Cùng với mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn là 1 trong 2 vị thần được thờ phụng sớm nhất. Từ bà mẹ Rừng nói chung của tín ngưỡng dân gian đến vị trí Đệ Nhị Thánh Mẫu trong điện thờ Đạo Mẫu là cả một quá trình phát triển lâu dài và phức tạp. Tuy nhiên đa phần các sự tích đều mở ảo không rõ ràng về lai lịch của bà. Có thể nói, ở đâu có rừng núi thì ở đó có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn nhưng có một số nơi thờ chính là Bắc Lệ (Lạng Sơn), Suối Mỡ (Bắc Giang) và Đông Cuông (Yên Bái). Ở 3 nơi này lưu giữ những truyền thuyết có phần khác nhau về Mẫu Đệ Nhị.
Tượng thờ Mẫu Thượng Ngàn |
Sự tích gắn Mẫu Thượng Ngàn với Quế Hoa Mị Nương công chúa
Theo truyền thuyết, bà vốn là con vua Đế Thích, lần đầu hạ phàm, bà là Quế Hoa Mị Nương công chúa, con vua Hùng Vương. Theo sự tích thì khi sinh bà ra, hoàng hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa. Sau khi sinh được bà thì hoàng hậu cũng qua đời nên bà quyết chí tu hành, không kết duyên, về sau cùng 12 nàng thị nữ vào rừng sâu, được lão tổ truyền đạo.
Lần thứ 2 bà giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái. Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang nên được nhân dân suy tôn là: ‘Diệu Tín Thuyền Sư Diệu Nghĩa Tàng Hình’, ‘Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều’. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là ‘Lê Mại Đại Vương’. Trong văn thỉnh mời Đức Thánh Mẫu có hát rằng:
‘Thỉnh mời Đệ Nhị Chúa Tiên
Vốn xưa giá ngự trên đền Đông Cuông
Hình dung nhan sắc khác thường
Giá danh đổi một hoa vương khôn bì
Biết đâu lá thắm thơ bài
Lòng trinh chẳng động một vài giá xuân.
Bà là vị Mẫu cai quản miền núi rừng và được nhân dân thờ phụng từ rất sớm |
Sự tích gắn Mẫu Thượng Ngàn với La Bình công chúa
Theo truyền thuyết, Mẫu Thượng Ngàn chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Khi còn trẻ, La Bình là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du, đồi bãi.
Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) cai quản, ông đã dạy dân rất nhiều điều bổ ích cho các hoạt động sinh sống của người dân: từ săn bắn thú dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước đến dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh… Do luôn được theo cha nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều.
Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết. Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp các nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lúc ấy, La Bình luôn tỏ ra là người bản lĩnh và thành thạo trong mọi công việc. Các sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh.
Còn bản thân nàng, chẳng những ân cần với mọi người mà còn rất thân thuộc với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc.
Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng trở về trời thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi của nước Nam.
Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi cây cối đổ, những cơn lũ quét…
Bà cũng dạy bảo con người chu đáo, tỉ mỉ. Công chúa không chỉ dạy dân những gì học được từ cha, mà trong qua trình tiếp xúc với những tù trưởng và người dân những vùng miền khác nhau, bà lại học thêm được những kiến thức mới rồi đem những kiến thức này đi truyền bá rộng rãi.
Công chúa cải tiến và hoàn thiện hơn những kiến thức trước kia. Ví dụ như làm nhà đã vững chắc nhưng giờ phải chạm trổ cho đẹp đẽ. Món ăn không chỉ kho, luộc, nướng mà còn có những cách chế biến cầu kì khác, ngon và lạ miệng hơn. Công việc đồng áng thì người dạy dân dùng ống bương dẫn nước, lại đi phát hạt giống để đâu đâu cũng có cơm dẻo nếp thơm. Với các vật nuôi trong nhà, bà đem về thêm nhiều giống gia súc mới, trồng thêm nhiều giống cây ăn quả, mang các loại hoa thơm cỏ lạ từ trên rừng núi về ...
Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn ở Suối Mỡ, Bắc Giang |
Thấy bà thực hiện tốt công việc của mình nên Ngọc Hoàng đã ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió. Từ đó, bà trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ.
Khi dân chúng ngày càng sinh sôi nảy nở, từ miền núi non và trung du tràn xuống đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán đã được công chúa Thượng Ngàn dìu dắt, dạy bảo. Vì vậy, nhiều người gọi bà là Mẫu, vừa trìu mến, gần gũi mà cũng rất tôn kính.
Ngoài việc phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của người dân, Mẫu Thượng Ngàn cũng rất chú ý đến giang sơn nước Việt. Người đã từng hiển linh âm phù cho tướng lĩnh nhà Lý đánh thắng Tống, nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông; giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh giành độc lập.
Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn ở Bắc Lệ, Lạng Sơn |
Một truyền thuyết kể rằng, vào thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít không chống cự được, phải phân tán mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, Mẫu Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy. Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thời gian này vô cùng gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm nhưng nhờ sự che chở của Mẫu Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.
Nhớ công ơn của bà nên các triều đại này sau khi thắng lợi đều làm lễ tạ ơn và có sắc phong.