Từ nay đến 31/12, tất cả các bệnh viện đa khoa tỉnh phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19

09:54 | 25/11/2020;
Thông tin này được ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới” với sự tham gia của đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra sáng qua (24/11).

Không được bỏ lơi việc phòng chống dịch bệnh COVID-19

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn một ca mắc/một triệu dân. Nếu chúng ta gặp phải tình huống như Nga, Mỹ, Pháp có 30.000 ca mắc trên một triệu dân thì sẽ vô cùng khó khăn và không có khả năng điều trị. Do vậy, trong giai đoạn này dù không có ca bệnh trong cộng đồng chúng ta cũng không được bỏ lơi việc phòng chống dịch.

Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, hiện nay có 61,5% ca không có biểu hiện lâm sàng, 21,2% ca có biểu hiện nhẹ; Số bệnh nhân nặng 156 ca chiếm tỷ lệ 14,2%. 

“Nếu Việt Nam chỉ cần có ba nghìn ca mắc/một triệu dân, chúng ta đã không có cơ sở y tế nào điều trị nổi. Hiện nay, các đơn vị phải chuẩn bị hồi sức cấp cứu, nâng cap việc xử lý, ứng phó khi có ca bệnh mắc COVID-19. Để đào tạo một bác sĩ cấp cứu có khả năng điều trị COVID-19, sử dụng ECMO một cách thành thạo phải mất 2-3 năm, nhưng các bệnh viện vẫn phải chuẩn vị cho việc này. Đồng thời phải lên kế hoạch để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”, ông Khoa nhấn mạnh.

Từ nay đến 31/12 tất cả các bệnh viện đa khoa tỉnh phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh việc đề xuất phương án, lên kế hoạch cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra do nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nước ngoài vẫn còn rất lớn.

Về khả năng điều trị, Việt Nam hiện có hơn 1300 ca mắc COVID-19, số đang điều trị là 127 ca và tử vong là 35 ca (ngoài ra có 4 ca dù đã khỏi COVID-19 nhưng cũng tử vong). Thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân mắc COVID-19 khoảng 2-4 tuần. Vì vậy trong quá trình lập kế hoạch cần có phương án cụ thể.

Yêu cầu các bệnh viện đa khoa của tỉnh từ nay đến hết 31/12/2020 thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19

Về kế hoạch thu dung, trong Quyết định số 327 tháng 11/2020, chúng ta đã có chỉ đạo cụ thể về phương án. Tuy nhiên nếu dịch lan rộng cần hết sức lưu ý. Theo ông Khoa, năng lực hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng chủ yếu tập trung ở các bệnh viện đa khoa tỉnh. Hầu hết các tỉnh đã trang bị được máy thở, nhưng năng lực điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng còn hạn chế.

Các địa phương hiện có trang bị hầu hết các máy thở chức năng cao, nhưng  năng lực điều trị hiện nay còn hạn chế. Chỉ có một số bệnh viện làm được kỹ thuật này, còn hầu hết huy động từ bệnh viện tuyến trên. Chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn lực lượng cán bộ y tế nội khoa để không bỡ ngỡ khi tham gia với các cơ sở điều trị khi thiết lập bệnh viện dã chiến. 

Ông Khoa đề nghị các địa phương cần phải có phương án chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19. Những bệnh viện này sẽ có hệ thống ô-xy hồi sức cấp cứu, hỗ trợ kiểm soát nhiễm khuẩn, tạo thông khí, dinh dưỡng cho người bệnh, xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, cấy nấm. Các địa phương phải tự mình lo cho chính mình, phục vụ bệnh nhân chính địa phương mình. Vụ dịch vừa qua tại Đà Nẵng chỉ có 1-2 địa điểm dịch nên cả nước dồn lực tập trung hỗ trợ. Nhưng với tình huống xấu có 10 địa phương như thế thì chúng ta không có khả năng hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương khác.

Về xét nghiệm, ông Khoa cho biết, thời gian qua đã có hơn 40 bệnh viện thực hiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định COVID-19. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các bệnh viện đa khoa tỉnh phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện đa khoa của tỉnh từ nay đến hết 31/12/2020 phấn đấu triển khai xét nghiệm COVID-19, ít nhất là xét nghiệm sàng lọc để chủ động, phát hiện sớm ca bệnh, hỗ trợ thêm các bệnh viện khác. 

Với thực trạng hiện nay, chúng ta vẫn cần duy trì, rà soát tiêu chí an toàn bệnh viện trong bối cảnh dịch Covid-19 và cập nhật lên phần mềm để theo dõi.

“Tôi đề nghị các địa phương ít nhất có 1-2 bệnh viện có phương án chuyển đổi thành bệnh viện điều trị Covid-19. Phải có phương án thiết lập một đơn vị dã chiến được xây dựng từ một cơ sở dân sự. Thí dụ, với 60% ca mắc không có triệu chứng chỉ cần cách ly điều trị tại ký túc xá hoặc cơ sở dân sự khác, có tổ y tế theo dõi”, ông Khoa nói. 

Để bảo vệ nhân viên y tế, ông Khoa cho rằng các phương tiện phòng hộ cá nhân phải đảm bảo an toàn trong quá trình bác sĩ, nhân viên y tế điều trị, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Không chỉ vậy, việc chuẩn bị cơ sở lọc máu cần đặc biệt quan tâm để chủ động chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng.

“Chúng có thể vào kinh nghiệm từ các bệnh viện tại Đà Nẵng để lên phương án cho bệnh viện của mình.”, ông Khoa nói.

Về hỗ trợ chuyên môn, với trung tâm hỗ trợ trực tuyến về COVID-19 trong tình huống dịch trong cộng đồng lây lan thì hỗ trợ từ xa rất có giá trị. Những đội cơ động để hỗ trợ trong chống dịch cũng cần có phương án để điều động hợp lý.

“Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng khi dịch ở mức độ vừa phải, khu trú ở một vài địa phương. Còn nếu như dịch lan rộng ở nhiều địa phương thì đây là vấn đề hết sức khó khăn và chúng ta phải chấp nhận phương án 4 tại chỗ, các đơn vị phải tự chủ động.”, ông Khoa nhấn mạnh./.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn