Không ít người lo ngại, khi sinh viên sư phạm không được miễn học phí cộng với thời gian đào tạo tăng thêm 1 năm sẽ là gánh nặng không nhỏ với sinh viên sư phạm đa phần xuất phát từ nông thôn, những gia đình không có điều kiện về kinh tế.
Là người giảng dạy tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, TS. Vũ Thu Hương cho biết, thực tế, sinh viên sư phạm có khả năng làm thêm rất tốt. Sinh viên có thể làm gia sư không hết việc nên trang trải khá tốt cho cuộc sống ở thành phố.
Hơn nữa, không chỉ sinh viên sư phạm mới nghèo, mới xuất phát từ nông thôn mà sinh viên nhiều trường khác cũng rất nghèo. Thế nên, việc miễn phí cho ngành sư phạm thật sự không công bằng với sinh viên các trường khác.
Việc miễn phí cho sinh viên sư phạm cũng là lý do để người học chọn nghề không theo nguyện vọng có thật. Các bạn vào sư phạm không vì yêu thích nghề giáo mà chỉ vì được miễn học phí. Như vậy, càng tăng thêm số sinh viên nhập học sư phạm không phải vì có tình yêu và nguyện vọng làm giáo viên. Do đó, bỏ miễn học phí sẽ chọn được người thực sự muốn vào ngành sư phạm.
Không ít người cho rằng, hiện nay được miễn giảm học phí mà đầu vào SP vẫn quá thê thảm, thì khi đóng học phí trở lại, việc tuyển sinh chắc chắn khó khăn hơn nhiều. Trước ý kiến này, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, tuyển sinh dễ hay khó không phụ thuộc vào việc miễn học phí hay không mà phụ thuộc vào yếu tố “đầu ra” như: Sinh viên ra trường có dễ xin việc không, nghề có được coi trọng không, nghề có khắc nghiệt không, nghề có dễ kiếm tiền không... Các bạn trẻ không chọn trường SP để vào cũng là vì những lý do trên. Còn việc miễn học phí chỉ “vớt” được một phần nên mới xảy ra chuyện trường CĐSP 10 điểm 3 môn vẫn trúng tuyển.
Để tăng chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, theo TS. Vũ Thu Hương, cần giải quyết tận gốc vấn đề này. Đó là cần phải xem xét lại cuộc sống và công việc của người giáo viên. Hiện nay, với cách quản lý giáo viên hết sức áp đặt và soi mói (hết cấp nọ đến cấp kia soi, phụ huynh soi) khiến giáo viên đang có cuộc sống rất ngạt thở. Công việc nhiều, áp lực lớn, lương thấp… khiến cho nhiều bạn trẻ chê ngành SP.
Theo bản hiến chương các nhà giáo, nhà giáo có quyền được đào tạo về mặt học thuật và chuyên môn theo các tiêu chuẩn cao nhất có thể, bao gồm cả những yêu cầu về giáo dục để có thể theo học ở bậc đại học. Họ có quyền tham gia các khóa học bổ trợ với sự hỗ trợ tài chính ở mức cần thiết, kể cả việc tạo điều kiện đặc biệt để có thể tham quan, trao đổi ở nước ngoài, nhằm giúp họ có kiến thức thực tế về cuộc sống của chính họ ở trong nước cũng như nước ngoài.
Nhà giáo được hưởng tiền lương phù hợp với tầm quan trọng của chức năng xã hội và giáo dục mà họ đảm nhận, để có thể cống hiến hoàn toàn cho nghề nghiệp mà không phải lo lắng về tài chính. Đối với những nhà giáo có trình độ và thâm niên công tác ngang nhau, cần áp dụng nguyên tắc trả lương công bằng, công việc như nhau thì lương cũng như nhau, không phân biệt…
TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh, nếu đảm bảo 100% những gì ghi trong hiến chương, chắc chắn cuộc sống của giáo viên sẽ đỡ khổ. Đặc biệt, nếu những vấn đề nổi cộm của ngành giáo được xử lý triệt để thì ngành SP sẽ rất đắt giá.
Nhiều giáo viên đi dạy nhưng nơm nớp lo bị phụ huynh “soi” rồi đánh thì không ai còn đủ nhiệt huyết với nghề. Chưa kể, giáo viên ra trường 20 năm vẫn đi làm với lương trung cấp, giờ lại đi học nâng hạng để nâng lương… sẽ khiến những người theo nghề giáo chán nản và ngăn con cái theo ngành này.
* Thực tế tuyển sinh SP những năm gần đây cho thấy, chính sách miễn học phí không còn “hấp dẫn” học sinh giỏi vào SP như thời gian đầu thực hiện. Bằng chứng là mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường ĐH đào tạo SP hạ điểm chuẩn bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào Bộ GD&ĐT công bố là 15,5 điểm và các trường CĐSP chỉ 10 điểm 3 môn đã đỗ nhưng vẫn tuyển mãi không đủ chỉ tiêu. Đây chính là một trong những lý do cho thấy, chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm đã... lỗi thời. |