Hiện nay, số ca mắc cúm A được ghi nhận tại các cơ sở y tế tăng cao. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp nặng mới nằm viện, còn hầu hết là điều trị ngoại trú. Ngoài ra, nhiều người thấy cơ thể có triệu chứng giống cúm A đã tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân không nên tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà. Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm. Bởi lẽ, thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng. "Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết", bác sĩ Đạt nói.
Cũng theo bác sĩ Đạt, nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng.
Còn theo PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.
Theo ông Phu, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
Ngoài tiêm vaccine, người dân cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi…
Tăng cường thực phẩm giàu đạm để bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi. Nguồn thực phẩm giàu đạm tốt là: thịt, cá, trứng, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo; thực hiện giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh.
Thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày; Tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn