Từ chuyện 2 em bé 'biến đổi gene' ra đời: Đừng biến con người thành vật thí nghiệm

09:29 | 29/11/2018;
Ngay khi vừa được công bố, thông tin TS Hạ Kiến Khuê, ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở Thâm Quyến (Trung Quốc), tạo ra 2 em bé biến đổi gene đã làm rúng động khoa học thế giới. Nhiều nhà khoa học lập tức lên tiếng phản đối.

Cặp song sinh Lu Lu và Na Na được TS Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) tạo ra bằng cách biến đổi gene, theo lý giải của ông nhằm giúp các bé có thể tăng khả năng miễn dịch với HIV. Ông Hạ Kiến Khuê cũng cho biết lý do thực hiện công trình khoa học này là vì cha của 2 em nhiễm HIV.

Tuy nhiên, lý do của ông không thuyết phục, bởi với sự tiến bộ của khoa học hiện nay, bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiệm HIV từ cha sang con.

Ngay lập tức, một làn sóng bất bình, phản đối, thậm chí lên án phẫn nộ đã nổ ra trên khắp thế giới. Chính trường đại học nơi ông Hạ Kiến Khuê làm việc cũng đã lên tiếng khẳng định đó là một thí nghiệm do cá nhân ông này thực hiện một cách bí mật, không liên quan đến ngôi trường này.

Bản thân ông Khuê cũng đã bị nhà chức trách điều tra.

ha_kien_khue_2_1.jpg
Ông Hạ Kiến Khuê bị cáo buộc gian lận khi xin phê duyệt tiến hành thí nghiệm. Ảnh: AP

Trong khoa học, việc thí nghiệm trên thực tế là vô cùng quan trọng bởi giữa lý thuyết, sự suy đoán và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định. Sự thực nghiệm cũng giúp các nhà khoa học tìm ra những phát minh mới, những bước tiến mới quan trọng phục vụ cuộc sống con người.

Tuy nhiên, việc thí nghiệm trên chính cơ thể người sống luôn là một vấn đề nan giải. Hầu hết việc thí nghiệm này chỉ diễn ra khi nó hội đủ các yếu tố: sự tự nguyện thực sự từ những tình nguyện viên, đồng thời họ được cung cấp đầy đủ những hiểu biết về thí nghiệm cũng như những tác hại có thể có của nó. Bên cạnh đó, thí nghiệm ấy phải được pháp luật cho phép. Ngoài ra, thực tế cho thấy những tình nguyện viên, hầu hết là những người mắc một căn bệnh và họ tình nguyện để những thí nghiệm ấy được thực hiện trên chính cơ thể mình nhằm tìm ra những phương pháp điều trị mới.

Trong những năm qua, ngành di truyền học đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, từ sau sự kiện các nhà khoa học nhân bản vô tính chú cừu Dolly, dường như môn khoa học này dừng lại ở đó, chưa có thêm một bước tiến mà lẽ ra nó phải có: thực hiện đối với con người.

kh.jpg
Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê trong một cuộc phỏng vấn tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến, Trung Quốc.

Tất nhiên, nhân loại cùng hiểu rằng đó vấn đề của đạo đức, cao hơn nữa là nhân tính. Không ai có thể bào chữa, giải thích nếu một bản sao được tạo ra, là một con người ngay từ đầu đã khác biệt với đồng loại, và không ai có thể thay thế con người đó chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong cuộc sống của họ.

Lằn ranh đỏ đã được vạch ra và các nền khoa học của các quốc gia bất chấp những khác biệt về thể chế chính trị, tôn giáo, đều hiểu rằng họ phải tôn trọng nó.

Nhưng lần này, có lẽ nhà khoa học Hạ Kiến Khuê đã làm một việc cấm kị.

Không ai có quyền biến con người trở thành phương tiện cho những nhu cầu, mục đích ở ngoài họ.

Chủ nghĩa Phát xít sau khi thất bại, bị xét xử và sẽ còn bị nhân loại mãi mãi lên án về những tội ác khi cưỡng bức, sử dụng con người cho những thí nghiệm khoa học.   

Trở lại với thí nghiệm của ông Khuê, 2 em bé cũng được hiểu đã bị cưỡng bức tham gia vào thí nghiệm này, bởi các em không thể và không có cơ hội để biểu lộ ý kiến của mình.

Khoa học đến thời điểm này cũng khẳng định chưa thể nhận thức hết được những hậu quả xảy ra với những con người là thí nghiệm của việc thực hiện biến đổi gene.

Thí nghiệm, dù được chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng phải đối mặt với những thất bại, những tai biến. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thất bại đó khi nó xảy ra với con người - những em bé đã bị "cưỡng bức" tham gia thí nghiệm?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn