Đó là chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) với PNVN. TS Thịnh cho rằng, cá ở hồ Tây chết là do chỉ số BOD (Biochemica Oxygen Demand) trong nước quá cao. Trong khoa học, BOD là chỉ số được sử dụng để xác định các sinh vật sử dụng hết oxy trong nước nhanh hay chậm như thế nào.
Nước ở Hồ Tây thiếu oxy do do nguồn nước bị nhiễm bẩn các hợp chất hữu cơ. Những chất này do những nhà hàng thải xuống, rồi chất thải từ đường ống của các hộ gia đình cũng đổ xuống hồ làm cho hàm lượng chất hữu cơ trong nước tăng cao. Khi hàm lượng chất hữu cơ lớn, sẽ cần nhiều oxy để tiến hành oxy hóa. Quá trình oxy hóa sẽ sử dụng chính khí oxy có trong nước khiến oxy bị cạn kiệt gây nên hiện tượng cá chết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh |
Có ý kiến cho rằng, nếu cá thiếu oxy thì phải nổi ngáp trước khi chết. PGS Thịnh cho rằng, điều này chỉ đúng một phần, bởi cá ngáp, nổi do thiếu oxy là những loại ăn nổi trên mặt nước. Còn những loại cá ăn chìm, sống ở tầng giữa và tầng đáy thì không. Hơn nữa, Hồ Tây rất rộng, nếu cá có ngáp ở giữa hồ thì cũng không ai thấy. Cá chết từ từ và vài ba ngày nó mới nổi. “Cá ở Hồ Tây chết là do chỉ số BOD trong quá trình phân hủy chất hữu cơ trong nước quá cao. Nó cao đến mức dùng hết oxy ở trong nguồn nước, nên những sinh vật sống trong nước sẽ chết vì nó không có oxy”, PGS Thịnh lý giải.
Nhiều người đặt giả thiết là cá Hồ Tây chết hàng loạt do độc tố của kim loại nặng. PGS Thịnh cho rằng ý kiến này chưa có cơ sở, bởi quanh hồ không có những khu công nghiệp hay nhà máy lớn để có thể thải xyanua hay phenol như vụ việc của Formosa (Hà Tĩnh) mà chủ yếu là chất thải sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, nếu có độc tố trong nước, thì chỉ cần phân tích mẫu nước là biết ngay. Ngay cả bây giờ, nếu nước có độc thì lấy nước đó thả cá cũng chết.
Cơ quan chức năng dùng máy tạo oxy ở Hồ Tây |
Còn theo TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I), mỗi ngày Hồ Tây phải tiếp nhận 4.000-5.000m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn và người dân sinh sống ven hồ thải xuống. Các chất ô nhiễm đổ xuống Hồ Tây quá nhiều và cần oxy để phân hủy nên đã gây ra hiện tượng thiếu oxy. Khi thiếu oxy, thì các chất phân hủy này chuyển hóa thành amoni. Thông thường nếu nước đủ oxy thì amoni sẽ được oxy hóa thành nitrat, khi đó nước sẽ không độc. Nhưng nếu trong nước thiếu oxy sẽ chỉ dừng lại ở amoni mà không chuyển hóa được thành các chất khác, gây ra độc tố khiến cá chết.
Từ ngày 30/9, cá ở Hồ Tây chết nổi trắng hồ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay đã có đến 200 tấn cá ở bị chết. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến cá ở Hồ Tây chết nhiều như vậy.