Những làn điệu Then - đàn Tính làm say đắm lòng người và được coi là "điệu hát thần tiên" của vùng Tây Bắc và cũng là "báu vật vô giá" của đồng bào dân tộc Nùng ở Bắc Giang. Với mục đích bảo tồn, phát huy và vinh danh các giá trị đặc sắc của làn điệu Then, CLB hát Then thôn Đồng Thủy đã nỗ lực để đào tạo thế hệ truyền thừa di sản vô giá này.
Bà Lý Thị Mít - Phó Chủ nhiệm CLB Hát then thôn Đồng Thủy cho biết, Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả và gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống ông cha. Trong quan niệm dân gian, Then có nghĩa là "Thiên" (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Các khúc hát Then thường cầu cho vạn vật được bình an, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu, luôn hướng mọi người làm điều thiện, tránh điều ác. Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then là cây đàn Tính - loại đàn được làm từ quả bầu, có 2 dây, trên mặt đàn có dát một lớp gỗ mỏng, cần đàn được làm bằng gỗ.
Với giá trị văn hóa đặc sắc, nhiều năm trở lại đây, việc bảo tồn giá trị di sản Then luôn được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, chú trọng. Để bảo tồn, phát huy giá trị Then, CLB hát Then thôn Đồng Thủy đã lấy mục đích truyền dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng Then; đưa hát Then, đàn Tính vào văn hóa sinh hoạt của cộng đồng, đặc biệt là các bài Then cổ.
"Chúng tôi mong muốn tạo được thế hệ kế cận, truyền thừa di sản hát Then nên khuyến khích các cháu nhỏ, học sinh, thanh thiếu niên tham gia. Hiện nay CLB có học viên nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi, còn chủ yếu là học viên từ 25 tuổi trở lên. Các cháu nắm bắt rất nhanh và có sáng tạo. Tuy nhiên, để các cháu gắn bó lâu dài với hát Then thì vẫn còn nhiều việc phải làm", bà Lý Thị Mít cho biết.
Theo bà Mít, cái khó của hát Then cổ là phải nắm được cái "hồn" của Then. Then là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật như múa, hát, trình diễn nhạc cụ dân tộc..., tất cả được hòa quyện thành giá trị văn hóa truyền thống riêng của mỗi dân tộc. Hiện nay, số người biết, nắm rõ và biểu diễn được loại hình này rất ít. Để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, CLB đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy lại cho con cháu và những người đam mê với loại hình nghệ thuật này.
Anh Đàm Văn Thái, Chủ nhiệm CLB hát Then thôn Đồng Thủy là người dân tộc Nùng chia sẻ, khi xưa vì đam mê đã tự học hát Then. Sau đó anh học hát Then cổ, Then cải biên, Then hiện đại rồi truyền dạy lại cho người nhà, cho thanh thiếu niên địa phương và những ai thích hát Then. Anh đã theo CLB từ đầu nên cũng có nhiều kinh nghiệm truyền dạy và khơi dậy niềm yêu thích cho lớp trẻ. Mỗi ngày lại có thêm các bạn trẻ tham gia, góp phần đa dạng lứa tuổi cũng như tạo sức trẻ cho CLB.
"Phần lớn thành viên đều là nông dân nên khó khăn về kinh phí, quần áo, chi phí tự túc nhưng được đi hát là ai cũng mừng. Mấy năm trước dụng cụ học Then còn phải tự mua sắm, nhưng gần đây Ủy ban dân tộc tỉnh đã tặng cho CLB 18 cây đàn tính và 13 bộ sóc nhạc. Đi biểu diễn thì được Hội LHPN xã, huyện hỗ trợ một chút chi phí", bà Mít cho biết.
Mặc dù vậy, CLB vẫn duy trì và phát triển, vượt mọi khó khăn để truyền dạy các kiến thức, kinh nghiệm về hát Then - Đàn Tính cho thế hệ kế cận. Đến nay các thành viên trong CLB đã chơi tốt các nhạc cụ dân tộc, biết luyến láy, đúng nhịp của Then cổ và Then cải biên. Mong muốn của CLB hát Then thôn Đồng Thủy là được truyền dạy tới các thế hệ kế cận, nhất là con em đồng bào dân tộc Nùng đang ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, góp phần bảo tồn, và lan tỏa những tập tục tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bản tỉnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn