Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025, cả nước còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 7,52%, trong đó tập trung ở các vùng miền núi.
Báo cáo cũng cho biết, với tình hình đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, cũng đang những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, tỷ lệ thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo có sự chuyển biến, thể hiện rõ trong kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 so với cuối năm 2021. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo thiếu hụt về việc làm giảm 2,68%; tỉ lệ hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở giảm 2,35%, không được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh giảm 9,17%, không được tiếp cận nhà vệ sinh đạt chuẩn giảm 4,83%...
Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, chính sách giảm nghèo thực sự đã đi vào cuộc sống. Các chính sách này đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có đời sống khấm khá.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, chương trình hỗ trợ của người dân vẫn còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này lại đến từ sự chênh lệch về trình độ nhận thức, về hiểu biết pháp luật và chưa thể tiếp cận được những thông tin cần thiết về chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo đang thực hiện.
Phóng sự về giảm nghèo đa chiều được phát tại Chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức
Việc thiếu hụt về thông tin pháp luật, các thông tin về chính sách, chương trình giảm nghèo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng trong việc tình trạng đói nghèo và tái nghèo vẫn đang diễn ra ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo không chỉ cần sự tham gia của Đảng, Nhà nước của các cơ quan chính quyền mà phải có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự tự tin, tự chủ với ý chí vươn lên từ mỗi cá nhân để chuyển mình từ "thụ động" sang "chủ động" thoát nghèo, đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay, đang mở ra rất nhiều những cơ hội phát triển bền vững.
"Với vai trò là tổ chức nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Qua từng năm, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững có những điểm khởi sắc, chuyển đổi mạnh mẽ.
Các cấp Hội đã giúp hơn 2 triệu hộ nghèo, trong đó có gần 270 nghìn hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều trong giai đoạn 2017 - 2022
Trong giai đoạn 2017 - 2022, hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ giảm nghèo được đẩy mạnh ở các cấp. Thông qua các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ vốn tín dụng cho phụ nữ nghèo được thực hiện có hiệu quả, gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Các cấp Hội đã giúp hơn 2 triệu hộ nghèo, trong đó có gần 270 nghìn hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều", bà Phạm Hương Giang, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn