Truyền thông xã hội tạo nên 4 đặc trưng của thế hệ Z

07:45 | 12/05/2020;
Thế hệ Z (những người sinh những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21) còn được gọi là "cư dân số" vì họ lớn lên trong giai đoạn công nghệ và Internet. Ảnh hưởng từ mạng xã hội đã tạo nên dấu ấn đặc trưng của thế hệ này.

Trích dẫn từ báo cáo của Global Web Index (một công ty nghiên cứu dữ liệu về mạng) về sử dụng phương tiện truyền thông xã hội qua các thế hệ cho biết, thế hệ Z dành nhiều thời gian cho phương tiện truyền thông xã hội hơn thế hệ Y (những bạn trẻ ra đời cuối những năm 80 và đầu những năm 90) khoảng 2 giờ 55 phút mỗi ngày.

Mạng xã hội

Nghiên cứu cho thấy thế hệ Z đang dần ít sử dụng các nền tảng xã hội như Facebook hơn và dành nhiều thời gian cho các phương tiện như YouTube, Snapchat và Instagram. Những nền tảng này tạo điều kiện cho thế hệ Z có cơ hội thể hiện bản thân một cách trực quan hơn. Ngoài ra, theo báo cáo năm 2019 của công ty dịch vụ phần mềm Meltwater trên trang "Beyond skin deep", Instagram là mạng xã hội phổ biến nhất dành cho những người có ảnh hưởng, tiếp theo là Twitter và YouTube ở các quốc gia Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines. Theo thống kê, ở Đông Nam Á có 55% dân số sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.

Thương mại điện tử

Phương tiện truyền thông xã hội cũng thúc đẩy thị trường thương mại điện tử, nơi các nền tảng được sử dụng để nghiên cứu sản phẩm, gắn kết thương hiệu và mua hàng trực tuyến. Theo một nghiên cứu năm 2018 với nhan đề "Here comes the Centennial: Southeast Asia’s new generation of shoppers" (Thế kỷ cho người mua sắm thế hệ mới ở Đông Nam Á) thực hiện bởi Dentsu Aegis Network và Econsultancy, 49% thế hệ Z chuyển hướng sang phương tiện truyền thông xã hội cho việc nghiên cứu thêm thông tin về các lựa chọn mua hàng trong tương lai. Nghiên cứu cũng cho thấy thế hệ Z có khả năng mua sản phẩm được quảng bá bởi những người có sức ảnh hưởng mà họ yêu thích gấp 1,3 lần.

Các nhóm thế hệ Y trước đó cũng có mối quan tâm ý thức và mục đích khi lựa chọn mặt hàng cần mua. Dựa trên báo cáo "Inspiring Purpose-Led Growth" (tăng trưởng có mục đích truyền cảm hứng) của Kantar Consulting 2020, gần hai phần ba thế hệ Y và thế hệ Z ủng hộ các thương hiệu thể hiện quan điểm riêng và có ý nghĩa biểu trưng.

Các sinh viên mang khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành để phản đối sự thay đổi khí hậu ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh AFP)

Các sinh viên mang khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành để phản đối sự thay đổi khí hậu ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh AFP)

 

Nhận thức về vấn đề toàn cầu

Thế hệ Z cũng có nhận thức xã hội về các vấn đề toàn cầu và sự khác biệt giá trị. Các nền tảng truyền thông xã hội tạo điều kiện cho thế hệ Z tiếp cận rộng rãi với các vấn đề toàn cầu, thôi thúc họ cống hiến nhiều hơn cho nhân loại. Ngoài ra, giới trẻ Đông Nam Á còn đang tìm hiểu về các giá trị của sự bình đẳng và ý thức sinh thái. Các thế hệ Z ở Đông Nam Á rất quan tâm đến các yếu tố môi trường và muốn tạo ra tác động tích cực với thế giới về vấn đề này.

Giới tính

Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, thế hệ Z cũng cởi mở hơn về vấn đề giới tính cũng như tìm kiếm các biểu trưng đa dạng để mở rộng lý tưởng về ranh giới của giới tính. Thế hệ Z cũng đang chống lại sự phân biệt giới tính và những quan niệm rập khuôn tiêu cực về nam giới, nhấn mạnh đến sức mạnh và sự kiềm chế cảm xúc. Ngoài ra, thế hệ Z cũng đang dẫn đầu cổ vũ xã hội về thể hiện tình cảm và cảm xúc.

Những câu nói hãy tự yêu thương và thể hiện bản thân mình đang định hình sự tiến bộ xã hội và các chuẩn mực của cái đẹp truyền thống. Thế hệ Z đang phá vỡ định kiến bằng cách tự tin khoác lên người các bộ trang phục họ thích và là những gì làm cho họ cảm thấy tốt. Với số lượng nam giới có sức ảnh hưởng với vẻ ngoài thu hút ngày càng tăng, không có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn thanh niên thế hệ Z dành sự quan tâm đến vấn đề trang điểm. Ngày càng có nhiều thanh niên chấp nhận việc trang điểm. Và khi thế hệ Z hướng tới một thế giới linh hoạt giới tính, các sản phẩm như mascara, phấn nền và các sản phẩm làm đẹp phi giới tính khác sẽ tiếp tục có tác động đến văn hóa và xã hội.

Phương tiện truyền thông xã hội không chỉ là điều kiện để thế hệ Z khẳng định và kết nối mà còn trở thành một nơi cho các trào lưu ủng hộ và chống đối được hình thành. Những người trẻ tuổi cần nêu lên quan điểm trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và phương tiện truyền thông xã hội đang giúp họ thực hiện điều đó. Cho dù là vấn đề thương mại, tiếp thị hay công bằng xã hội thì thế hệ Z đang chứng tỏ mình chính là tác nhân của sự thay đổi.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn