Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 2.800 nạn nhân và 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài

23:33 | 21/11/2019;
Từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 1.200 vụ, với 1.600 đối tượng, lừa bán 2.800 nạn nhân, trên 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài. Số nạn nhân bị lừa bán theo hình thức di cư hợp pháp chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu bị lừa bán thông qua di cư trái phép ra nước ngoài.
Ngày 21/11, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về nhân quyền Chính phủ tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11/2019. Tại hội nghị, ông Đinh Văn Trình - Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự , Bộ Công an đã chia sẻ những thông tin với tội phạm đưa lậu người ra nước ngoài.
 
Ông Đinh Văn Trình - Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự , Bộ Công an chia sẻ thông tin về nạn mua bán người

  

13.500 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài mỗi năm
 
Theo báo cáo của cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (LHQ), trên thế giới có khoảng 244 triệu người di cư và vẫn tiếp tục tăng lên do ảnh hưởng của khủng bố, xung đột, bạo lực… Nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân của khoảng 510 đường dây mua bán người trên thế giới (152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán). Tổ chức Y tế thế giới công bố mỗi năm có khoảng gần 10 nghìn ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. Riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư trái phép, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ USD/năm.
 
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài và khoảng 6 triệu người Việt nhập cảnh về nước theo đường chính thức. Nếu tính cả số người xuất nhập cảnh không chính thức qua biên giới đường bộ (di cư trái phép), hàng năm, số lượt người Việt Nam xuất cảnh hoặc nhập cảnh đều khoảng 9 triệu người (10% tổng dân số cả nước), trong đó, đáng chú ý nổi lên tình hình người Việt Nam di cư ra nước ngoài có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người.
 
 
Đừng nhẹ dạ cả tin

  

Từ đầu năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 1.200 vụ, với 1.600 đối tượng, lừa bán 2.800 nạn nhân, trên 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%. Số nạn nhân bị lừa bán theo hình thức di cư hợp pháp chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu bị lừa bán thông qua di cư trái phép ra nước ngoài.
 
Về vấn đề di cư với mục đích kết hôn có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước có khoảng 100 nghìn người Việt Nam (nữ chiếm 92%) kết hôn với công dân của 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình mỗi năm có khoảng 13.500 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài… do sự mất cân bằng về giới, nhất là các vùng nông thôn do khó khăn về kinh tế và chi phí rất tốn kém nên khó có khả năng kết hôn ở trong nước buộc họ phải tìm vợ ở nước ngoài. Đã phát hiện nhiều đường dây có sự cấu kết, phân công chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... với các đối tượng người Việt Nam lừa phụ nữ ra nước ngoài dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép.  Để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng không tổ chức đưa đàn ông nước ngoài về Việt Nam mà thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat... để xem mặt chọn vợ. Sau khi chọn được vợ thì làm thủ tục đưa phụ nữ Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài để bán (dưới hình thức du lịch). Sau đó, chúng tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn ở nước ngoài rồi mới quay về Việt Nam nộp hồ sơ xin ghi chú kết hôn.
 
 
Các trang mạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp

  

Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng sơ hở về cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, sử dụng môi giới đến các vùng nông thôn móc nối chuyển trẻ em ra nước ngoài, thực chất là bán. Các đối tượng cũng lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, tổ chức đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
 
Các giải pháp hiệu quả phòng, chống mua bán người
 
Lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá hơn 800 vụ, bắt 1.100 đối tượng phạm tội mua bán người thông qua di cư ra nước ngoài và hàng trăm vụ đưa người di cư trái phép ra nước ngoài. Nhiều địa phương đưa ra xét xử công khai, lưu động các vụ mua bán người nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của người dân và răn đe tội phạm với các bản án nghiêm khắc trừng trị kẻ phạm tội.
 
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an ký bản cam kết phòng, chống nạn mua bán người

  

Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”, trọng tâm là phối hợp Bộ Công an, UBND tỉnh Lào Cai, Đồng Tháp, Sơn La và Lạng Sơn tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Ngoài ra, Hội còn biên tập tài liệu, tổ chức truyền thông cộng đồng; tổ chức đối thoại chính sách về phòng, chống mua bán người, di cư lao động an toàn tại các tỉnh trọng điểm. Hỗi cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông với chủ đề “Chuyến xe hữu nghị” nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa Hội phụ nữ 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017; ký kết Thỏa thuận giai đoạn 2017-2020, trong đó có nội dung phòng, chống mua bán người và di cư an toàn. TW Hội chỉ đạo Hội phụ nữ địa phương phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ Hội nhằm nâng cao năng lực, phản biện xã hội về bình đẳng giới, di cư an toàn và phòng, chống mua bán người...
 
Để có giải pháp hiệu quả, cần liên kết, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp tổ chức cho chị em tham gia sàn giao dịch, giới thiệu việc làm. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiệu cho vay vốn với lãi suất thấp, hướng nghiệp, đào tạo nghề, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.
 
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam; Bộ công an; các Bộ, ban, ngành; các tổ chức quốc tế tham gia tuần hành trên đường phố hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2019

  

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại nắm tình hình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp công dân Việt Nam ở nước ngoài; kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân và hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân cưỡng bức lao động hoặc bị mua bán trở về nước, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, đầu mối hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống mua bán người.
 
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có lien quan đến hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người di cư, lao động. Bộ cần tham mưu cho chính phủ có cơ chế giải quyết theo phương thức xuất khẩu lao động ngắn hạn để quản lý, bảo vệ lợi ích chính đáng cho công dân sang các nước có chung đường biên giới; chỉ đạo tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn