"Tủ gạo an sinh" là một chiếc tủ nhỏ gọn, bên trong chứa những túi gạo loại 5kg được sắp xếp ngay ngắn. Phía ngoài tủ có một tấm bảng ghi nội dung: "Bệnh nhân đi khám bệnh tại bệnh viện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ gạo xin mời liên hệ phòng 45".
Thực tế, không chờ người bệnh liên hệ, thông qua công việc hằng ngày, các nhân viên phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Lê Văn Thịnh) đều chủ động nắm bắt hoàn cảnh của người bệnh để có sự hỗ trợ kịp thời. "Biết gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn nên các nhân viên của bệnh viện đã chủ động liên hệ rồi tặng tôi 1 túi gạo an sinh", bà Nguyễn Thúy Lan (62 tuổi) chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Cường, Phó trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Lê Văn Thịnh), cho biết, "Tủ gạo an sinh" tại bệnh viện ra đời vào Tết Nguyên đán năm 2023. Nguồn gạo dành cho chương trình được vận động từ các nhà hảo tâm, đặc biệt là các nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Không có tiêu chuẩn nào khi xét duyệt tặng gạo, chỉ cần bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tìm đến hoặc bác sĩ và nhân viên y tế đề xuất tặng gạo cho hoàn cảnh đó thì phòng Công tác xã hội đều sẵn sàng hỗ trợ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (Quận 1, TPHCM) cũng có một "Tủ gạo an sinh", bên trong đựng nhiều loại thực phẩm thiết yếu, gồm: gạo, nước tương, nước mắm, bột ngọt… để chia sẻ với người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khám, điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Lê Công Thành (khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), người sáng lập "Tủ gạo an sinh", chia sẻ, khi vào bệnh viện làm việc, nhận thấy có nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn nên anh rất thương cảm.
Vào tháng 9/2023, bác sĩ Thành triển khai "Tủ gạo an sinh" ngay tại bệnh viện và được sự chung tay của nhiều người. Ban đầu, tủ có khá ít thực phẩm nhưng càng về sau, thực phẩm càng nhiều hơn. Với những bệnh nhân lớn tuổi, "Tủ gạo an sinh" còn có sữa, giúp tăng cường sức khỏe.
"Mỗi tháng, có người cho vào tủ cả trăm ký gạo, hoặc có người cho chục chai nước tương, nước mắm. Bình quân mỗi tháng có 20 - 30 bệnh nhân nhận hỗ trợ từ tủ gạo này. 80% người nhận là bệnh nhân cao tuổi, neo đơn, mang bệnh hiểm nghèo", bác sĩ Thành cho hay.
Tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TPHCM), thời gian qua, "Phiên chợ 0 đồng" được tổ chức định kỳ, trở thành "cầu nối" yêu thương, chia sẻ với những bệnh nhân nghèo đang phải chống chội với bệnh tật.
Lần đầu tiên đến với phiên chợ đặc biệt này, bà Nguyễn Thúy Minh (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) cho biết: "Không chỉ bản thân tôi mà nhiều người tham gia phiên chợ đặc biệt này đều rất vui. Những món quà nhận được từ phiên chợ vừa động viên tinh thần vừa giúp chúng tôi bồi bổ sức khỏe".
Theo đại diện của Bệnh viện thành phố Thủ Đức, "Phiên chợ 0 đồng" diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua là lần thứ 11 phiên chợ được tổ chức, thu hút hơn 500 người tham gia. Trong đó, có 335 người bệnh, 100 nhà hảo tâm, 100 tình nguyện viên cùng thân nhân người bệnh và nhân viên y tế.
Phiên chợ có 30 gian hàng, bày bán những mặt hàng thiết yếu với giá 0 đồng, gồm: gạo, gia vị, bánh kẹo, mì tôm, sữa, kem đánh răng, quần áo, ngũ cốc… cùng 5.000 phần quà sẵn sàng trao đến tay bệnh nhân.
Tại phiên chợ, mỗi bệnh nhân được cung cấp 15 phiếu mua hàng/nhận quà, được tự do tham quan phiên chợ, ghé các gian hàng và chọn các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, khi tham dự phiên chợ, người bệnh còn được phục vụ nước uống, các món ăn nhẹ và cắt tóc, gội đầu hoàn toàn miễn phí. "Tại bệnh viện, chương trình "Phiên chợ 0 đồng" được tổ chức định kỳ với mong muốn góp phần làm vơi đi nỗi đau bệnh tật và gánh nặng tài chính, nâng đỡ tinh thần cho người bệnh trong thời gian phải nhập viện điều trị", TS.BS Vũ Trí Thanh, Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn