Từ ngôi mộ quân nhân Đặng Thị Thắng ở Thanh Hóa: Bi kịch câu chuyện tình thời chiến
13:15 | 12/11/2018;
65 năm trôi qua, ngôi mộ gắn liền với câu chuyện về cuộc đời người nữ quân y chết trong kháng chiến chống Pháp tưởng chừng chìm vào quên lãng. Nhưng rồi một ngày, câu chuyện đó được gợi lại, trở thành chủ đề của dân làng từ giấc mơ kì lạ của một cựu thiếu tá Quân đội Nhân dân...
Từ giấc mơ kì lạ của người cựu chiến binh
“Tôi không phải là người duy tâm nên tôi cũng không tin vào các chuyện mê tín. Tôi đã đi bộ đội mấy chục năm, trải qua nhiều trận đánh, chứng kiến nhiều cái chết trên chiến trường của các đồng đội, có người do chính tay tôi chôn cất, nên đối với tôi, hình ảnh của họ tôi luôn nhớ mãi, song để nói rằng tôi tin có cõi âm này kia hay không thì quả thực là trước nay tôi chưa từng. Nhưng cách đây hai tháng, một giấc mơ đã khiến cho tôi đến tận bây giờ vẫn không thể nào giải thích nổi...”, ông Lê Văn Sang, sinh năm 1943, nguyên thiếu tá Quân đội, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), bắt đầu câu chuyện về trường hợp tìm thấy ngôi mộ nữ quân y Đặng Thị Thắng bằng giấc mơ kì lạ của mình.
Ông Sang chính là người đã tìm ra ngôi mộ của nữ quân y Đặng Thị Thắng, báo cáo UBND xã và nhờ mọi người tìm kiếm thông tin thân nhân của người nữ quân y chết trong kháng chiến chống Pháp tại địa phương.
Theo ông Sang, người nữ quân y được khắc tên trong bia mộ không phải là người địa phương. “Bà Thắng là người vùng Nam Hà. Khi bà Thắng cùng cơ quan di dời về vùng tự do ở đây thì lúc đó tôi còn nhỏ lắm, chỉ khoảng 10 tuổi. Ký ức của tôi về bà không có gì, vả lại sau đó hòa bình lập lại, nhiều sự kiện ở địa phương dồn dập xảy ra, đến năm 1964 thì tôi đi bộ đội, nên nói thực tôi cũng không còn thông tin gì về bà. Nhưng sau này về quê, thỉnh thoảng đi qua khu nghĩa trang của làng, tôi cũng đôi lần thấy tấm bia đá của ngôi mộ, song lại quên ngay. Ấy vậy mà hơn hai tháng trước, không hiểu sao trong giấc mơ của mình, hình ảnh tấm bia mộ lại hiện lên rõ ràng đến thế. Lúc đó tôi nghe trong đầu mình như có tiếng người phụ nữ tha thiết nói rằng mong được tôi giúp để đưa trở về quê...”, ông Sang trầm ngâm kể lại.
Từ giấc mơ, ngay hôm sau, ông Sang đã ra nghĩa địa của làng (thôn Mậu, xã Tân Ninh) để kiểm tra và ông giật mình khi những chi tiết hiện về trong giấc mơ như vị trí ngôi mộ, hình dáng tấm bia đá, chữ viết trên bia,... hoàn toàn hiện hữu ngoài đời thật. Cũng ngay trưa hôm đó, ông đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương và đề nghị cơ quan chức năng tìm kiếm thông tin, đăng tải tìm kiếm để mong sớm tìm được thân nhân của người nữ quân y.
Từ thông tin ban đầu do ông Lê Văn Sang cung cấp, UBND xã Tân Ninh đã cử người đi xác minh để kiểm tra thông tin. Cùng với sự cung cấp thông tin từ những người dân trong thôn Mậu, mặc dù chỉ là những thông tin ít ỏi, song từ đó đã dần hé mở ra ít nhiều về cuộc đời của người nữ quân y đang nằm dưới ngôi mộ kia...
Nỗi buồn chiến tranh
Khi đến UBND xã Tân Ninh để tìm hiểu thông tin, một điều may mắn cho người viết là chính quyền địa phương cũng vừa có cuộc tập hợp tư liệu để viết và phát hành cuốn lịch sử Đảng bộ xã từ năm 1945 đến nay. Từ thông tin của ông Lê Văn Sơn, sinh năm 1964, cán bộ phụ trách văn hóa của UBND xã Tân Ninh, người được ví là “pho sử sống” của địa phương cung cấp, thân phận và cuộc đời của người nữ quân y bạc mệnh đã dần dần được hé lộ.
Video ông Lê Văn Sơn nói về việc xác minh thông tin ngôi mộ nữ quân y Đặng Thị Thắng:
Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chính Minh (22/12/1946), trong giai đoạn từ 1946 - 1954, nhân dân Liên khu 3 như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình,... đã tản cư vào Thanh Hóa. Nhân dân địa phương đã đón tiếp, thu xếp nơi ăn, chốn ở cho bà con tản cư. Ngoài nhân dân Liên khu 3 tản cư, sơ tán về Tân Ninh khi đó còn có một số cơ quan của Chính phủ kháng chiến như Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, Trường Y sĩ Việt Nam, Phân hiệu Trường Sỹ quan Trần Quốc Tuấn (tiền thân của Trường Học viện Sỹ quan Lục quân hiện nay), Trường Quân chính Liên khu 4, Xưởng Quân giới,...
Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với các xã trong huyện, Cổ Định (tên gọi của xã Tân Ninh khi đó) là một trong những căn cứ của cuộc kháng chiến, được ví như “Việt Bắc thứ hai” ở vùng tự do Liên khu 4, là nơi tập hợp nhiều tướng lĩnh cũng như giới văn nghệ sĩ phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn Điện Biên Phủ sau này.
Theo ông Sơn, bà Đặng Thị Thắng chính là người nữ quân y của Trường Y sĩ Việt Nam đã di tản và đóng tại xã Cổ Định khi đó. “Sau khi nghe anh Sang báo cáo, tôi là người đã đưa thông tin ghi trên tấm bia đá lên mạng xã hội để mong tìm kiếm được thông tin về thân nhân của bà Đặng Thị Thắng. Đến nay đã nhận được một số thông tin phản hồi lại, song vẫn chưa cụ thể. Nội dung trên tấm bia ghi: “Thương tiếc vợ hiền Đặng Thị Thắng; Sinh viên YKDH; Y sĩ quân y; Chết ngày 25/7/1953; Hoàng Đức Tốn”. Từ thông tin này, kết hợp với xác minh tại địa phương, tôi đi đến nhận định, bà Đặng Thị Thắng không phải là người ở địa phương, bà là quân y cũng đồng thời là sinh viên trường y sĩ, chuyên về dược. Còn về phần ông Hoàng Đức Tốn thì đây chính là tên người chồng”, ông Sơn nói.
Người quản trang của làng Mậu cho hay, cách đây khoảng 15 năm, từng có người ở tỉnh khác đến địa phương tìm kiếm ngôi mộ nhưng khi đó ngôi mộ lại đã di dời chỗ khác nên họ không tìm thấy.
Theo ông Sơn, sau khi thông tin được đăng tải, manh mối được tìm ra từ chính người hàng xóm nhà mình. Cụ thể, ông Lê Bật Cầu, sinh năm 1954, nguyên giảng viên Khoa Vật lý chất rắn của trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), hiện trú tại thôn Mậu (xã Tân Ninh), cho biết, bà Đặng Thị Thắng chính là vợ của ông Hoàng Đức Tốn, và 2 người là con nuôi của ông nội ông Cầu.
Trò chuyện với PV Báo PNVN, ông Lê Bật Cầu khẳng định, ông Hoàng Đức Tốn (tên người chồng ghi trên bia mộ) chính là con nuôi của ông nội ông Cầu. “Ông nội tôi tên là Lê Bật Hạp, sinh năm 1905, ông mất năm 1982. Ông nội tôi khi đó làm nghề bốc thuốc nam, là nghề gia truyền của gia đình. Ông Hoàng Đức Tốn là người miền Nam tập kết ra Bắc. Cả bà Thắng và ông Tốn đều là sinh viên trường Y sĩ Việt Nam. Khi đó vì nhà ông tôi làm nghề thuốc Nam nên ông Tốn được cử ở nhà tôi và ông nội tôi đã nhận làm con nuôi...”, ông Cầu nhớ lại.
Ông Lê Bật Cầu
Tuy nhiên, theo ông Cầu, sau khi hòa bình lập lại (1954), ông Tốn đã trở về đơn vị và từ đó không trở lại xã Cổ Định lần nào nữa. “Miền Bắc giải phóng thì các đơn vị quân đội và các cơ quan Chính phủ đóng tại xã Cổ Định cũng rút đi. Rồi chiến tranh nối tiếp chiến tranh, kháng chiến chống Mỹ kéo dài hơn 20 năm sau đó, biết bao biến động. Tôi cho rằng ông Tốn có thể ngay sau giải phóng cũng lên đường vào Nam kháng chiến chống Mỹ, không rõ còn sống hay đã hi sinh. Nếu còn thì năm nay cũng phải hơn 90 tuổi rồi...”, ông Cầu chia sẻ.
Video ông Lê Bật Cầu nói về ông Hoàng Đức Tốn (chồng nữ quân y Đặng Thị Thắng):
Người quản trang của làng Mậu cho hay, cách đây khoảng 15 năm, từng có người ở tỉnh khác đến địa phương tìm kiếm ngôi mộ, nhưng khi đó ngôi mộ lại đã di dời chỗ khác nên họ không tìm thấy. “Ngôi mộ của bà Thắng đã di dời 2 - 3 lần vì các lý do khác nhau. Tôi chính là người đã di dời ngôi mộ lần cuối cùng về đây. Khi bố tôi còn sống, có lần ông kể với tôi rằng, bà Thắng mất lúc đang mang thai. Người vợ trẻ mất, người chồng thì lại vội vã vào Nam đi chiến đấu, giờ không biết còn sống hay đã hi sinh, nên cũng vì thế mà ngôi mộ bị lãng quên dần...”, người quản trang cho biết.
Chiều cuối thu se lạnh. Ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng cỏ dại. Khói hương váng vất, những ai có mặt ở đó đều mang nặng một nỗi niềm.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện về những bi kịch của thân phận con người trong chiến tranh thì vẫn còn đó. Giữa không gian trầm mặc cô tịch, ông Lê Văn Sơn chắp tay vái, giọng trầm trầm quyện lẫn khói hương: “Hương hồn bà Đặng Thị Thắng có linh thiêng, hãy phù hộ để anh em chúng con tìm được thân nhân của bà, đặng đưa bà về đoàn tụ với gia đình, quê hương...”.