Từ dịch SARS với hơn 8.000 người bị nhiễm
Chỉ trong vòng 2 năm (từ 2002 đến 2004), dịch SARS đã khiến hơn 8.000 người bị nhiễm, trong đó có 774 trường hợp tử vong trên trên toàn thế giới. Dịch SARS bắt đầu bị phát hiện vào ngày 16/11/2002 tại tỉnh Quảng Đông, giáp ranh với Hồng Kông, Trung Quốc. Đến ngày 31/1/2003, ca siêu lây nhiễm đầu tiên xuất hiện. Zhou Zuofen, một tiểu thương bán cá, được đưa vào Bệnh viện Tưởng niệm Tôn Trung Sơn tại Quảng Châu và lây nhiễm cho 30 y tá và bác sĩ. Virus nhanh chóng lây lan sang các bệnh viện gần đó.
SARS tạo ra các triệu chứng giống như cúm và có thể bao gồm sốt, đau cơ, hôn mê, ho, đau họng và các triệu chứng không đặc hiệu khác. Triệu chứng duy nhất chung cho tất cả bệnh nhân là sốt trên 38oC. SARS có thể dẫn đến khó thở và viêm phổi; hoặc viêm phổi do virus trực tiếp hoặc viêm phổi do vi khuẩn thứ phát. Thời gian ủ bệnh trung bình của SARS là 4–6 ngày, nhưng cũng có trường hợp cá biệt chỉ 1 ngày hoặc kéo dài tới 14 ngày.
Nguyên nhân gây bệnh SARS là do virus corona hay corona virus SARS. Đây là loại virus có đường kính từ 60 - 130nm, bề mặt của virus có các gai glycoprotein giống hình vương miện. Virus corona có thể sống ở bên ngoài cơ thể trong nhiều giờ, tồn tại trong phân và nước tiểu ở nhiệt độ phòng trong tối thiểu 1-2 ngày, thậm chí tới 4 ngày. Ở nhiệt độ 0°C, virus này có thể tồn tại tới 3 tuần. Đặc tính này khiến virus corona có khả năng lây lan mạnh từ người này sang người khác và dễ phát triển thành dịch.
Phần lớn bệnh nhân SARS có thể hồi phục nếu được điều trị sớm bằng các loại thuốc kháng virus và steroid, gồm thuốc kháng virus, sử dụng kháng sinh điều trị bội nhiễm phế quản, phổi. Hiện nay, dù dịch SARS đã được kiểm soát nhưng nó vẫn tồn tại, tiềm ẩn trong khối trữ thiên nhiên (quần thể động vật) và vẫn có khả năng tái phát.
Theo khuyến cáo của WHO, SARS là căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh nên đi khám ngay để được chẩn đoán xác định và có hướng cách ly, điều trị phù hợp, tránh lây lan trong cộng đồng.
Đến Covid-19, đại dịch khủng khiếp nhất
Trong thế kỷ 21, thế giới đã từng phải chứng kiến dịch SARS và dịch MERS (Virus corona gây hội chứng hô hấp cấp Trung Đông), nhưng tất cả đều không thể so sánh được với đại dịch SARS-CoV-2 (đại dịch Covid-19) được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Theo thống kê của WHO, cho đến nay, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân mắc Covid-19 là gần 3%. Mặt dù tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn thấp hơn SARS (9,14%) và MERS (34,4%), nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh và nhiều hơn rất nhiều so với SARS (8.096 trường hợp từ năm 2002) và MERS (2.494 trường hợp từ năm 2012).
Tính đến ngày 11/3/2021, thế giới đã ghi nhận có hơn 118.600.000 ca nhiễm Covid-19 trong đó có hơn 2.632.000 trường hợp tử vong. Rất nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 xuất hiện và được sử dụng, nhưng vẫn còn đó những lo ngại về biến thể mới của SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi hay Brazil, với tốc độ lây lan nhanh hơn và độc tố mạnh hơn, được cho là có thể kháng vaccine mạnh hơn.
Một năm trôi qua, thế giới đã biến động quá nhiều vì đại dịch khủng khiếp này. Chỉ xét riêng ở khía cạnh kinh tế, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các thị trường tiêu thụ trên toàn cầu, tạo ra cú sốc lớn nhất đối với kinh tế thế giới kể từ cuộc Đại suy thoái đầu những năm 1930. Chính phủ các nước buộc phải thực thi các biện pháp chưa có tiền lệ, từ cân nhắc đóng cửa, giãn cách xã hội để bảo vệ an toàn, ngăn chặn dịch bệnh, cho tới việc tung ra hàng loạt các gói cứu trợ để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Do ảnh hưởng của Covid-19, kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 4,4%, mức tệ nhất gần một thế kỷ qua. Đa số các nền kinh tế suy giảm, chỉ một số ít các quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập, Việt Nam… có tăng trưởng dương. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, với thiệt hại ước tính lên tới 28.000 tỉ USD tính đến năm 2025.
Đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra một loạt thay đổi trong đời sống thường ngày. Hơn một nửa dân số thế giới đang hoặc đã từng phải sống trong điều kiện bị phong tỏa, giãn cách, cách ly. Khắp nơi trên thế giới, người dân ở các quốc gia khác nhau, có nền văn hóa khác nhau nhưng đều phải đeo khẩu trang nếu như không muốn đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Và không biết đến bao giờ, họ mới có thể cởi bỏ khẩu trang và có được cuộc sống bình yên như ngày xưa…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn