Từ đầu năm 2018 đến nay, phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ việc về hàng giả, hàng nhái

18:35 | 29/11/2018;
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ đầu năm 2018 đến nay, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát hiện, xử lý 3.007 vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm "Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái" diễn ra sáng 29/11 tại Hà Nội, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap), bày tỏ lo ngại khi ngành kinh doanh hàng giả đang bùng nổ trên toàn cầu.

Theo ông Bảo, hàng giả đang dịch chuyển từ những sản phẩm vô hại như giày hay túi xách sang các mặt hàng dược phẩm, thuốc trừ sâu... de dọa đến sức khỏe người tiêu dùng.

le-the-bao-c8716.jpg
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam

 

Hàng giả xuất hiện mọi nơi

Đưa ra con số thống kê của Phòng thương mại Quốc tế ICC, Chủ tịch Vatap cho hay, ước tính giá trị hàng giả trên toàn thế giới năm 2015 đã vượt 1.700 tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu.

Gần đây, năm 2017 theo đánh giá của Văn phòng tình báo về hàng giả của Phòng thương mại Quốc tế ICC, hàng giả, hàng nhái chiếm 5-7% tổng doanh số kinh doanh thế giới.

"Mức tăng trưởng của hàng giả thậm chí còn bắt nhịp với kinh tế toàn cầu", ông Lê Thế Bảo dẫn chứng thêm.

Trong khi đó, ở Việt Nam, thực trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng được chuyên gia này lo ngại khi xuất hiện ở mọi nơi, từ những mặt hàng thông thường đến những mặt hàng cao cấp, thậm chí từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất...

"Có mặt hàng nào không bị làm giả? Từ bia, rượu đến mỹ phẩm hay quần áo cũng rất nhiều chưa kể đến thực phẩm kém chất lượng tràn lan", lãnh đạo Vatap đặt câu hỏi.

Về phía doanh nghiệp, bà Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Công ty cổ phần Traphaco, cũng chia sẻ nhiều lo ngại về vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Với hàng chục năm kinh doanh trên thương trường, doanh nghiệp của bà Thuận đã phải xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Để tự bảo vệ mình, doanh nghiệp đã xây dựng một bộ phận chuyên theo dõi cạnh tranh trên thị trường nhằm phát hiện ra các nhãn hàng và doanh nghiệp làm giả, điều này được cho là tự bảo vệ mình trước vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.

"Phòng chống hàng giả hàng nhái không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động vào cuộc để tự bảo vệ mình cũng như người tiêu dùng, qua đó khẳng định chỗ đứng trên thị trường, việc này cần làm ngay từ khi có ý tưởng chứ không phải khi có tiền mới làm", bà Vũ Thị Thuận nói.

vnp_lau.JPG
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại các kho, bãi, bến xe. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )

 

Đấu tranh "không có vùng cấm"

Có thể thấy, để đấu tranh hiệu quả với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì điều đầu tiên đối với doanh nghiệp chính là công tác bảo vệ thương hiệu.

Ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, doanh nghiệp cần phải bảo vệ tài sản tri thức của mình điều này đặc biệt quan trọng trước cuộc cách mạng 4.0, khi mà vấn đề sở hữu trí tuệ rất được coi trọng.

Theo đó, việc đăng ký sở hữu trí tuệ được coi là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ cũng như khẳng định uy tín của mình trên thương trường.

"Doanh nghiệp lưu ý 3 quyền, đó là quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền ngăn cấm nếu bị xâm phạm thì doanh nghiệp cần yêu cầu các cơ quan nhà nước vào cuộc xử lý", đại diện Cục Sở hữu trí tuệ nói.

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cũng nêu rõ, công tác đấu tranh với vấn nạn này phải tiến hành thường xuyên, liên tục, trong đó các lực lượng chức năng như: Hải quan, công an, Quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành là nòng cốt.

vnp_the.JPG
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )

 

Lãnh đạo Văn phòng 389 quốc gia khẳng định thêm: "Tuyệt đối không có vùng cấm trong công tác này" đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thực người dân và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay, mua bán, sử dụng hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, ông Thế cũng lưu ý Ban chỉ đạo 389 các địa phương phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng quản lý tại địa bàn và lĩnh vực cụ thể, tránh tình trạng bỏ trống địa bàn, đùn đẩy trách nhiệm.

"Các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng những giải pháp chống hàng giả, bảo vệ sản phẩm của mình mình, khi phát hiện sảm phậm bị xâm hại phải chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, ngăn chặn", Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia nói.

Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ đầu năm 2018 đến nay, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát hiện, xử lý 3.007 vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Số vụ việc đang giảm dần nhưng những kết quả này chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô, tính chất và địa bàn cũng như các mặt hàng hết sức đa dạng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn