Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) một thời là "thủ phủ" của cây thuốc phiện. Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, một số bản ở xã trung tâm, đường đi lại khó khăn nên khi Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, phải mất một thời gian dài vừa tuyên truyền, vừa đấu tranh quyết liệt, hoa anh túc đã không còn nở ở vùng đất biên viễn này.
Ông Vi Văn Du, Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết, dưới dãy núi Phà Cà Tủn cây thuộc phiện phát triển rất tốt, đặc biệt ở những thung lũng nhỏ trên những bản cao nơi người Mông sinh sống. Sau khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cấm, nhiều người dân vẫn lén lút trồng.
Bên cạnh lực lượng chuyên trách thường xuyên bám sát địa bàn vừa đấu tranh, vừa tuyên truyền, nhiều ban ngành khác trong xã cũng đồng bộ vào cuộc. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, trực tiếp có, lồng ghép có và sau cùng người dân cũng đã "thấm". Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2012, cây thuốc phiện mới không có xuất hiện ở vùng đất Tri Lễ.
Bà Vi Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ trong một buổi tuyên truyền kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn
Bà Vi Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Tri Lễ cho rằng, bên cạnh việc kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các cấp chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, nếp sống văn hóa chính là giải pháp căn cơ để cây thuốc phiện không còn đất sống.
Những mảnh đất trồng thuốc phiện trước đây đã được thay bằng những ruộng lúa, rừng đào. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả cũng đã được áp dụng. Bên cạnh đó là phát huy những thế mạnh của địa phương như phát triển trồng lúa Nếp khau nọi – giống nếp nức tiếng xứ Nghệ và mang lại nguồn thu lớn cho người dân xã Tri Lễ nói riêng và nhiều địa phương khác ở huyện Quế Phong nói chung.
Cũng theo bà Sinh, hiện nay trình độ dân trí đã được nâng cao, đời sống có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng phát triển, khoa học kỹ thuật tiến bộ nên việc tuyên truyên các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân cũng dễ dàng. Người dân nắm bắt nhanh và hiệu quả cũng rất cao.
Dù cây chứa chất ma túy không còn "đất sống" nhưng theo bà Sinh, Hội LHPN xã và các ban ngành đoàn thể không bao giờ chủ quan, lơ là. Hội vẫn thường xuyên phối hợp với bội đội biên phòng, công an và các đoàn thể… tuyên truyền đến từng thôn bản về tác hại của cây ma túy. Qua công tác tuyên truyền, người dân tại thôn đều nhận thức được tác hại của cây ma túy.
Quan tâm, sẻ chia với người dân sẽ giúp việc tuyên tuyên các chính sách của Đảng và Nhà nước hiệu quả
Cũng như xã Tri Lễ, trước kia xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) gắn với biệt danh "vựa" của cây thuốc phiện ở cực Tây xứ Thanh. Thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện được thực hiện một cách quyết liệt.
Ngay sau khi có chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, Đảng, Nhà nước ta đã có hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất thông qua các Chương trình 134, 30A... Người dân được hỗ trợ con giống, cây nuôi, cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế. Bà con cũng được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, kéo điện, làm đường, trường, trạm…
Xã Pù Nhi đã có một diện mạo mới khi cây thuốc phiện lùi vào quá vãng. Trên mảnh đất Pù Nhi bây giờ là những nương ngô, rẫy sắn, cánh đồng lúa tốt tươi và cuộc sống ấm no, đủ đầy của bà con đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái...
Nếu như nhiều tỉnh vùng biên đã xóa bỏ được cây có chứa chất ma túy, ngược lại trên địa bàn tỉnh Lai Châu tình hình vẫn diễn biến phức tạp mặc dù trong những năm qua, các cấp chính quyền đã rất quyết liệt đấu tranh nhằm quét sạch thứ cây độc hại này.
Đơn cử như trong năm 2023, các lực lượng chức năng ở Lai Châu đã phát hiện và triệt phá nhiều điểm trồng cây chứa chất ma túy. Cụ thể vào ngày 22/2, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an thành phố Lai Châu phát hiện tại ngôi nhà cấp 4, ở bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu có trồng 3 luống với 1.347 cây màu xanh nghi là cây thuốc phiện.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã triệu tập Trần Minh Quyết là người thuê ngôi nhà đến làm việc. Tại cơ quan Công an, Quyết khai nhận đã mua hạt giống cây thuốc phiện trên mạng xã hội về gieo trồng nhằm lấy cây và quả ngâm rượu.
Phát hiện người dân trồng cây ma túy ở bản Xéo Sin Chải, xã San Thàng, thành phố Lai Châu
Tiếp đó ngày 6/3, theo tin báo của quần chúng nhân dân, khu lán nương của gia đình Mua A Páo (SN 1971), ở bản Nậm Đắc, xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn có trồng cây thuốc phiện. Tổ công tác Công an huyện phối hợp với Công an xã Pú Đao kiểm tra tại địa điểm trên và phát hiện 4 thửa ruộng trồng cây màu xanh nghi là cây thuốc phiện đã có hoa, quả, với tổng số 1.950 cây.
Ngày 31/3, Công an huyện Phong Thổ đã phát hiện tại khu vực nương của người dân tại bản Tung Qua Lìn, xã Tung Qua Lìn có trồng cây thuốc phiện xen kẽ với cây rau cải trên nương. Ngay sau khi phát hiện, tổ công tác liên ngành đã tiến hành đo đạc, kiểm đếm, kết quả số diện tích trồng cây thuốc phiện là 500 m2 với 628 cây. Trong đó, có nhiều cây đã được chích quả để lấy nhựa, số cây còn lại đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả.
Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ cây có chứa chất ma túy được Cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương ở Lai Châu triển khai đa dạng với nhiều thông tin, nội dung và hình thức phù hợp với các đối tượng như vùng đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó là việc vận động nhân dân phát hiện, tố giác các hộ gia đình còn lén lút trồng cây có chứa chất ma túy và các hành vi vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma túy. Phát hành các văn bản về công tác phá nhổ, xóa bỏ, cấm trồng cây có chứa chất ma túy cho cán bộ tuyên truyền, chính quyền xã, thôn, bản để tuyên truyền trong cộng đồng dân cư…
Cây ma túy được phát hiện trồng tại bản Tung Qua Lìn, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ
Tại những địa bàn xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã không còn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.
Tuy nhiên, việc tái trồng cây có chứa chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp do nhiều yếu tố như các đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi, địa bàn tái trồng ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, nhận thức của người dân ở một số nơi đối với việc xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, sâu sắc.
Do vậy việc kiểm tra, giám sát nắm tình hình; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục… Cùng với đó là áp dụng, thay thế cây có chứa chất ma túy bằng giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp bà con dân bản vùng biên "đoạn tuyệt" được hoàn toàn với cây thuốc phiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn