Từ chối điều trị gãy xương ở bệnh viện, trẻ bị biến dạng cẳng tay

15:53 | 27/02/2019;
Trong lúc chơi đùa, bé K. bị gãy tay nên gia đình đưa đến BV huyện thăm khám. Tuy nhiên, gia đình từ chối điều trị và đưa bé về nhà đắp thuốc nam khiến tay bé bị biến dạng.

Ngày 27/2, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi (BV Đa khoa Phú Thọ) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi T.D.K. (11 tuổi, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị biến chứng do chữa gãy xương bằng thuốc thuốc nam.

Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cẳng tay biến dạng, 1/3 dưới biến dạng góc mở ra trước, tay đau, vận động kém. Gia đình cho biết, trước đó một tháng, trong lúc chơi đùa, bé bị ngã gãy tay. Gia đình đưa đến BV huyện thăm khám và được xác định gãy xương cẳng tay và chỉ định điều trị. Tuy nhiên, gia đình xin về và cho bé đắp thuốc nam.

dsc_0911.jpg
Cẳng tay của bệnh nhi bị cong ra ngoài sau khi điều trị bằng thuốc nam

Sau một tháng đắp thuốc, phần cổ tay của bé cong ra ngoài, vẫn đau, cử động kém nên gia đình đưa đến BV Đa khoa Phú Thọ thăm khám.

Tại BV, các bác sĩ chụp X-Quang và phát hiện cẳng tay phải của bệnh nhi bị gãy kín đầu dưới xương quay và chỉ định phẫu thuật cố định lại xương quay. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại BV.

Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, gần đây BV tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng do đắp thuốc nam khi điều trị xương khớp. Trong đó, có bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng da đắp thuốc, phỏng, rộp, dây chằng bị tổn thương, biến dạng phần xương bị gãy. Nếu trường hợp nhẹ, BV có thể phẫu thuật phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân nhưng một số chấn thương gãy xương nặng không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề, hạn chế vận động và có thể bị liệt.

Do đó, mọi người khi bị gãy xương, trật khớp hay bong gân, cần đến BV để được khám, chụp chiếu xác định tình trạng chấn thương và được điều trị đúng cách.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn