Bà Trần Thị Gái (66 tuổi, ở Hậu Giang) phẫu thuật cắt tử cung được hơn 14 năm thì bị sa vùng sinh dục. Ban đầu, khối sa này chỉ nhẹ nhưng bà không đi điều trị nên tình trạng ngày càng nặng hơn. Khoảng hai năm nay, khối sa ngày càng tăng làm bà thấy khó khăn trong sinh hoạt, lao động hằng ngày.
Một lần, bà Gái được một người quen mách cách xông hơi nhiều lần cho khối sa rút lên. Nghe người quen nói, cách trị bệnh này được nhiều người chia sẻ trên mạng và đã thành công, bà làm theo. Lúc đó, bà mặc nhiên nghĩ rằng, bệnh “khó nói” của mình sẽ khỏi nếu kiên trì xông hơi điều trị.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bà Trần Thị Gái. Ảnh: BVCC.
Một lần, bà Gái đang xông hơi thì tai nạn xảy ra, hơi nóng của nồi xông làm bỏng khối sa. Các vùng bỏng dần lan ra nhiều rồi bị lở loét gây đau đớn, khó chịu, nên bà phải đến khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ khám. Tại đây, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán, bà bị sa bàng quang độ IV, sa mỏm cắt âm đạo, loét khối sa do xông thuốc kèm bệnh đái tháo đường type 2 và phải phẫu thuật cắt bỏ khối sa sinh dục cũng như các vết da lở loét do xông hơi.
Sa sinh dục (sa các cơ quan vùng chậu) là một bệnh lành tính thường gặp ở phụ nữ mãn kinh, mang thai, sinh con nhiều lần, từng phẫu thuật vùng chậu, mắc chứng táo bón mạn tính và có bệnh lý về hô hấp... Bệnh không chỉ khiến người mắc phải chịu tổn thương về sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý.
Theo BS.CKII Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Cần Thơ, sa sinh dục là căn bệnh “khó nói”, nhiều phụ nữ mắc bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti nên thường tự điều trị theo truyền miệng hoặc đọc thông tin trên mạng nên bệnh không bớt, còn dần nặng hơn. Thời gian qua, ngoài bà Gái, hàng tuần bác sĩ Lộc và các đồng nghiệp còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến điều trị sa sinh dục. Hầu hết người bệnh đến bệnh viện thường trễ, bị khối sa tạng chậu lâu ngày gây tiểu khó, bí tiểu, bị sỏi bàng quang, hai thận ứ nước nặng dẫn đến suy thận, phải điều trị trong thời gian dài.
Bà Trần Thị Gái khi đã điều trị thành công căn bệnh sa sinh dục. Ảnh: BSCC.
Theo Ths.BS Võ Minh Hương, Bệnh viện Từ Dũ, cơ quan vùng chậu của phụ nữ bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Bình thường, các cơ quan này được nâng đỡ bởi nhóm cơ sàn chậu để không bị đẩy xuống. Sa sinh dục xảy ra khi sự nâng đỡ này kém đi, dẫn đến các cơ quan vùng chậu bị sa xuống dưới. Tình trạng này gây ra các triệu chứng về đau (khó chịu) vùng chậu, rối loạn tiêu tiểu, rối loạn chức năng tình dục, thẩm mỹ cũng như làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Theo thống kê của Hội Sàn chậu học TP HCM, bệnh lý sa tạng chậu ảnh hưởng đến 40% đến đời sống của phụ nữ. Cụ thể, có gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng. Đặc biệt, rất nhiều chị em bị bệnh này thường cảm thấy mặc cảm, ngại gần chồng vì giao hợp bị đau, có cảm giác bị cản trở, âm đạo rộng ra.
Bác sĩ Hương cho rằng, nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do mang thai, thói quen xấu, suy yếu sức cơ theo tuổi... Yếu tố nguy cơ chính của bệnh lý này là mang thai và sinh nở. Bên cạnh đó, khi người phụ nữ càng lớn tuổi hoặc mãn kinh, chức năng cơ sàn chậu càng yếu đi dẫn đến các cơ quan vùng chậu dễ bị sa hơn. Tần suất cao nhất của sa sinh dục gặp ở độ tuổi 70-79. Tuy nhiên hiện nay, xu hướng bệnh nhân bị bệnh ngày càng trẻ do các ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống ít vận động cũng như tình trạng thừa cân béo phì ở người trẻ.
Triệu chứng của sa sinh dục thường diễn tiến từ từ và nặng dần theo thời gian. Sa sinh dục được chia thành nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng (độ 0 đến độ IV).
Ban đầu, khi chức năng sàn chậu bị rối loạn mức độ nhẹ, hầu hết phụ nữ không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Phần lớn trong số họ không biết mình bị sa sinh dục cho đến khi bác sĩ phát hiện thông qua khám phụ khoa định kỳ hoặc khám vì nguyên nhân khác.
Sa sinh dục là căn bệnh "khó nói" khiến nhiều chị em bị bệnh thường mặc cảm, ngại gần chồng. (Ảnh minh họa)
Khi sa sinh dục diễn tiến nặng hơn, người bệnh có thể cảm thấy các triệu chứng như:
Cảm giác căng hoặc nặng vùng chậu, đôi khi đau lưng hoặc đau bụng dưới.
Thấy tử cung hoặc các thành âm đạo sa ra ngoài.
Són tiểu (tiểu không kiểm soát), tiểu không hết.
Táo bón, khó đi tiêu.
Suy giảm chức năng tình dục.
Để giảm nguy cơ sa sinh dục, theo bác sĩ Hương, các chị em cần tập luyện cơ sàn chậu nhằm tăng cường sức mạnh của nhóm cơ này, làm chậm quá trình sa hoặc giảm độ nặng của các triệu chứng gây ra do rối loạn chức năng sàn chậu. Cách tập luyện như sau:
Co thắt các cơ mà bạn dùng để ngăn dòng nước tiểu. Sự co thắt này sẽ kéo âm đạo và trực tràng lên trên và hướng ra sau.
Co cơ giữ trong 3 giây sau đó thư giãn 3 giây.
Thực hiện 10 co thắt mỗi lần và lặp lại 3 lần mỗi ngày.
Sau mỗi tuần tập luyện, bạn tăng thời gian co cơ giữ lên 1 giây cho đến khi đạt được sự co cơ liên tục 10 giây.
Đảm bảo rằng bạn không co cơ bụng, đùi hoặc cơ mông và không nín thở trong lúc co cơ.
Hãy duy trì nhịp thở ổn định trong quá trình tập.
Ngoài ra, chúng ta cần rèn lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý. Theo bác sĩ Hương, thói quen này rất có lợi với bệnh nhân sa tạng chậu. "Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện nhu động ruột. Bạn cũng nên tránh sử dụng rượu bia và các thức uống chứa chất kích thích. Việc luyện tập bàng quang bằng cách lên kế hoạch đi tiểu vào các thời gian định trước cũng có ích với những phụ nữ có triệu chứng tiểu không kiểm soát. Với phụ nữ thừa cân hoặc béo phì thì nên giảm cân để cải thiện các vấn đề sức khỏe cũng như các triệu chứng của sa tạng chậu", bác sĩ Hương chia sẻ.
Bác sĩ Hương khuyến cáo, các chị em không may mắc bệnh cần đi khám, điều trị ở các cơ sở y tế uy tín, không nên tự ý điều trị theo kinh nghiệm, tránh trường hợp đáng tiếc dẫn đến biến chứng gây nguy hại đến sức khỏe.
* Tên người bệnh đã thay đổi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn