Tháng lương đầu tiên sau khi ra trường, Lâm quyết định để dành mua vé khứ hồi ra Hà Nội cho bố mẹ, còn dư một chút thì để bố mẹ mua ít bánh kẹo thắp hương cho các cụ, mua quà tặng bạn bè.
Bố xúc động lắm. Ánh mắt bố nhìn Lâm như bảo, cậu con trai ngày nào chui trong tấm áo mưa ngồi sau lưng để bố chở đến trường nay đã trưởng thành rồi. Niềm vui của bố như được nhân lên gấp bội khi bố mẹ về thăm quê, thăm Thủ đô đúng vào những ngày tháng Mười mùa thu vàng nắng.
Lâm sinh ra ở Tây Nguyên nhưng trong tờ giấy khai sinh và đủ loại hồ sơ, lúc nào cậu cũng thấy tự hào khi cầm bút điền từ "Hà Nội" ở mục quê quán. Ông bà nội của Lâm sinh ra ở một ngôi làng nằm ven sông Hồng thuộc ngoại thành Hà Nội.
Lúc đi kinh tế mới, cả gia đình bên nội của Lâm đều chuyển vào đây, đất cát, vườn tược cho lại họ hàng nên ở quê giờ chỉ còn phần mộ tổ tiên, những người trong cùng dòng họ. Nhưng nguồn cội thiêng liêng, dù có đi bao xa và đi bao lâu, nơi ấy trong tiềm thức của anh em Lâm vẫn là nơi neo đậu, là nơi gợi nhớ máu mủ, ruột rà.
Đến năm 18 tuổi, Lâm mới được bố cho về thăm quê lần đầu tiên. Vậy mà ngay khi bước chân chạm xuống mảnh đất nơi ông nội, nơi bố vẫn thường kể bằng nỗi xúc động thiêng liêng, Lâm ngay lập tức cảm nhận được mạch nguồn xứ sở, tình quê, tình đất lan tỏa khắp các mạch máu của mình.
***
Ngày anh em Lâm còn nhỏ, những đêm trăng sáng, bà luộc khoai, sắn hoặc rang nắm lạc cho mấy ông cháu trải chiếu ngồi ngoài sân hóng gió. Ông uống ngụm nước vối mát lành, khề khà kể cho đàn cháu nghe chuyện ngày xưa ông theo đoàn quân đánh giặc Pháp.
Ông nội kể, ngày ấy, ông và người bạn thân nối khố mới 14 tuổi, chứng kiến cảnh thực dân Pháp quay lại giày xéo quê hương bèn rủ nhau trốn nhà đi bộ đội. Nhưng bé quá, chẳng đơn vị nào nhận cả. Không chịu quay về, hai cậu bé cứ năn nỉ được ở lại, làm gì cũng được, nấu ăn, đi liên lạc, trinh sát, miễn là được đánh giặc.
Đêm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, súng rền khắp phố, Hà Nội rực lửa. Những ngày sau đó, ông nội và người bạn thân theo chân các chiến sĩ tự vệ phá đường, đào chiến hào, đắp ụ chiến đấu. Ngày ngày, ông cùng các bạn trong tổ vừa đi liên lạc, vừa tận dụng địa hình luồn từ nhà nọ sang nhà kia để trinh sát, thu gom lương thực, tìm nước cho các chiến sĩ đang chiến đấu.
Lúc nghe ông kể ngày trở thành chiến sĩ, em Tùng, cậu em con nhà cô út nhỏ hơn Lâm 1 tuổi, bỗng bật dậy, vung nắm đấm lên:
- Sau này con cũng thành chiến sĩ như ông ngoại.
Lâm kéo em ngồi xuống, khẽ bảo:
- Em để yên cho ông kể nốt đã.
Ông nội xoa đầu khắp lượt đàn cháu nhỏ rồi mới chậm rãi kể. Tâm hồn thơ trẻ của anh em Lâm khi ấy không còn trên mảnh sân nhỏ sáng ánh trăng nữa mà đã bay về với Hà Nội những ngày khói lửa hào hùng.
Cuộc chiến đấu trong lòng Thủ đô ngày càng ác liệt. Các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô lúc nào cũng hừng hực quyết tâm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", thà hy sinh cũng không chịu lùi bước. Sau 60 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Trung đoàn được lệnh rút lên Việt Bắc. Ông nội và người bạn thân tạm biệt Hà Nội, theo đoàn quân lên chiến khu.
Ông nội của Lâm đã có mặt ở chiến dịch Tây Bắc rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông kể chuyện khoét núi, đào hầm khiến anh em Lâm xuýt xoa mãi không thôi. Ngày nằm ở bìa rừng, đêm vừa đào hầm vừa che mắt địch.
Một người khoét thì phải có hai người quạt, dùng ống nứa để đưa không khí vào hầm kẻo ngạt. Cái xẻng lúc được phát sáng loáng, đến lúc đào xong chỉ còn trơ một mảnh sắt nhỏ. Đứa cháu nào cũng nghe như nuốt từng lời của ông, cố gắng ghi nhớ để lên lớp kể lại cho các bạn nghe.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông theo đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô giữa mùa thu rực rỡ. Tám năm xa cách, ngày chiến thắng trở về, ông bật khóc khi bàn chân bước qua cửa ô lộng gió, nghe tiếng người dân ca vang lời hát đón đoàn quân anh dũng trở về.
Nhưng người bạn thân của ông đã không còn nữa. Ông ấy đã hy sinh khi chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nằm lại với Điện Biên, hồn hóa thành hoa ban trắng của núi rừng Tây Bắc.
Ngày trở về, trong niềm hạnh phúc chiến thắng, lòng ông nội không nguôi nỗi nhớ thương người bạn thân đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu với mình. Ông nhận bố mẹ bạn thân là bố mẹ nuôi, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà như chính bố mẹ đẻ của mình.
Vào Tây Nguyên theo con cái, ngày biết mình sắp về với ông bà, tổ tiên, ông bà nội dặn bố mẹ Lâm cố gắng đưa ông bà được trở về nằm giữa bờ bãi quê hương.
Bố Lâm cũng mang trong mình những ký ức nguồn cội mà suốt cả cuộc đời bố luôn thương nhớ. Khi bố đang ở độ tuổi đôi mươi rực rỡ nhất của đời người thì phía Bắc Tổ quốc lại vang lên tiếng súng.
Bố và thanh niên trong làng viết đơn xin nhập ngũ. Bạn bố, có người vừa lấy vợ, có người vừa đón đứa con đầu lòng, có người đang ngồi trên giảng đường Đại học. Ai chẳng tiếc tuổi trẻ, ai chẳng sợ nơi hòn tên mũi đạn, mình có thể sẽ không trở về được nữa. Nhưng "nước mất thì nhà tan", ai cũng sợ thì lấy đâu ra người chiến đấu.
Trước ngày lên đường, bố và các bạn rủ nhau ra bến sông quê, ngụp lặn trong dòng nước mát như thời thơ bé, khấn thần sông, thần đất phù hộ cho mình tránh được mũi tên, hòn đạn.
Xong rồi cả nhóm rủ nhau lên phố, ăn một bát phở rồi ra Bờ Hồ, cùng hứa với nhau ngày trở về lại cùng nhau đi ăn kem, dặn dò đứa nào có em gái phải ưu tiên cho bạn trước. Hôm ấy, có các cô thiếu nữ Thủ đô, biết những chàng trai chuẩn bị lên đường ra trận, đã nhất định mời kem. Mẹ Lâm là một trong những cô gái ấy.
Hơn 20 chàng trai của ngôi làng ngoại thành hiền hòa ven sông Hồng ngày hôm ấy, chỉ còn 5 người trở về. Các chàng trai của làng đã nằm lại với đất trời biên giới, nơi con sông Hồng chảy về giữa lòng Hà Nội, bồi đắp phù sa những bến bờ trù phú, yên bình.
Ngày trở về, bố Lâm cùng những người bạn may mắn đã đạp xe lên phố, thay phần những người nằm xuống thực hiện lời hứa đi ăn kem, ngắm Bờ Hồ cho thỏa nỗi nhớ những ngày xa cách.
5 người, ăn hết hơn 20 que kem, lạnh buốt mà trái tim nhói lên nỗi nhớ thương, xót xa không bao giờ có thể bù đắp được. Hôm ấy, bố gặp lại mẹ. Nhận ra nhau rồi cảm mến, mẹ đã quyết định theo bố về làm dâu.
Trong vườn nhà Lâm, bố dành riêng một mảnh đất nhỏ trồng đủ các loại hoa: Loa kèn, thược dược, cúc, lay ơn. Hàng xóm xung quanh nhà Lâm cũng vậy. Bố Lâm bảo người Hà Nội yêu hoa, thích trồng hoa.
Ngắm hoa, bố như quên đi những mệt mỏi, nhọc nhằn, vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, nhớ ông bà và những năm tháng thơ ấu. Lúc được sống giữa quê hương thì thấy nó bình thường, thân thuộc đến nhàm chán, khi phải xa rồi mới thấy nhớ thương, khắc khoải đến nhường nào.
Bố trồng hoa cũng để mẹ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Nhà bà ngoại có nghề trồng đào, trồng quất bán dịp Tết. Mẹ, người con gái Hà Nội nết na, chịu khó, đảm đang, đã theo bố vào Tây Nguyên lập nghiệp theo lời kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới mà không một lời than thở, hờn trách.
Trong vườn nhà Lâm còn có hai cây đào, một cây bố mang về từ biên giới, một cây xin từ vườn nhà ông ngoại. Ngày lên đường khai hoang, cùng người Hà Nội đi xây dựng quê hương mới giữa cao nguyên, bố mang theo để nhắc nhở mình về những năm tháng đã sống, chiến đấu, về quê hương bình dị mà giàu tình nghĩa và can trường.
Hai cây đào, một nở hoa thắm như màu máu, một phơn phớt hồng, năm nào cũng cho hoa đúng dịp Tết dù khác khí hậu, thổ nhưỡng. Bố Lâm bảo, hai cây đào cũng như những người con Hà Nội lên đường năm ấy, đã thích nghi, bám rễ để xây dựng một Hà Nội khác giữa lòng cao nguyên.
***
Những người bạn cùng xóm gọi điện trách Lâm, đã bảo cả nhóm chơi thân với nhau từ hồi bé xíu, bố mẹ cùng đi xây dựng kinh tế mới một đợt, có gì cũng phải chia sẻ với nhau, Lâm lại một mình mua vé cho bố mẹ về thăm quê.
Hôm nào Lâm được nghỉ về nhà, phải phạt một chầu cà phê đấy. Bố mẹ các bạn không chịu thua, cũng đặt vé về thăm quê đúng ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô. Mà không chỉ bố mẹ, các bạn cũng thống nhất sẽ cùng về, tính không cho Lâm biết nhưng nghĩ lại tạm tha.
Bù lại, Lâm chụp ảnh đẹp nên phải làm phó nháy cho cả đoàn. Lâm có sắp xếp về cùng được không.
Lâm ngượng ngùng gọi cho mẹ, vay tiền mua vé, hứa tháng sau có lương nhất định sẽ trả. Mẹ cười. Nghe tiếng cười của mẹ, Lâm nghĩ sẽ thuyết phục bố mẹ chụp chung một bộ ảnh giữa trời thu Hà Nội rực rỡ cờ hoa và vàng tươi sắc nắng.
Mẹ mặc áo dài trắng ôm hoa cúc, cười rạng rỡ bên bố trong bộ đồ cựu chiến binh. Chắc chắn sẽ rất đẹp. Còn Lâm, Lâm sẽ rủ các bạn ghé thăm dòng sông quê, nơi ông nội, nơi bố đã ngụp lặn những trưa hè trốn nhà cùng chúng bạn. Để dòng nước mát trong kể cho Lâm và các bạn nghe những câu chuyện đã lắng thành phù sa ngọt lành.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn