Truyện ngắn: Ủ vào bùn non

17:50 | 25/03/2024;
Em bị bệnh chẳng sống được bao nhiêu. Em muốn về nằm giữa bờ bãi quê mình, ủ vào mùi bùn non. Dẫu em đã đi xa bao nhiêu năm, đã bạc bẽo đến nỗi chẳng thể một lần về thăm nhưng em tin, lòng quê bao dung và rộng lượng sẽ tha thứ và đón nhận đứa con xa trở về.

Mãi đến khi đứa cháu gọi bằng bác khẽ hỏi ngọn núi kia tên gì, cánh đồng ấy có phải chỗ mẹ cháu ngày xưa cùng bà ngoại ngồi đãi tép, bây giờ làng có còn ao thả rau cần, rau muống như mẹ cháu hay kể không…, ông mới cảm nhận rõ mình thiếu quê hương đến nhường nào.

Những kỷ niệm xa xưa mờ nhạt trong trí nhớ. Quê hương trong tâm tưởng ông nhợt nhạt đến mức hành động kết nối chỉ diễn ra qua những cuộc điện thoại mỗi dịp làng, dịp họ có việc. Đứa cháu kéo cửa, để gió ùa vào xe. Nó khẽ lẩm bẩm: "Hình như cháu ngửi thấy mùi gì bác ạ. Có phải là mùi bùn non không bác. Mùi bùn mẹ cháu nhớ thương suốt cả cuộc đời".

Làng ông là vùng chiêm trũng, một bên được bao quanh bởi những ngọn núi, một bên là ruộng đồng. Núi che mặt trời nên ngày đến muộn và tắt sớm. Ruộng sâu ngăn cách nên dẫu chỉ cách tỉnh có mấy chục cây số mà làng lúc nào cũng mang cái vẻ lam lũ, quê mùa.

Đường vào nhà ông phải qua cánh đồng mênh mông trắng nước và những chiếc ao nhỏ san sát. Lúa chỉ cấy được một vụ nên thủa ấu thơ, ông luôn có cảm giác thèm được ngửi mùi lúa lên đòng, mùi cơm gạo mới sau mùa gặt, thèm bưng một bát cơm trắng ngần không phải độn bất cứ thứ rau củ gì. 

Ruộng đồng quê nhà thấm đủ nỗi cơ cực của ông, chỉ với mong muốn duy nhất giúp bố mẹ kiếm đủ bát gạo nấu cơm cho cả nhà ăn no. Da lúc nào cũng tím tái vì lạnh, bợt bạt như người bị cớm nắng. Các kẽ chân tay phát cước, sưng đỏ và lở loét.

Sớm tinh mơ tháng Chạp, trời rét cắt ruột, ông ngâm mình trong nước suốt 8 tiếng đồng hồ đi riu tép. Mẹ và đứa em gái ngồi trên bờ chờ có tép để đãi sạch rong rêu bán cho mấy nhà làm mắm tép. Không đi riu tép thì lại đằm mình dưới ao, mùa đông cắt rau cần, mùa hè bó rau muống. 

Ông cắt, đứa em mới tí tuổi mà đã sõi việc cầm rau đi giũ, nhặt cho sạch rồi bó thành từng bó cho mẹ gánh lên chợ bán. Nó níu sau quang gánh mẹ, thấy ai hỏi là đon đả mời chào. Nó khôn sớm nên người quắt cả lại, chẳng thể nào lớn nổi. 

Bố ông quanh năm ngày tháng, nóng bức hay giá rét, mùa đông cũng như mùa hè chỉ đánh độc bộ quần áo bộ đội đã bạc phếch, lúc thì quát trâu, lúc đi thả lưới, đánh giậm. Vậy mà chẳng hiếm bữa, mở vung nồi cơm thấy cuống rau muống già đỏ quạch, chát xít, bã dắt đầy răng hoặc khá hơn thì rổ rau má cõng gạo hết hai phần ba nồi.

Thời ấy, ông hay nhìn về phía núi, tự nhủ bằng mọi cách mình phải vượt qua dãy núi ấy, thoát ra khỏi những nhọc nhằn, cùng cực mà chỉ nghĩ đến thôi đã thấy dưới cánh mũi mình sực lên mùi bùn non hăng hăng, ngai ngái. Mùi bùn đầy buồn tủi ấy có ngờ đâu lại găm vào lòng ông và em gái mình sợi dây kết nối lặng thầm nhưng chẳng thể nào cắt đứt với quê hương.

Đi bộ đội về, ông lập tức xin làm công nhân trên thành phố, rồi đi học, trở thành cán bộ nhà nước. Công việc ổn thì lấy vợ, sinh con. Vợ ông sinh ra ở thành phố, chẳng biết quê là gì và một mực nghe theo chồng. Ông bám vào lý do học hành, công việc, gia đình, con cái để tránh những công việc tại quê nhà. 

Vài tháng, ông về quê một lần, biếu bố mẹ vài đồng, dặn dò đứa em gái cố gắng học hành để thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhọc nhằn quanh năm mà ăn còn chẳng đủ no. Giỗ họ, xây nhà thờ, ông gửi tiền về tiến cúng đầy đủ, hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của một thành viên trong dòng tộc nhưng số lần ông lên thắp hương, tưởng nhớ có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 

Bố nhắc, ông im lặng không cãi nhưng cũng chẳng làm theo. Bố đưa cuốn gia phả bảo ông cất sau này đến đời con cháu còn nhớ về nguồn cội, ông nhận nhưng chẳng buồn giở ra xem.

Ông không nói chuyện, cũng chẳng gặp gỡ hàn huyên với bạn cũ. Gặp người làng, ông chào hỏi rồi vội vã đi, sợ nói dăm ba câu chuyện rồi bữa sau mình lại thành đề tài trong miệng người khác. Ông đi và về hệt như một người khách chỉ để dành ra chút thời gian rảnh rỗi để ghé thăm nơi chốn từng quen biết. 

Những đứa trẻ trong làng dần dần chẳng biết ông là ai. Thi thoảng, ông cũng đưa vợ con về, cốt là để cho cháu được gặp ông bà, ông bà đỡ nhớ cháu, để vợ đỡ dằn vặt về trách nhiệm dâu con trong nhà. Trong thâm tâm ông lúc ấy vẫn nghĩ giá như có thể thuyết phục được bố mẹ lên ở cùng thì sẽ tốt hơn. 

Bởi vậy, ông không hiểu được tại sao bố ông lại ngồi lặng lẽ cả mấy ngày trời không nói năng gì, mẹ ông bưng mặt khóc như một đứa trẻ con khi mở đường cao tốc, ao hồ bị lấp để làm đường, đồi bị ủi, ruộng được lấy để xây nhà máy. Khi đã nguôi ngoai, mẹ mới chép miệng bảo may cái khu đồng mả không nằm trong chỗ bị san ủi, sau này khuất núi vẫn còn chỗ để nằm.

Nhà vẫn giữ được, sau này con cái có chỗ đi về, hương khói. Ông thầm nghĩ, thời đại phát triển, ai rồi cũng hỏa thiêu, nhanh gọn, sạch sẽ, mấy ai còn ra đồng nằm mà mẹ phải lo xa. Cuộc sống phải tiến lên phía trước, đâu ai có thể lùi lại, sống mãi với những thứ đã trở nên lạc hậu, không còn hợp thời.

Vậy mà đứa em gái ông cách nửa vòng Trái đất cuối cùng đã chọn được về nằm giữa đồng bãi quê nhà. Dù rằng ngày trở về chỉ còn là một nắm tro, nhẹ bẫng, lạnh giá. Lá thư cuối cùng gửi cho ông sực lên mùi bùn non từ tâm tưởng tãi lên từng chữ, từng dòng.

Học xong cấp ba, nó đi xuất khẩu lao động. Được mấy năm thì kết hôn với một người Việt Nam cũng sang đấy làm rồi định cư. Cuộc sống vất vả nơi xứ người, vợ chồng đổ vỡ, một mình lo cho con cái học hành, giá cả thứ gì cũng đắt đỏ khiến nó chẳng thể nào dứt ra mà về được. 

Bố mất, mẹ mất cũng đành chấp nhận làm đứa con bất hiếu, không tiễn bố mẹ được đoạn đường cuối cùng. Nó gửi thư về. Những lá thư gửi về cho ông có lẽ là những lá thư nó viết trong lúc mệt mỏi, buồn bã nhất, giãi bày những điều mà qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi nó chẳng thể nào thốt lên được. 

"Anh biết không, ngày bé em sợ nhất là mùi bùn, nhất là những ngày tháng Sáu đi cấy, nắng hun bốc lên váng hết cả óc. Có biết sâu xa chính cái mùi bùn ấy cho mình hạt gạo, con tép, con cua. Bây giờ, thèm một bát mắm tép chưng chấm rau sống, thứ mắm được ủ từ những con tép đỏ au anh riu từ ruộng đất quê mình mà chỉ biết ngồi tưởng tượng rồi chảy nước mắt vì nhớ. 

Rồi dịp cuối năm, thèm một bữa hành cuốn, cái món dân dã chẳng thể nào thiếu vào dịp Tết ở quê mình. Ngày xưa mẹ bảo các thứ cuốn vào nhau tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn tụ. Nhớ đến lại chạnh lòng".

Có hôm cô em gọi điện về, giọng đầy niềm vui: "Anh biết em gặp ai không. Chị Lụa. Anh có nhớ chị Lụa nhà bà Thêu đầu làng không". Cái tên khiến ông nhíu mày, không thể nào nhớ ra nổi. Em gái nhắc cái chị ngày xưa thích anh, biết anh em mình đi học bị đói, hay để phần lúc thì khúc sắn nướng, khi thì bắp ngô luộc trong cái miếu ở gốc đa đầu làng ấy. 

Ông lặng đi. Quê hương nhạt nhòa, người từng giúp đỡ mình ngày xưa ông cũng lãng quên. Em gái lại kể: "Chị ấy cũng sống ở bên này. Gặp nhau là đồng hương người Việt đã quý, gặp người cùng làng chẳng cảm xúc nào diễn tả được. Chị ấy mời em về nhà, chiêu đãi những món ăn Việt Nam, những món đắt đến mức em chưa làm cho con được mấy lần để nó biết tới hương vị quê nhà. 

Hôm em suýt bị đuổi ra đường vì tháng ấy ốm quá, chưa kiếm đủ tiền để trả tiền thuê nhà, chị ấy biết nên cho vay. Tự nhiên em thấy chẳng đâu bằng người quê mình, anh ạ. Tha hương lại càng thấy quý... Chị Thắm bảo, bố mẹ không còn, anh em cũng sang bên này hết, nhưng một ngày gần nhất chị sẽ trở về. Con người ta không có quê hương sẽ bơ vơ lắm...".

Đứa cháu ôm bình tro của mẹ, nôn nóng hỏi sắp về tới nhà chưa. May mà có bác Thắm, đồng hương với mẹ cháu, lo giúp các thủ tục, cháu mới đưa mẹ về được. Mười tám tuổi, lần đầu nó được đặt chân lên quê ngoại.

Ông mang em về nhà. Căn nhà nơi ông và em gái đã lớn lên, ông gửi gắm một người họ hàng chăm nom, quét dọn, thi thoảng ông trở về thắp cho bố mẹ nén nhang. Những người họ hàng, làng xóm đã tập trung từ lúc nào, người kê bàn ghế, người đun nước chè xanh. Bác trưởng họ thấy ông về, vội vàng giải thích:

- Nhận được tin, dù chưa có lời của gia đình nhưng họ hàng, làng xóm, láng giềng sang đây trước là chia buồn, sau là đưa tiễn cô ấy theo đúng lễ nghĩa của làng mình. Nghĩa cử là nghĩa tận, mong gia đình không trách chúng tôi tự tiện.

Ông thấy rưng rưng, chẳng biết phải đáp lời thế nào. Chỉ có những dòng chữ trong lá thư cuối cùng em gái gửi cho ông văng vẳng. 

"Em bị bệnh chẳng sống được bao nhiêu. Em muốn về nằm giữa bờ bãi quê mình, ủ vào mùi bùn non. Dẫu em đã đi xa bao nhiêu năm, đã bạc bẽo đến nỗi chẳng thể một lần về thăm nhưng em tin, lòng quê bao dung và rộng lượng sẽ tha thứ và đón nhận đứa con xa trở về.

Như bùn non ngai ngái, dãi dầu mà giấu trong lòng màu mỡ nuôi hạt lúa, củ khoai, cho con tôm, con tép chẳng hề tính toán so đo. Phải không anh?".

Nước mắt ông ứa ra khi nghe đứa cháu trai cúi xuống nói nhỏ với vòng tro ôm trên tay: "Mình về đến nhà rồi. Mẹ ơi!".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn