Các bệnh dễ mắc phải khi đi biển mùa hè có thể kể đến như say nắng, rối loạn tiêu hoá, bỏng sứa, bỏng nắng, dị ứng hải sản,....
Khi tắm biển và nhất là việc đi lại nhiều khi mặt trời đang vào thời điểm nắng nóng gay gắt với tia UV ở mức cao có thể gây ra tình trạng say nắng - bệnh dễ mắc phải khi đi biển.
Dấu hiệu người bị say nắng, cảm nắng thường gặp đó là:
- Mệt mỏi, uể oải
- Bị hoa mắt, chóng mặt, loạng choạng
- Nhức đầu
- Nặng hơn có thể bị ngất xỉu hoặc đột quỵ.
Ai dễ bị say nắng, cảm nắng khi đi biển? Người có sức khoẻ yếu, người đang bị thừa cân, trẻ em và người cao tuổi là nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất cần phải chú ý.
Một bệnh dễ mắc phải khi đi biển mùa hè khác chính là cảm cúm. Cảm cúm xảy ra khi bạn tiếp xúc nhiều với nắng nóng và thói quen uống nước đá, ăn đồ lạnh liên tục. Ngoài ra người có sức đề kháng yếu hay tắm biển, ngâm người trong thời gian quá dài cũng có nguy cơ cao bị cảm cúm.
Biểu hiện của người bị cảm cúm là hắt hơi, sổ mũi, sức đề kháng suy giảm, người mệt mỏi, nhức đầu.
Cảm cúm là bệnh dễ lây lan, đặc biệt là mùa du lịch biển - nơi tập trung đông người.
Đi du lịch biển chắc chắn sẽ không thể thiếu món đặc trưng hấp dẫn từ người lớn tới trẻ nhỏ là "hải sản".
Tuy nhiên ăn hải sản không đúng cách, chất lượng không đảm bảo hay ăn uống quá nhiều, không đúng giờ giấc có thể khiến bạn gặp thêm những vấn đề về đường tiêu hoá. Các bệnh đường tiêu hoá phổ biến là tiêu chảy, táo bón, chán ăn, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn và nôn, đầy bụng, khó tiêu,...
Dù là xuống biển hay đi lên rừng thì bạn đều có nguy cơ bị dị ứng da do côn trùng đốt. Các vết đốt tuỳ mức độ có thể gây ngứa, đau rát, sưng tấy hay phồng rộp. Điều này rất dễ xảy ra nên dị ứng do côn trùng đốt là một bệnh dễ mắc phải khi đi biển mùa hè.
Ngoài dị ứng da do côn trùng đốt thì bạn cũng có thể bị dị ứng đồ ăn, dị ứng đồ uống hoặc dị ứng thời tiết do chuyển vùng khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết, kể cả khi trời nhiều mây thì bỏng nắng vẫn là bệnh dễ mắc phải khi đi biển. Nguyên nhân được giải thích là do ngoài bãi biển khá hiếm những bóng râm; kết hợp cùng với màu trắng của cát phản chiếu rõ ánh nắng mặt trời khiến cho vùng da tiếp xúc nhiều dễ bị tổn thương và gây bỏng nắng.
Do thế khi đi biển bạn nên tránh thời điểm ánh nắng mặt trời ở vị trí cao nhất, nhiệt độ quá nóng. Đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ da đúng cách như bôi kem chống nắng, sử dụng ô, mũ, kính râm,...
Sứa là một trong những sinh vật biển có sở thích bơi lội gần bờ. Nếu như chẳng may trong lúc tắm biển bạn vô tình chạm phải chúng có thể gây ra hiện tượng "bỏng sứa". Bỏng sứa tuỳ theo mức độ có thể chỉ gây đau rát nhẹ hoặc bị dị ứng da nặng.
Mới đây Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận và chữa trị một ca bị bỏng sứa do tắm biển. Bệnh nhân là bé gái, 8 tuổi khi nhập viện có những biểu hiện như da bị mọc nhiều bóng nước, những vết bỏng có dịch rỉ ra, một số chỗ da đã đóng mài và bị đau rát ở cánh tay bên phải.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn