Truyền thống cổ xưa ‘Nyumba ntobhu’ giúp phụ nữ Tanzania tránh bạo hành

08:00 | 05/06/2019;
Từng đổ vỡ hôn nhân, những người phụ nữ của bộ lạc Kuria (Tanzania) chuyển đến sống chung dưới một mái nhà, nương tựa vào nhau theo truyền thống cổ xưa có tên “Nyumba ntobhu” (Ngôi nhà của phụ nữ). Tập tục này ngày càng phổ biến khiến đám cưới giữa những phụ nữ chiếm tới hơn 20% tổng số các cuộc hôn nhân ở đây hiện nay.

5 năm trước, cô Boke Chaha (25 tuổi) kết hôn với bà Christina Wambura (64 tuổi) theo truyền thống cổ xưa của bộ lạc Kuria có tên là Nyumba ntobhu. Tập tục này cho phép những phụ nữ lớn tuổi không có con trai kết hôn với một phụ nữ trẻ hơn, người có con trai hoặc có thể sinh con trai trong tương lai. Nyumba ntobhu giúp đảm bảo di sản của những người phụ nữ không bị lãng quên. Điều quan trọng khác là tập tục này mang lại sự an toàn cho phụ nữ.

 
boke-chaha-3.jpg
Bà Christina Wambura và Boke Chaha bên người con trai út

 

Theo số liệu thống kê của chính phủ Tanzania, hơn 78% phụ nữ tại khu vực Mara, với dân số chủ yếu là từ bộ tộc Kuria, đã từng là nạn nhân của những vụ tấn công tình dục, bạo hành tinh thần hay thể xác từ người chồng. Đây là nơi tỷ lệ bạo lực gia đình cao nhất trên toàn Tanzania. Đối với những phụ nữ Kuria, Nyumba ntobhu trở thành một vị cứu tinh. Do đó, việc phụ nữ đến với nhau theo tập tục Nyumba ntobhu ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng người Kuria. Tại huyện Tarime, nơi Chaha và Wambura sinh sống, đám cưới giữa những phụ nữ chiếm tới hơn 20% tổng số các cuộc hôn nhân.
 
boke-chaha-1.jpg
Hai mẹ con Boke Chaha

  

Tại Tanzania, tình yêu và hôn nhân đồng giới là bất hợp pháp. Thành viên cộng đồng LGBT (đồng tính luyến ái, song tính luyến ái và người chuyển giới) tại đây thường xuyên bị đàn áp. Thế nhưng, những cuộc hôn nhân theo tập tục Nyumba ntobhu của người Kuria vẫn được tiến hành. Tập tục này cho phép những phụ nữ lớn tuổi không có con trai kết hôn với một phụ nữ trẻ hơn, người có con trai hoặc có thể sinh con trai trong tương lai. Nyumba ntobhu giúp đảm bảo di sản của những người phụ nữ không bị lãng quên. Điều quan trọng khác là tập tục này mang lại sự an toàn cho phụ nữ. Chính cô Chaha cho biết, là thành viên của bộ lạc Kuria, sống tại ngôi làng Kitawasi ở Tanzania, gần biên giới Kenya. Cô đến với bà Wambura sau khi bỏ chồng để tránh đòn roi. “Tôi đã chán sống với đàn ông. Tôi chọn chuyển đến đây sống với người phụ nữ này và giúp đỡ lẫn nhau", Chaha nói.
 
boke-chaha-2.jpg
Ngôi nhà của Christina Wambura và Boke Chaha

 

Trong ngôi nhà đơn sơ ở làng Kitawasi, Chaha và Wambura đã tạo ra một ốc đảo riêng. Những dải lụa đầy màu sắc được treo thành hình cầu vồng dọc trần nhà. Một trong những đứa con trai của Chaha chập chững đến bên Wambura khi bà đang chuẩn bị bữa trưa. “Ở đây, tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều, không bị ai đánh đập, không có những vụ cãi vã. Đây là mối quan hệ đối tác, tìm kiếm thức ăn cho lũ trẻ và bản thân chúng tôi”, Chaha nói.
 
Nhớ lại thời còn sống chung với chồng cũ, người cô kết hôn từ năm 15 tuổi, Chaha cho biết cô thường xuyên cảm thấy bị de dọa. Người phụ nữ muốn một môi trường an toàn hơn cho con trai mình; vì vậy, cô đã từ bỏ cuộc hôn nhân. Chaha quay về nhà cha mẹ nhưng cô phải trả lại cho chồng 9 con bò, sính lễ mà chồng cũ đã đưa cho gia đình cô khi kết hôn. Mỗi con bò khi ấy có giá lên tới 216 USD. "Bà Wambura khi đó tới và hỏi cha tôi, liệu tôi có thể tới sống với bà ấy không. Sính lễ bà ấy đưa cho cha tôi được sử dụng để trả cho người chồng cũ. Vì thế, bây giờ tôi đã về chung một nhà với bà ấy", Chaha giải thích.
 
christina-wambura.jpg
Bà Christina Wambura từng tự mình rũ bỏ cuộc hôn nhân bạo lực

  

Trong khi đó, bà Wambura cho biết bà từng trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên đầy sóng gió ở làng Kitawasi. Kết hôn khi mới chỉ 11 tuổi, bà Wambura đã mất khả năng sinh con khi  bà gặp sự cố khi sinh và đứa con trai qua đời sau khi sinh ra. "Đó là khởi nguồn cho những trận đòn roi. Chồng cũ đá tôi ra khỏi nhà mỗi ngày, mắng chửi tôi là thứ đàn bà không biết đẻ", Wambura nhớ lại.
 
Người phụ nữ mất con sau đó sống 11 năm tại Mwanza, một thành phố nhỏ bên hồ Victoria, làm việc tại nhà máy thủy sản, đồng thời đi làm giúp việc cho các gia đình, trước khi quay trở lại Kitawasi. Em trai của Wambura mua cho bà một mảnh đất nhỏ, là nơi bà hiện sống cùng Chaha. Người này cũng giúp bà Wambura mua bò làm sính lễ cho gia đình Chaha. Bà Wambura thừa nhận cuộc sống của bà đã tốt đẹp hơn từ ngày có Chaha: "Tôi có người bầu bạn và chia sẻ cùng nhau”.
 
Điều đáng nói là mối quan hệ gia đình theo tập tục Nyumba ntobhu không ngăn cấm Chaha đi tìm kiếm bạn tình. Từ khi chuyển đến sống cùng bà Wambura, Chaha đã sinh 3 người con trai. Những đứa trẻ của Chaha trở thành con chung giữa cô và bà Wambura. Bà Wambura giờ đây có cơ hội chăm sóc và dạy bảo những đứa trẻ, điều tưởng như không bao giờ đến với người phụ nữ từ lâu đã mất đi khả năng làm mẹ. Còn với Chaha, cô cho biết cô hạnh phúc hơn với kiểu gia đình như vậy, không bị đàn ông bó buộc và được sống cuộc sống tự do.
 
phu-nu-o-kitawasi.jpg
Những phụ nữ trong bộ lạc Kuria

  

Dù mang lại lối thoát cho những phụ nữ muốn thoát khỏi nạn bạo hành gia đình nhưng tập tục Nyumba ntobhu bị các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội chỉ trích. Luật sư Emmanuel Clevers từ Trung tâm Hỗ trợ góa phụ và trẻ em ở khu vực Mara cho biết, phụ nữ trong cộng đồng người Kuria vẫn đối mặt hủ tục như cắt bộ phận sinh dục hay chế độ đa phu hoặc đa thê. Ngoài ra, Nyumba ntobhu không cho phép những phụ nữ trẻ được hưởng quyền thừa kế tài sản khi bạn đời của họ qua đời. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ khoảng 20% phụ nữ ở Tanzania đứng tên sở hữu đất đai. Ngoài ra, tập tục Nyumba ntobhu trao con của những phụ nữ trẻ hơn cho người bạn đời lớn tuổi hơn, tước đi mọi quyền làm mẹ của chính người mẹ sinh học.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn