"Dịch bệnh, nhưng thầy cô hãy ra khỏi phòng học của mình!"
- Thầy có đánh giá gì về năm học mới đầy biến động này khi cả nước đối mặt với dịch Covid-19?
Tôi cho rằng đây là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội. Thách thức là thầy trò đối diện với nguy cơ dịch bệnh có thể quay lại nhiều lần, trong khi đó bậc tiểu học năm đầu tiên đặt nền móng cho chương trình mới. Nhưng có thách thức thì sẽ nảy sinh nhiều cơ hội, thầy cô tìm hướng giải quyết như một nhiệm vụ kép. Đó là vừa tiến hành chương trình mới vừa ứng phó dịch bệnh để đảm bảo điều kiện học tập bình thường, không bị bất ngờ như năm học vừa rồi.
- Trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường và thầy cô nơi thầy quản lý đã áp dụng cách thức giảng dạy nào phù hợp với bối cảnh và vẫn đảm bảo chất lượng?
Thời gian qua, tôi khá bất ngờ với thầy trò trường tôi. Từ lâu mình quen với tuyền thống dạy học trực tiếp tại lớp rồi nên khi nghỉ học, thời gian đầu thầy trò cũng loay hoay, khó có điều kiện ứng phó. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh Đồng Nai tổ chức học từ xa qua truyền hình, triển khai một số hoạt động giảng dạy trực tiếp, thầy cô giáo mày mò làm. Tuy bước đầu còn hạn chế nhưng ít ra vẫn kết nối được với các em, gửi bài tập cho các em qua email, tương tác zalo. Một số thầy cô khác tung bài giảng của mình lên mạng xã hội... Đây sẽ là tiền đề để năm học này thầy và trò thích ứng tốt hơn.
- Dạy học trực tuyến, theo thầy giáo viên sẽ phải đổi mới sáng tạo như thế nào để phát huy hiệu quả?
Chắc chắn các thầy cô giáo vừa phải có cái chung vừa phải có cái riêng. Chung là trong dịch bệnh, bản thân thầy cô giáo nên cải tiến bằng việc hội họp trực tuyến. Tại sao mình không thay giáo án bấy lâu nay duyệt ở trường bằng việc gửi giáo án điện tử vào hộp thư chung, giảm bớt họp hành không cần thiết? Cái chung thứ hai là các thầy cô nên có thời gian ngồi lại với nhau để xây dựng bài giảng cho tốt. Trực tuyến có cái hay là bài giảng được xây dựng chủ động, một người giảng nhưng đằng sau đó là một đội ngũ cùng nhau hỗ trợ. Đối với cấp tiểu học, bài giảng ko nên kéo dài quá, 15 phút là vừa.
Còn cái riêng là gì? Đó chính là làm sao để tiếp cận được với cả những em hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện học trực tuyến bằng các thiết bị hiện đại. Do đó, mỗi thầy cô nên cất công biên soạn một cuốn bài tập nhỏ cho học sinh về những môn cơ bản. Với em nào không học trực tuyến thì nên trao tận tay cho em cuốn vở đó để em chủ động làm bài. Ở nhà phòng dịch, các em cứ mở sách theo yêu cầu, mỗi ngày làm một trang, bài nào làm không được thì đánh dấu.
Khi hết dịch quay lại, dù cách em không học trực tuyến được ngày nào nhưng ít nhất thông qua cuốn bài tập ấy, thầy cô giáo sẽ nắm bắt được học sinh đang thiếu gì để bổ trợ. Theo tôi, đó là "chất" riêng, như vậy mới kéo các em không có điều kiện có thể hòa nhập với các em có điều kiện, không chênh lệch nhau quá lớn.
- Khi nêu ý tưởng về cuốn bài tập này, thầy có được các giáo viên đón nhận không?
Khi tôi nêu ý tưởng, lúc đầu thấy anh em cũng ngại, sợ học trò không làm. Nhưng tôi bảo, có thể 10 em chỉ cần 5 em làm, tới khi tập trung lại đã đỡ được 1/2. Công sức tốn nhiều hơn nhưng có tâm huyết thì về sau các em đi học sẽ đỡ vất vả. Để làm được, anh em sẽ phải ngồi lại để hỗ trợ nhau, xác định đâu là phần cơ bản nhất của chương trình. Thầy cô có thể tạo ra một ngân hàng bài tập, sử dụng như tài nguyên chung để gửi cho học trò.
Năm vừa rồi tôi thử nghiệm cách này với một vài em, giao bài tập, đọc câu chuyện và viết tóm tắt thì nhiều em làm vẫn tốt, khi quay lại trường các em không bị bỡ ngỡ nhiều. Tôi nghĩ, dịch bệnh, nhưng thầy cô cũng phải ra khỏi phòng học của mình. Ra bằng ngõ nào thì tùy năng lực, nhưng tuyệt đối không bỏ sót các em không có điều kiện học trực tuyến!
Lời nhắn gửi qua bài học thầy trò Đường Tăng
- Với chương trình sách giáo khoa mới bắt đầu thực hiện từ năm học này, trong điều kiện dịch bênh, thầy cô giáo chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, thưa thầy?
Tôi đã trải qua 3 lần thay sách trong quãng đời dạy học, thì thấy dạy trực tiếp trên lớp mà thay sách, thầy cô nào cũng rất vất vả để thích ứng. Năm nay học trực tuyến thì sự vất vả còn nhân lên. Tuy nhiên, tôi vẫn chia sẻ với anh em là trong mấy tuần đầu ổn định, chưa cần phải truyền đạt kiến thức ngay, mà quan trọng là phải truyền đạt cho các em cách học. Để sau này các em có phương pháp, dựa vào đó mà học.
Tôi đã ao ước làm được một việc nhưng mới chỉ làm được một góc nhỏ thôi, đó là mời phụ huynh tới để họ nắm được cách học của con em mình. Chúng tôi đã từng mời phụ huynh tới dự một tiết dạy để xem các con học như thế nào. Nhưng cái gì mới đều phải trả giá. Nhiều khi anh em cũng tâm tư, thậm chí hơi "ngợp" vì làm nhiều quá! Nhưng hãy xem dịch bệnh này là thách thức nhưng mà là cơ hội, ai thích ứng được thì sẽ tồn tại, thậm chí là tạo uy tín lớn cho phụ huynh. Còn anh em nào mà không làm được gì trong điều kiện dịch bệnh thì thời gian, chương trình không đợi mình. Mình sẽ day dứt khi không sử dụng được thời gian nhàn rỗi. Đây là đạo dức nghề nghiệp, là động lực để thầy cô phấn đấu.
- Gần như cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, còn những dự định ấp ủ nào mà thầy chưa làm được?
Tôi đang tự rà lại một số điều mà bấy lâu nay vì công việc mà chưa được tiếp cận, và học tập, từ đó vỡ vạc cho bản thân. Tôi nghĩ, dù không ở cương vị quản lý, nếu có cơ hội để đóng góp cho nghề, dù rất nhỏ, thì tôi vẫn sẵn lòng. Ao ước của tôi là tạo ra một môi trường dạy học mà ở đó thầy cô giáo có điều kiện để phát huy hết năng lực của mình, và nhìn vào hai tiêu chí để đánh giá thầy cô: Các em đi học có vui vẻ không, và khi kiểm tra chung thì các em có đạt chuẩn chất lượng hay không?
- Năm học mới đã đến, thầy có nhắn nhủ gì đến các em học sinh trong năm học mới đặc biệt này?
Những năm còn làm Hiệu trưởng, tôi vẫn hay nói chuyện với các em vào lễ khai giảng đầu năm. Tôi hay trích dẫn phim Tây Du ký vào đầu câu chuyện. Tôi nhắc các em rằng, trên con đường giúp Tam Tạng thỉnh kinh, 4 học trò mỗi người có một thế mạnh, nhưng họ chỉ hoàn thành khi biết nương tựa vào nhau. Các em đến trường cũng vậy, hãy biết đâu là thế mạnh của mình, hãy dùng thế mạnh đó để chia sẻ với các bạn, đồng thời học hỏi những thế mạnh của bạn, có như thế thì năm học mới thành công.
Sau đó, thường thì tôi mời các em cùng nhảy theo điệu nhạc Tây Du Ký đó, trong niềm vui ngày khai trường!
- Xin trân trọng cám ơn thầy!
Với những cống hiến, sáng tạo của mình, năm học 2016 - 2017, thầy Lê Đức Dũng là một trong 64 giáo viên trên cả nước được Bộ GD&ĐT vinh danh người tốt - việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Trước đó, thầy cũng nhận được nhiều bằng khen vì đạt thành tích trong công tác GD&ĐT, trong phong trào Thi đua yêu nước góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc... từ Trung ương đến địa phương. Một dấu ấn nữa là khi áp dụng mô hình VNEN, không ít trường lúng túng, khó khăn trong việc triển khai. Một số trường hợp đành bỏ dở, thì thầy đã áp dụng thành công mô hình này ở một địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn trong địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn