Nhiều con đường để vào đại học
Nhìn vào bức tranh tuyển sinh đại học năm nay mới thấy, đã qua rồi cái thời phải thi đạt kết quả cao mới có cơ hội trúng tuyển vào trường mà học sinh mong muốn. Xu hướng chung của nhiều trường là có nhiều hơn một phương thức tuyển sinh. Thay vì sử dụng phần lớn kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường lựa chọn nhiều phương án khác như: Xét tuyển học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tổ chức riêng một số bài thi... Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi lớn về phổ điểm, mức độ khó – dễ của đề thi theo từng năm. Đề quá dễ, đề quá khó... ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi, dẫn đến điểm chuẩn đầu vào dựa theo kết quả kỳ thi này sẽ khiến thí sinh khó tính toán sát sao nguyện vọng dựa vào điểm chuẩn, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển của mình.
Trước tình hình này, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên làm tốt "sứ mệnh" của mình, đó là xét tốt nghiệp là chính thì đề thi tập trung vào kiến thức đạt chuẩn, không cần nhiều độ phân hóa cao. Việc lấy kết quả này để xét tuyển sinh đại học sẽ khiến các trường tốp trên thiếu "mặn mà" bởi khó chọn được những "hạt giống" thật sự. Tỉ lệ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển của các trường, theo dự báo sẽ ngày càng thu hẹp. Thay vào đó là có nhiều con đường khác để lựa chọn ứng viên. Nếu tiếp tục duy trì kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tính toán để đề thi có sự phân hóa rõ rệt hơn, làm sao để vừa đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh, vừa tạo cơ sở tốt cho các trường ĐH và CĐ xét tuyển, không phát sinh chi phí nhân lực - tài lực.
Đẩy mạnh tổ chức bài thi đánh giá năng lực
Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Ngoại thương, cho biết, việc tuyển sinh theo phương thức nào tùy thuộc vào tiêu chí lựa chọn thí sinh cho các ngành mà nhà trường đào tạo. Trường luôn lựa chọn nhiều phương thức tuyển sinh. "Với các chương trình tiên tiến, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực tiếng Anh tốt, thông qua tiêu chí như IELTS. Trường vẫn sẽ lựa chọn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để giúp thực hiện mục tiêu quan trọng là đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đối với những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có điều kiện tiếp cận các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, năng lực quốc tế. Kỳ thi này vì vậy vẫn là một phần quan trọng trong phương thức tuyển sinh của nhà trường", bà Hiền cho hay.
Trong khi đó, một số trường đang đẩy mạnh tổ chức kỳ thi riêng. Điển hình là bài thi đánh giá năng lực của trường ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo lãnh đạo trường ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022, trường sẽ tiếp tục dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức và các công cụ khác để tuyển sinh các ngành tài năng, chất lượng cao hoặc xét học bổng. Phương thức này nhằm hướng tới việc chọn được học sinh có năng lực phù hợp với khung năng lực ngành nghề. Khi xét tuyển dựa vào bài thi đánh giá năng lực thì kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là điều kiện đủ để thí sinh nhập học. Trường cũng hướng tới liên minh tuyển sinh các trường cùng sử dụng công cụ đánh giá năng lực để xét tuyển chung nhằm tiết kiệm chi phí cho thí sinh và toàn xã hội.
Các trường ĐH Quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH, nhóm trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ cũng là điều mà Bộ GD&ĐT khuyến nghị cho mùa tuyển sinh năm tới. Điều này được nhiều trường ủng hộ, các chuyên gia đồng tình. TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn tuyển, các trường đại học top đầu, trường có thương hiệu cần mạnh dạn trong đổi mới tuyển sinh. Trước mắt, các trường cần điều chỉnh cách thức tuyển sinh đại học theo hướng chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp THPT là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường. Sau đó, tùy điều kiện từng trường để tổ chức thêm các vòng thi, sử dụng bài thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy của thí sinh và không có bất kỳ điểm cộng, điểm ưu tiên nào ở bài thi này để tạo sự công bằng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn