chụp mình trong bộ đồ giải phóng và hứa sẽ trở lại tìm bà.
Bà Thơ không nói gì, nhận tấm ảnh thay cho lời đồng ý. Chiến tranh mà, chẳng ai biết trước điều gì nên ông định bụng khi trở lại mới ngỏ lời hẹn ước.
Nhấp một ngụm nước chè để kìm bớt nỗi xúc động, ông Tiến nghẹn ngào kể lại. Ngày ấy, sau khi về tuyến sau, điều trị xong, ông được cử đi học nhưng đã từ chối. Ông quyết tâm xin được trở lại chiến trường để tìm bà.
Nhưng nơi là bệnh viện dã chiến đã trúng bom, không còn dấu vết. Dò hỏi tin tức của bà thì được biết bà đã hi sinh. Người ta kể cô Thơ y tá, người Nghệ Tĩnh, hát ví dặm rất hay.
Đáng nhẽ Thơ được cử ra Bắc để đào tạo bác sĩ nhưng xin ở lại trạm quân y vì chiến tranh ngày càng khốc liệt, chiến sĩ ta bị thương nhiều. Và vì Thơ còn chờ đợi một người. Trong một lần đi lĩnh thuốc, Thơ lọt vào ổ phục kích của giặc và hi sinh.
Bà Thơ tiếp lời ông. Đúng là bà được cử đi học và xin ở lại, còn người hi sinh là chị Thơ khác, người đồng hương với bà. Chị ấy hi sinh trước ngày cưới mấy ngày. Người yêu chị là chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Anh cũng hi sinh cùng ngày với chị. Có lẽ cùng tên, cùng xã, lại cùng đơn vị nên người được ông hỏi đã nhầm.
Nghe ông và bà Thơ ôn lại chuyện cũ, vợ con ông rưng rưng nước mắt. Bà Lan ôm lấy bà Thơ, tựa đầu như người em gái dựa vào vai chị. Hôm nay, Chiến cũng xin nghỉ. Anh là kỹ sư lâm nghiệp, đang thực hiện dự án trồng rừng kết hợp phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên.
Chỉ có phủ xanh đồi trọc, trồng cây gây rừng mới có thể hạn chế lũ lụt, hạn hán, mới giảm thiểu tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Vốn yêu thích các điệu ví giống bố, những lúc rảnh rỗi, anh theo bà con tham dự những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ dân ca, vừa nghe hát, vừa nhờ các cô chú, anh chị cùng vận động bà con tham gia trồng rừng.
Đến thăm nhà, anh nhìn thấy bức ảnh thời trai trẻ của bố được treo trang trọng trong phòng khách nhà bà Thơ cùng những tấm hình bà cùng đồng đội khác. Ngay lập tức, anh gọi điện cho bố.
Ông Thi, chồng của bà Thơ, đã về. Ông ngồi trên xe lăn nhưng tiếng cười thì rổn rảng, hào sảng. Cùng là những người lính Trường Sơn, mới gặp nhau họ đã thân quen như bạn thân từ lâu lắm. Ông Thi hài hước:
- Giọng hát của bà nhà tôi đến giờ vẫn khiến nhiều ông cựu chiến binh mê lắm. Tôi phải đi theo để giữ, sợ mất lắm. Tôi bị thương, phải cắt hai chân không phải sau chiến tranh mà trong giai đoạn đi xây dựng kinh tế mới, đấu tranh với fulro.
Cũng suy sụp ghê lắm, nhờ nương vào câu hát của bà ấy mà vượt lên. Mất đôi chân thì còn đôi tay. Đan lát, làm đồ thủ công mỹ nghệ mà cũng nuôi được con cái nên người...
Rồi ông bắt nhịp cho vợ hát. Tiếng hát thân thương xứ Nghệ ngân lên da diết trong chiều cao nguyên lộng gió, gợi lên ký ức về một thời không thể nào quên...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn