Nguyên nhìn lịch, khẽ thở dài, cây bút trong tay gạch những đường vô nghĩa trên tờ giấy trắng. Một tuần nghỉ Giáng sinh, Nguyên biết làm gì cho hết. Đồng nghiệp lên kế hoạch đi du lịch, nghỉ ngơi, về quê khiến Nguyên nôn nao. Nguyên cũng muốn đi du lịch hay về thăm mẹ. Nhưng khả năng tài chính hiện tại không cho phép cô làm những việc tiêu tốn như thế.
Nguyên chỉ còn mẹ, hai năm gần đây mẹ cũng yếu nhiều, bao lần Nguyên nói mẹ vào ở với Nguyên, mẹ con thủ thỉ có nhau nhưng mẹ không chịu. Mẹ nói Nguyên đang phải hàng tháng trả góp tiền mua nhà, thêm mẹ nữa sẽ là gánh nặng. Mẹ còn khỏe, còn làm việc được, sẽ cùng Nguyên tích cóp. Mẹ còn đùa, khi nào Nguyên trả hết nợ ngân hàng, mẹ sẽ vào ở với Nguyên và yên tâm bế cháu. Nguyên nghe mẹ nói mà bật cười. Nguyên đã làm gì có ai, nói gì đến con. Ước mơ Nguyên trả hết nợ mua nhà có vẻ khả quan hơn là mẹ được ôm cháu. Mẹ nghe Nguyên cười thì gắt: "Làm gì thì làm, cứ phải giữ sức khỏe trước. Còn mẹ đây, không cần kham khổ chi li quá mà mang bệnh".
Nói thế nhưng người bệnh lại là mẹ. Mẹ bị dạ dày, hậu quả của những ngày nhịn bữa, giãn bữa, vì kham khổ cũng có, vì tiết kiệm cũng có. Tuần trước, Thu, bạn của Nguyên, báo tin mẹ mới đi viện khám và lấy thuốc. Nguyên gọi về, gay gắt với mẹ, nói mẹ bỏ hết ruộng vườn đó, thuê người chăm, mỗi vụ lấy ít gạo ăn là được. Nguyên ra thời hạn cho mẹ, nói Tết này Nguyên về sẽ đón mẹ vào thành phố ở, để mẹ ở nhà một mình, Nguyên không yên tâm.
Trước mặt đồng nghiệp, bạn bè và mẹ, Nguyên luôn nói mình ổn. Nhưng bằng cách nào đó, mẹ luôn lo lắng cho Nguyên, dường như mẹ thấy tài khoản của Nguyên luôn trong trạng thái trống và cạn. Nguyên đã hạn chế đến hết mức nhu cầu của bản thân, cả năm nay Nguyên mới mua cho mình một cái váy mặc đi đám cưới đồng nghiệp. Nguyên luôn an ủi mình, cố gắng thêm ít lâu nữa, có căn nhà ở thành phố khi một mình không phải là ai cũng làm được. Thế mà Nguyên sắp làm được rồi.
Sếp thông báo họp. Chị Bích thì thào, chắc là thông báo lịch nghỉ Giáng sinh và tiền thưởng. Nguyên nghe tim đập nhanh hơn. Đối tác công ty của Nguyên đa phần là nước ngoài, người ta coi Giáng sinh là lễ lớn nên sếp cũng cho nhân viên nghỉ dài, hơn nữa còn có thưởng.
Hưng là đàn anh cùng trường của Nguyên, mãi khi làm cùng mới biết nhau, anh ra trường rồi Nguyên mới vào trường, ra đời gặp được đồng môn vẫn có gì đó thân thiết. Hưng rất ra dáng đàn anh, luôn sẵn sàng giúp Nguyên trong công việc. Xe Nguyên hỏng, anh đề nghị được đưa đón Nguyên đi làm, khỏi phải chen chúc trên xe buýt. Khi Nguyên chuyển nhà, Hưng cũng đến cống hiến sức lực. Khi biết Nguyên quyết định mua căn hộ trả góp, Hưng có chút ngần ngừ nói Nguyên nên suy nghĩ kỹ trước khi ký hợp đồng vay. Biết cô đã quyết, anh ủng hộ, còn nói nếu cần cứ nói anh.
Nguyên biết anh quan tâm mình nhưng trước mắt cô còn nhiều việc để làm. Cô muốn cho mẹ có cuộc sống tốt hơn, nếu cô lấy chồng, người bạn đời của cô cũng phải thương yêu mẹ mình. Nhưng điều đó hẳn không dễ, nên tránh để khó xử sau này, Nguyên đã từ chối Hưng. Anh không nản, nói anh vẫn luôn ở đây, chỉ cần Nguyên quay lại sẽ thấy anh ngay, bất cứ khi nào, chỉ cần Nguyên lên tiếng, anh sẽ có mặt. Lời anh nói khiến Nguyên rung động nhưng vẫn sợ. Hai người vẫn chỉ là hai người xa lạ thân thiết.
Phòng họp chợt ồ lên, chị Bích phấn khích lay Nguyên:
- Đi du lịch kìa, đi du lịch kìa!
Nguyên sực tỉnh, nghe sếp nói kỳ nghỉ Giáng sinh thay vì cho nghỉ một tuần và thưởng tiền như mấy năm trước, năm nay, công ty quyết định tổ chức cho nhân viên đi du lịch. Đáng nói là được phép mang theo người nhà và tất nhiên là phải đóng thêm phí, nhưng khá mềm. Coi như công ty tặng quà. Sếp hóm hỉnh: "Ai chưa có người nhà thì phấn đấu để sang năm, sang năm nữa bớt thiệt thòi". Nhìn các chị gọi điện, nhắn tin về khoe với chồng, Nguyên về chỗ ngồi, chị Bích ghẹo:
- Lúc sếp nói thiệt thòi cứ nhìn em đó Nguyên, tủi thân chưa? Năm nay phải đi đấy!
Nguyên nghĩ đến Hưng. Ngoài Nguyên và anh, công ty còn kha khá những người chưa có gia đình, đâu phải mình cô, nhưng khi đọc những tin nhắn trong nhóm chat, Nguyên mới thấy mình thiệt thòi thật. Đồng nghiệp người mang theo bạn trai, bạn gái, người rủ theo bố mẹ. Nguyên nghĩ nếu gọi điện cho mẹ chắc chắn mẹ sẽ từ chối, với lại mẹ còn giận Nguyên. Hôm qua Nguyên gọi điện về mà mẹ có nhận máy đâu. Bác Hiên hàng xóm nói mẹ vẫn khỏe, vẫn ruộng vườn đều, không phải lo.
Nguyên từng có ý định không tham gia chuyến du lịch, Nguyên vừa nói nhỏ với chị Bích đã bị chị gạt phăng. Chị nói Nguyên còn trẻ, sao cứ ru rú trong nhà. Nợ không trả nay thì trả mai, nghỉ ngơi, vui chơi cũng là để tái tạo sức lao động để ngày mai làm tốt hơn. Chị còn xòe tay tính lần công ty đi công viên nước, Nguyên trốn, lần đi vườn cò, Nguyên cũng trốn.
Khi sếp thông báo địa điểm du lịch, Nguyên quyết định tham gia. Hưng nhắn: "Em được về thăm mẹ kìa, thích chưa!". Không riêng gì Hưng mà các chị trong phòng cũng vui cùng Nguyên. Các chị ít nhiều cũng biết hoàn cảnh của Nguyên, bằng những cách riêng của mình, các chị quan tâm Nguyên và để ý cô thay mẹ. Nguyên cười, tim vẫn đập rộn ràng, thế là thay vì chờ đến Tết cô mới được về thăm mẹ thì Nguyên sẽ được về sớm hơn. Nguyên quyết định không nói gì với mẹ, cứ thế về cho mẹ bất ngờ.
Hưng nhắn: "Cho anh về thăm mẹ được không?". Nguyên nhìn điện thoại sáng rồi tối đen, không biết trả lời Hưng làm sao. Về nhà, Hưng gặp mẹ rồi có thấy nhà Nguyên nghèo nàn, cảnh nhà một mẹ một con có khiến Hưng thương hại? Trong mối quan hệ này, Hưng luôn cố gắng vun vén. Anh cứ đi cạnh Nguyên một cách lặng lẽ, có mặt những khi Nguyên cần. Anh nói Nguyên cứ xem anh như một người bạn, một đồng nghiệp là được, không cần để ý nhiều, cũng không cần tự tạo áp lực cho mình.
Là anh nói thế, Nguyên luôn áy náy với anh nhưng Nguyên sợ mình bước thêm một bước sẽ kéo thêm nhiều rắc rối. Mà hiện tại Nguyên đã đủ mệt mỏi rồi, nhiều khi muốn trốn đi một nơi nào đó không ai biết mình, để khỏi nhớ khỏi nghĩ.
Mẹ vẫn không chịu nhận điện thoại. Nguyên gọi sang hàng xóm hỏi thăm, nhờ nhắn lại, dù mẹ muốn hay không Tết con cũng về đón mẹ đi. Lại thấy buồn. Ngày bé, Nguyên có ương bướng mấy mẹ cũng chiều được, nay sao Nguyên không đủ kiên nhẫn với mẹ. Nguyên cũng không muốn biết mẹ có muốn đi hay không, mẹ có luyến tiếc làng xóm, luyến tiếc ngôi nhà nhỏ một thời hai mẹ con thui thủi. Nguyên gạt đi, là mình quan tâm mẹ, mẹ có bệnh nhưng toàn giấu và nói dối. Nguyên sợ một ngày nào đó nhận được điện thoại "mày về ngay đi, mẹ mày..." như chị đồng nghiệp ở công ty cũ. Khi ấy, chị khuỵu ngã vì đau đớn, vì ân hận. Nguyên thì hoảng hốt gần như bấn loạn. Nguyên gọi cho mẹ, mẹ cũng hoảng theo, hỏi Nguyên làm sao.
Ý định phải có một ngôi nhà rồi con đâu mẹ đó cũng hình thành từ đó. Nên những vất vả hôm nay, Nguyên vui vẻ cam chịu. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Nguyên theo các chị đi dạo phố, mua sắm, thi thoảng còn sà vào mấy quán vỉa hè.
Bay chuyến đêm mà ai cũng phấn khích, cười nói luôn miệng, còn luôn tay chụp hình.
Hưng nhắn "Nhìn em tươi tắn quá. Vui lắm đúng không?". Nguyên đọc tin khẽ cười. Sắp được về nhà, về với mẹ, còn niềm vui nào hơn. Không biết khi mẹ thấy Nguyên về, còn có Hưng đi cạnh, mẹ sẽ thế nào nhỉ? Chợt Nguyên nghĩ, có khi nào thấy hai đứa về, mẹ sẽ đồng ý xa quê, vào ở cùng con gái? Ý nghĩ này làm tim Nguyên rộn ràng: "Anh có thời gian đến thăm mẹ em không?" và Hưng nhắn lại ngay: "Có chứ, luôn có! Mẹ mình thích gì em nhỉ?". Tin nhắn vội vàng của Hưng khiến Nguyên bật cười. Chưa gì đã "mẹ mình".
Lên máy bay, chị Bích ý tứ nhường chỗ bên cạnh Nguyên cho Hưng, còn vờ vịt "thử thách bắt đầu", chị đưa cho Nguyên cái bánh ngọt.
- Giá mà được nghỉ Giáng sinh từ nay đến Tết cho em ở nhà luôn thì tốt nhỉ? Sẽ làm được khối chuyện ra trò đấy!
- Nghỉ thế chết em, chị không thấy là em đang rất nghèo à?
Chị Hà vỗ tay:
- Này Hưng, cậu xem đãi bọn chị món gì. Cả nhà mình ơi, tự dưng sao thấy giống cảnh bọn mình là đằng trai, đến thăm đằng gái vậy nhỉ?
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn