Từ 'trạng đề' thành 'thần y' chữa vô sinh

14:28 | 07/05/2016;
Tự nhận mình là bác sỹ Bệnh viện 103 - khoa hỗ trợ sinh sản về hưu nhưng sự thật ông Nguyễn Văn Luấn (Chợ Mới, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) chỉ học qua lớp Đông y. Trước đó, ông chỉ là người nông dân “kiêm” hành nghề xem bói.

Ông  Luấn đã chuyển từ thôn Chi Long, xã Ngọc Long về Chợ thương mại Yên Mỹ (chợ Mới), thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ hành nghề chữa bệnh đã vài năm nay. Thế nhưng, với những người dân ở thôn Chi Long, hành trạng, tên tuổi của ông Luấn ai cũng biết.

than-y-2.jpg
Thôn Chi Long, nơi ông Luấn sống và hành nghề trước đây.

Được biết, trước đây ông Luấn cũng chỉ là người nông dân một nắng hai sương như bao người dân quê ông. Vào những năm 1990, khi nạn lô đề nở rộ. Cơn "bão" ấy quyét thôn Chi Long khiến cả vùng quê nghèo cũng "nhập cuộc sôi nổi".

Ông Luyện Minh Thêm, Trưởng thôn Chi Long, cho biết: Thời điểm năm 1992-1993 cả làng này rơi vào nạn lô đề, nhiều người mang cả thóc đi bán để đánh đề. Không ít gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt".

Đúng lúc đó, ông Luấn bỗng "phát" tài với khả năng "phán" lô đề. Người người đến nhà ông Luấn xin số. Lúc đó, người làng gọi ông Luấn là "trạng đề". Sau một thời gian, phong trào chơi đề, chơi lô giảm xuống, ông Luấn cũng giải nghệ.

Khi nhà nhà đi tìm mộ, người người đi tìm hài cốt, ông Luấn lại chuyển sang làm “thầy địa lý" và cũng rất nổi tiếng.

Ông Thêm nói rằng, việc ông Luấn tự nhận mình là bác sỹ về hưu là không đúng. Nhà ông Thêm ở bên cạnh nhà ông Luấn. Bản thân ông Thêm và ông Luấn lại là bạn đồng niên. Lớn lên với nhau từ bé, ông Luấn làm gì ông Thêm cũng rõ. "Có thời gian, ông Luấn đi học lớp đông y. Sau đó có chứng chỉ về đông y. Từ ngày ấy, ông Luấn chuyển sang nghề chữa bệnh. Toàn người địa phương khác đến chữa, ở đây không ai chữa bệnh ở ông Luấn. Bản thân một gia đình họ hàng nhà ông Luấn cũng có người bị vô sinh nhưng ông Luấn có chữa được đâu," ông Thêm cho biết.

Khi đã nổi tiếng, người đến chữa vô sinh nườm nượp, nhà ông Luấn lại ở cuối thôn nên khách tìm rất khó, ô tô chẳng vào được. Khoảng 2 năm trước, ông Luấn chuyển về chợ Mới chữa bệnh cho đến ngày nay.

Lãnh đạo Trạm y tế thị trấn Yên Mỹ cho biết: Khi ông Luấn về mở phòng khám tại đây, họ đã báo cáo sự việc lên Trung tâm y tế và Phòng y tế huyện. Vì không thuộc thẩm quyền nên Trạm y tế thị trấn không được quyền kiểm tra nơi ông Luấn hành nghề. Thế nhưng, người đứng đầu Trạm y tế thị trần Yên Mỹ cũng khẳng định: "Chưa thấy một ai người địa phương đến nhờ ông Luấn chữa bệnh. Khách của ông Luấn rất đông nhưng toàn người ở nơi khác đến".

Ông Trần Công Phú, Trưởng phòng y tế huyện Yên Mỹ, cho biết: "Ông Luấn có giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, ông Luấn không phải là bác sỹ, ông Luấn chỉ là lương y, có chứng chỉ hành nghề lương y. Việc ông Luấn tự nhận mình là bác sỹ về hưu là không đúng. Khả năng chữa bệnh của ông Luấn thế nào, chúng tôi cũng không nắm được. Tuy nhiên, người dân ở đây cũng ít người đến chỗ ông Luấn chữa bệnh. Từ trước đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin gì trái chiều về việc chữa bệnh của ông Luấn". Ông Phú cũng hứa sẽ kiểm tra những thông tin chúng tôi phản ánh.

than-y-5.jpg
Trên tất cả các loại giấy tờ giao cho bệnh nhân, ông Luấn đều ghi "BS - Lương Y Nguyễn Văn Luấn".

Như vậy, có thể khẳng định ông Luấn không phải là bác sỹ về hưu như bản thân ông Luấn vẫn khoe mẽ với chúng tôi. Không chỉ nhận mình là bác sỹ viện 103 – khoa hỗ trợ sinh sản, ông Luấn còn cho biết: "Năm 1976 tôi công tác trong Bệnh viện Quân khu 4 (Nghệ An). Tôi tăng cường ở đó 2 năm, sau đó vào Quân khu 7, đến năm 1982 mới về viện 103 công tác cho đến năm 2015 về hưu. Năm nay tôi 60 rồi”.

Với cách khám chữa bệnh rất phản khoa học và việc tự mạo danh mình là bác sỹ, những việc làm của ông Luấn rất mờ ám và cần được các cơ quan ngành y tê tỉnh Hưng Yên sớm kiểm tra, xem xét. Đừng để người dân lương thiện, nhất là những người vốn đã bất hạnh về đường con cái phải tiền mất tật mang.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn