TS Phạm Thị Thúy: Gia đình Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức

13:34 | 28/06/2023;
Guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều thách thức cho các gia đình Việt Nam.

Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thuý (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM) xung quanh vấn đề này.

PV: Xin bà cho biết vai trò của gia đình Việt Nam hiện nay đối với sự phát triển của xã hội?

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý: Theo tôi, gia đình có vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội hiện đại. Nếu chúng ta làm tốt việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững thì nó sẽ là một giải pháp tuyệt vời cho tất cả các vấn đề của xã hội hiện đại.

PV: Theo bà, gia đình hiện đại có những điểm gì khác so với trước đây?

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý: Có thể thấy gia đình thời nay đã có nhiều tiến bộ, thể hiện trước hết ở sự bình đẳng hơn trước, phụ nữ được ra ngoài làm việc, mối quan hệ giữa chồng và vợ bình đẳng hơn, tôn trọng nhau hơn. 

Thứ hai là việc đầu tư nuôi dạy con cái ngày càng được quan tâm. Đặc biệt là gia đình trẻ, nhiều cặp đôi quan tâm đầu tư cả về tài chính, sức khoẻ, tri thức và những yếu tố khác để có những đứa con khoẻ mạnh, thông minh. 

Thứ ba, so với gia đình truyền thống thì sự tự do, độc lập cá nhân của mỗi người trong gia đình hiện đại ngày càng cao hơn, không còn "chồng chúa, vợ tôi" hay bố mẹ nói con phải nghe lời, áp đặt, độc đoán, gia trưởng như trước nữa.

PV: Vậy vai trò của người phụ nữ trong gia đình có những thay đổi như thế nào, thưa bà?

Những thách thức đặt ra và gia đình Việt Nam hiện nay - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý chia sẻ nội dung chuyên đề “Trường học hạnh phúc” cho hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện Củ Chi, TPHCM

 

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý: Người phụ nữ trong gia đình hiện đại đang được giải phóng khỏi những ràng buộc theo lễ giáo cũ. Họ cùng tham gia làm kinh tế, xây dựng gia đình. Ngày trước, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" còn bây giờ xây nhà, xây tổ ấm là chồng-vợ cùng làm. 

26,1% là tỷ lệ dân số già của Việt Nam vào năm 2050, theo dự báo của Liên hợp quốc. Theo số liệu năm 2016, tỷ lệ người cao tuổi sống ở mức nghèo đói là khoảng 10%. Điều đáng lo ngại là các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi. Một khảo sát với 922 người cao tuổi cho thấy, khoảng 8,1% từng bị bạo lực. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục người cao tuổi. Người gây ra bạo lực thường là con đẻ (chiếm 88,3% trong số các vụ).

Phụ nữ thời nay rất năng động. Họ có tri thức, nỗ lực để thành công. Tôi cũng thấy rõ sự khác biệt trong nuôi dạy con. Phụ nữ hiện đại rất chú trọng đến việc làm sao để chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái. Họ có hiểu biết nên họ có nhiều cơ hội để tìm hiểu, tham gia các khoá học. Đó là một thay đổi rất lớn. 

Theo cách ngày xưa, phụ nữ chỉ chăm con còn việc dạy con, định hướng nghề nghiệp cho con phụ thuộc vào chồng. Thời nay, người phụ nữ chủ động học cách nuôi dạy và định hướng nghề nghiệp cho con. 

Trong tình yêu, hôn nhân, phụ nữ thời nay cũng khá độc lập. Nhiều phụ nữ không còn cam chịu sống cùng người chồng bạo lực, không vì cố giữ cái vỏ "gia đình hạnh phúc" mà nhẫn nhịn, bỏ qua cảm xúc bản thân. Đó là một trong những lý do hiện nay phụ nữ đứng đơn ly hôn cao.

PV: Qua thực tế nghiên cứu của bà và đồng nghiệp, theo bà, những thách thức đặt ra với gia đình Việt Nam hiện nay là gì?

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý: Gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên là sự mất cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Con người của xã hội hiện đại vẫn đề cao gia đình. Họ rất muốn gia đình hạnh phúc nhưng nhiều người lại mắc kẹt, không cân bằng được công việc và gia đình. 

Nhiều gia đình, cả vợ và chồng cùng lao ra bươn chải, làm kinh tế, ít thời gian dành cho nhau và cho con cái. Đó là cái khó đến từ điều kiện khách quan.

Thách thức thứ hai là việc nuôi dạy con an toàn trong thời đại kỹ thuật số. Nhiều cha mẹ lo lắng vì con em mình có quá nhiều sự kết dính với các thiết bị công nghệ, ít vận động, giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người, đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội ít nhiều bị đảo lộn.

Thách thức thứ ba là về sự bền vững trong hôn nhân đang bị lung lay, tỷ lệ ly hôn tăng. Có nhiều cặp đôi bỏ nhau vì những lý do rất đơn giản.

Một thách thức nữa là chăm sóc người cao tuổi trong gia đình. Đây là câu chuyện của Việt Nam sắp tới, không cần chờ 5-10 năm nữa khi già hóa dân số. Bố mẹ già ở quê, con cái thì đi làm xa không chăm sóc được cha mẹ hay con U70 chăm sóc cha mẹ U90… 

Những vấn đề này đòi hỏi sự phát triển của viện dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi…

PV: Vậy các thành viên trong gia đình cần chuẩn bị hành trang cho mình như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Thị Thuý: Chúng ta phải chuẩn bị nhiều hành trang, bắt đầu từ những điều đơn giản để giải quyết các thách thức đã nêu ở trên. Để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, mỗi người phải xác định trong mỗi giai đoạn, mục tiêu của mình là gì để cân nhắc ưu tiên gia đình hay sự nghiệp? 

Nếu không thì sẽ luôn bị rối trong sự mất cân bằng, đi làm thấy mình có lỗi với con nhưng ở nhà, lo cho người thân thì lại thấy mình đang tụt hậu so với xã hội.

Giải pháp thứ hai, làm thế nào để hiểu và dạy con. Thế mạnh của gia đình trẻ là có hiểu biết, điều kiện kinh tế nhưng nhiều cha mẹ chưa chấp nhận sự khác biệt của thế hệ trẻ bây giờ.

 

Đáng lo ngại hơn là cứ 4 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì có 1 đôi ly hôn sau đó. Theo phân tích kết quả Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, các cặp vợ chồng ly hôn tuổi từ 40 đến 50 chiếm khoảng 15%, các cặp vợ chồng trên 50 tuổi (thậm chí nhiều người đã lên chức ông bà) chiếm khoảng 9%.

Cha mẹ phải đặt mình vào địa vị của đứa trẻ để hiểu con, kết nối với con và dạy con theo cách phù hợp với con trẻ. Nhiều cha mẹ đi tìm kiếm, học cách dạy con của người khác, càng chạy theo tìm kiếm giải pháp bên ngoài mà không quay về gần gũi con mình hơn thì họ càng mắc kẹt trong việc dạy con. 

Đối với các gia đình khó khăn, họ cũng có khoảng cách với con cái. Họ phải bươn chải để mưu sinh, gần như phó mặc việc dạy con cho nhà trường. Đứa trẻ ít nhiều cập nhật công nghệ, nó sẽ có thông tin và hiểu biết hơn cha mẹ. 

Thế là họ cũng không hiểu con mình. Cả hai nhóm đều rơi vào tình trạng mất kết nối với con. Điều này sẽ được tháo gỡ nếu họ nhìn nhận lại quan điểm dạy con.

Với thách thức thứ ba, quan điểm của tôi là chúng ta phải học cách làm vợ, làm chồng. Muốn giữ mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp thì bạn phải nuôi dưỡng nó. Nuôi dưỡng không phải là giữ chặt người bạn đời mà bạn phải nuôi dưỡng chính bạn. Không gì bằng đầu tư vào bản thân.

 Chúng ta cần đầu tư vào sức khoẻ, kiến thức, trình độ, năng lực, đầu tư vào cảm xúc của mình. Mình mà dậm chân tại chỗ trong khi bạn đời không ngừng tiến lên thì khoảng cách giữa hai người ngày càng xa. 

Khi có người thứ ba xen vào cuộc hôn nhân, nhiều người chọn cách xử lý là đánh ghen, lo kiểm soát tiền bạc, thời gian của bạn đời. Họ quên mất đó không phải là cách bền vững để giữ hôn nhân. 

Chúng ta phải làm mới mình, khi bản thân phát triển thì nếu tình yêu không còn nữa, mình vẫn có thể ung dung, tự tại, độc lập để rời bỏ mối quan hệ hôn nhân độc hại đó, để trong trường hợp nào bạn cũng có thể hạnh phúc.

30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình; 52% phụ nữ đồng tình và chấp nhận rằng nếu họ không trông con hoặc không làm tốt việc nội trợ thì bị chồng đánh (Tổng cục Thống kê, 2020).

Phụ nữ dành gần 39 giờ một tuần cho công việc, cộng thêm 18,9 giờ làm việc nhà, trong khi nam giới làm việc 40 giờ một tuần và có 8,9 giờ làm việc nhà. Như vậy, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới (Tổng cục Thống kê, 2019).


 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn