Năm 1997, bà Banda được trao giải thưởng châu Phi dành cho “Lãnh đạo chấm dứt vĩnh viễn nạn đói” của tổ chức Hunger Project có cơ sở ở Hoa Kỳ.
Bà được tạp chí Mỹ Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất châu Phi năm 2014. Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Malawi John Kapito từng đánh giá rằng bà Banda là một người đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, nhất là phụ nữ ở nông thôn.
Sau khi ông Mutharika đột ngột qua đời vào đầu tháng 4/2012, bà Joyce Banda đã tuyên thệ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của quốc gia châu Phi. Trong buổi lễ nhậm chức, bà Banda đã cam kết “bảo vệ và duy trì hiến pháp” và làm những điều đúng đắn theo luật pháp. Trước nền kinh tế suy kiệt mà người tiền nhiệm để lại, bà tuyên bố bán chiếc chuyên cơ tổng thống giá 15 triệu USD để mua ngô cho những người thiếu lương thực. Ngoài ra, bà Banda còn tự giảm 30% lương tổng thống, bán hết 35 xe Mercedes Benz dành cho quan chức chính phủ và thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt chi tiêu. Các nước phương Tây đánh giá cao nỗ lực của bà.
Ngày 31/7/2017, Cảnh sát Malawi phát lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Joyce Banda. Giới chức cảnh sát Malawi cho biết cảnh sát tài chính và chống tham nhũng nước này đã tìm thấy "bằng chứng tin cậy" làm gia tăng nghi ngờ rằng cựu Tổng thống Banda đã phạm tội liên quan đến lạm dụng chức quyền và rửa tiền trong vụ Cashgate.
"Cashgate" là vụ bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử Malawi khiến bà Banda thất bại trong cuộc bầu cử năm 2014. Bà Banda phải sống lưu vong ở Nam Phi kể từ đó đến nay. Vụ việc vỡ lở sau khi bà Banda yêu cầu tiến hành một cuộc kiểm toán năm 2013 và phát hiện công quỹ bị thiếu hụt 32 triệu USD.
Ngày 10/10/2013, Tổng thống Joyce Banda đã sa thải toàn bộ nội các Chính phủ trong một vụ bê bối tham nhũng. 25 bộ trưởng bị cách chức, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Ken Lipenga. Trong số 10 quan chức chính phủ bị bắt giữ, có 1 người cất giấu 25.000 USD tại nhà và 2 người khác giấu tiền trong cốp xe. Những người này bị buộc tội rửa tiền, sử dụng sai mục đích và tham nhũng. 9 sĩ quan cảnh sát cấp cao bị kết án mỗi người 14 năm tù giam vì có liên quan trong một vụ gian lận tài sản trị giá 164.000 USD.
Ngày 4/9/2015, Tòa án tối cao tại thành phố Zomba ở miền Nam Malawi đã kết án doanh nhân Oswald Lutepo 11 năm tù vì 2 tội danh là âm mưu lừa gạt chính quyền và rửa tiền. Người này bị cáo buộc bòn rút khoảng 9,3 triệu USD trong vụ bê bối Cashgate. Trước tòa, Lutepo khẳng định bà Joyce Banda đã lợi dụng anh ta để biển thủ công quỹ.
Bà Banda từng lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào bà nhưng các cơ quan chống tham nhũng Malawi vẫn thu thập bằng chứng liên quan đến bà trong vụ Cashgate và có thể buộc bà phải về nước để thẩm vấn.