Từ “thủ phủ” cây thuốc phiện đến những vườn hoa thơm, trái ngọt

14:00 | 30/10/2023;
Xã Tà Tổng từng được coi là "vựa" thuốc phiện của huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Thế nhưng, tất cả đã là quá khứ. Trở lại Tà Tổng hôm nay, từ bản cao đến thấp, đâu đâu cũng thấy màu xanh của nương lúa, của cây ăn quả.

Ám ảnh những mùa hoa anh túc

Tà Tổng là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Tè. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 51.000ha, với 1.340 hộ và hơn 7.425 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm khoảng 95%. Vùng quê nghèo khó này từng được biết đến là "vựa" cây thuốc phiện ở huyện Mường Tè nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung.

Già làng Vàng A Páo, người được xem như tượng đài sống của người Mông ở Tà Tổng cho biết: Từ ngày còn thực dân Pháp đô hộ đất Tây Bắc, cây thuốc phiện đã bén rễ ở đất này. Loài cây này từng nở tím vùng biên khi cái nắng mùa xuân tỏa xuống.

Đến đầu những năm 80, 90 của thế kỷ trước, bản trên, bản dưới coi việc trồng cây thuốc phiện như cây ngô, cây sắn bây giờ. Thuốc đen trao đổi dễ dàng, nên nhiều trai tráng người Mông sắm bàn đèn hút. "Khi Nhà nước vận động xóa bỏ cây thuốc phiện, bà con người Mông sợ bỏ cây thuốc phiện, họ lấy nguồn gì để sống, lấy thuốc đâu mà hút. Đặc biệt là lớp người già là nghiện nhiều nhất, phản đối mạnh nhất", ông Páo nhớ lại.

Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, cùng với nhận thức của người dân thay đổi, cuối cùng người Mông ở Tà Tổng cũng đoạt tuyệt được với cây thuốc phiện. Một người bỏ được, nhiều người khác làm theo.

Trưởng các dòng họ Vàng, họ Sùng, họ Thào, họ Tráng, họ Mùa giữ vai trò là đầu tàu trong việc vận động người dân xóa bỏ cây thuốc phiện. "Một nhà bỏ, tiếp đến 2 nhà, rồi lan ra cả bản. Mất nhiều mùa trăng trôi qua, bà con ở bản Tà Tổng mới rời xa được cây thuốc phiện", già làng Páo kể lại.

Từ “thủ phủ” cây thuốc phiện đến những vườn hoa thơm, trái ngọt- Ảnh 1.

Người dân ở Tà Tổng đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện

Ông Giàng Giả Dình (70 tuổi, dân bản Tà Tổng, xã Tà Tổng) cho biết thêm: "Khi nhà nước chưa cấm, cây thuốc phiện từng được trồng tràn lan ở vườn nhà, trên nương, trong rừng, dưới khe núi. Cứ vào độ tháng 10 hàng năm là đến mùa trồng thuốc phiện. Sau 6 tháng, cây thuốc phiện sẽ cho thu hoạch. Cứ sau mỗi mùa hoa anh túc nở, thì số người nghiện trong xã lại tăng lên".

Chỉ tay về phía những vạt rừng xanh tốt phía trước mặt, ông Dình nói: "Những vạt rừng xanh tốt đó trước đây đều là nương thuốc phiện cả đấy. Khi Nhà nước có lệnh cấm trồng cây anh túc, xã, bản đã vào cuộc vận động người dân không tái trồng cây này nữa.

Nhiều vạt nương trồng thuốc phiện trước đây được người dân trong bản, trong xã khoanh nuôi, bảo vệ, trở thành những cánh rừng tươi tốt. Cũng may Nhà nước sớm có lệnh cấm trồng thuốc phiện, nếu không Tà Tổng sẽ không có được như ngày hôm nay".

Đổi thay trên vùng đất khó

Trở lại Tà Tổng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da, đổi thịt" ở xã vùng cao vốn nhiều khó khăn này. Những con đường "thúc đầu gối vào ngực" giờ được trải bê tông phẳng lỳ. Con đường từ xã Nậm Khao vào Tà Tổng giờ cũng đi lại dễ dàng vì đã được nhựa hóa.

"Để xóa bỏ cây thuốc phiện, tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè đã thành lập nhiều tổ công tác vào xã Tà Tổng tuyên truyền, vận động và phá nhổ cây thuốc phiện. Bản thân tôi nhiều lần cùng tổ công tác đi bộ cả ngày trời mới tới được nương thuốc phiện.

Vì trồng cây thuốc phiện lén lút nên người dân thường chọn địa điểm ở vùng sâu, vùng xa, đi lại rất khó khăn. Sau nhiều năm ròng rã kiên trì vận động và kiên quyết phá nhổ, tình trạng lén lút trồng thuốc phiện ở Tà Tổng đã "giảm nhiệt" nhanh chóng, đến nay đã hoàn toàn xóa bỏ", một cán bộ huyện Mường Tè chia sẻ.

Từ “thủ phủ” cây thuốc phiện đến những vườn hoa thơm, trái ngọt- Ảnh 2.

Những rừng cây ăn trái đã thay thế cho cây thuốc phiện và mang lại sinh khí mới cho người dân ở Tà Tổng

Trong khi đó, Ông Sùng A Chứ - Chủ tịch UBND xã Tà Tổng, cho hay: "Những nương, vườn trồng thuốc phiện trước đây, đã được người dân trong xã chuyển sang trồng ngô, trồng lúa từ nhiều năm nay. Được Nhà nước hỗ trợ cây con, giống mới và được tham gia các lớp tập huấn, người dân các bản trong xã tích cực đầu tư sản xuất thâm canh, tăng năng suất. Ngoài trồng lúa, ngô, nhiều hộ dân trong xã còn mạnh dạn trồng sa nhân tím dưới tán rừng và trồng mận trên những nương vườn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống".

Gặp bà con người Mông ở Tà Tổng, bà con không còn bàn chuyện cây thuốc phiện nữa mà chia sẻ nhau cách nuôi con trâu, con bò mau lớn. Đến chuyện cho đám trẻ đi học ở trường nội trú. Chị Sùng Thị Gì – Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Tổng cho biết: "Người dân ở xã giờ đã thay đổi cách nghĩ cách làm, xuất hiện nhiều hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Đó là trường hợp chị Giàng Thị Cài – phát triển rất tốt về nuôi lợn, gà, trồng rau và cây ăn quả; chi Sùng Thị Cở với mô hình trồng ớt, chị Giàng Thị Páo thành công với mô hình chăn nuôi trâu bò…".

Giờ đây từ người Mông, người Thái, người La Hủ ở bản Tà Tổng, bản Cao Chải, bản Giàng Ly Cha đến các bản của người Hà Nhì như Cô Lô Hồ, không ai còn nhắc đến chuyện tái trồng cây thuốc phiện nữa. Từ bản cao đến bản thấp, đâu đâu cũng thấy màu xanh của nương lúa, của cây ăn quả. Trong bản không có người nghiện, không có người tái trồng cây thuốc phiện.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn