Hội thảo giáo dục (VEC) là sự kiện thường niên do Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Trước đó, Ủy ban đã tổ chức hội thảo giáo dục với chủ đề "Về chất lượng giáo dục phổ thông" năm 2017; về "GDĐH - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế" năm 2018; "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" năm 2019.
Và VEC 2020 lựa chọn chủ đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là "Tự chủ đại học – từ chính sách đến thực tiễn".
Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu chính thức, bao gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học...
Thông tin tại cuộc họp báo trước thềm hội thảo vào ngày 25/11, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, trước những yêu cầu mới của thời đại, GDĐH Việt Nam cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo ông Phạm Tất Thắng, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDĐH đã ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho GDĐH phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành cũng còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, còn khoảng cách cần phải thu hẹp.
Trong bối cảnh đó, VEC 2020 tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019
Trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trước câu hỏi của báo chí về tranh cãi xung quanh câu chuyện tự chủ đại học của trường ĐH Tôn Đức Thắng gây xôn xao dư luận, PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, vấn đề của trường Đại học Tôn Đức Thắng không hẳn liên quan đến vấn đề tự chủ học thuật mà liên quan đến vấn đề tài chính, vấn đề xây dựng thương hiệu của nhà trường. "Tự chủ đại học vướng các vấn đề khác, chứ không vướng ở vấn đề tự chủ học thuật" – ông nêu quan điểm.
Cũng theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, vấn đề mua bán bài nghiên cứu khoa học diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Hiện cũng chưa có quy định giảng viên không được làm gì, mà hầu hết các trường có quy định là giảng viên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Theo ông, mỗi trường sẽ có một quy định riêng là giảng viên được làm những gì. Vấn đề giảng viên đại học có thể không ghi tên trường đại học dưới bài báo đăng tải quốc tế hiện cũng chưa có quy định cụ thể, phụ thuộc vào sự trung thực của giảng viên cũng như tình cảm với cơ sở GDĐH của giảng viên đó.
Dựa trên những câu chuyện cụ thể đó, các ý kiến đều cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện tự chủ đại học hiệu quả, dần dần có một mô hình tự chủ đại học chung, nhiều ưu điểm nhất, phù hợp với cả hệ thống giáo dục, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn