Tử tù 9 lần là ứng viên của thần chết

11:55 | 23/10/2017;
Năm 1948, tòa án Mỹ xử tử hình Caryl Chessman. Nhờ khôn khéo, tên găngxtơ này đã liên tục hoãn được ngày thi hành án và trở thành một ngôi sao truyền thông, cho đến khi một sự cố ngẫu nhiên xảy ra.
Sáng ngày 19/2/1960, tử tù số 66565 B chỉ còn được sống 9 tiếng 55 phút. Đột nhiên chuông điện thoại trong khu hành hình của nhà tù San Quentin (California/Mỹ) réo vang. Thống đốc Brown ra lệnh hoãn thi hành án 60 ngày.
caryl-chessman2.jpg
Caryl Chessman bị bắt

 

Kẻ được sống thêm 2 tháng nữa là tù nhân nổi tiếng nhất Hoa Kỳ: Caryl Whittier Chessman, kẻ đã thoát chết 8 lần kể từ ngày bị tòa tuyên án tử hình tháng 6/1948.
Trong lịch sử tư pháp, chưa tử tù nào hoãn thi hành án được nhiều lần và thậm chí còn "tiếp thị" được án tử hình của chính mình như hắn. 

Trong nhà tù San Quentin, tên găngxtơ trở thành "luật gia tự học", chuyên gia hùng biện và một… ngôi sao truyền thông. Sách hắn viết từ xà lim tử tù số 2455 làm cho bản án tử hình của hắn trở thành bản án khuấy động thế giới phương Tây mạnh mẽ nhất trong thế kỷ 20.

Bi kịch của Chessman bắt đầu ngày 23/1/1948. Tối hôm đó, hai cảnh sát tuần tra ở Hollywood phát hiện một chiếc Ford giống chiếc xe của kẻ được mệnh danh là "Tên cướp đèn đỏ" làm náo loạn Los Angeles từ nhiều tuần lễ nay.

Tên cướp này gắn một chiếc đèn đỏ nhấp nháy lên mui xe, giả làm cảnh sát chuyên cướp các đôi tình nhân trên những quãng đường ít người qua lại. Sau một cuộc đuổi bắt như trong phim, hai cảnh sát bắt được Chessman trên chiếc Ford và tin rằng, đã bắt được kẻ đang bị truy nã.

15 án tù và 2 án tử hình

Ít tháng sau, trước tòa đại hình Los Angeles, Chessman lớn tiếng phủ nhận hắn là "Tên cướp đèn đỏ". Vật chứng được đưa ra buộc tội Chessman là chiếc Ford, 1 khẩu súng ngắn tự động và 1 chiếc đèn pin của hắn – đúng những thứ "Tên cướp đèn đỏ" vẫn dùng trong những vụ cướp.
caryl-chessman1.jpg
Caryl Chessman trở thành "luật sư trong tù"

 

Bồi thẩm đoàn đã nhất trí nhận định, Chessman, kẻ từ năm 16 tuổi đã vi phạm vô số đạo luật, chính là hung thủ đang bị truy nã. Ngày 25/6/1948, hắn bị tuyên xử 15 án tù vì tội cướp, bắt cóc, hãm hiếp phụ nữ và 2 án tử hình. Tuy nhiên, để tuyên được bản án này tòa án đã phải vận dụng một "nghệ thuật tư pháp".

Vào thời điểm đó ở Mỹ, án tử hình đã bị hủy bỏ tại 9 bang và tại bang Californi, các tội cướp và hiếp dâm không bị xử tử hình. Tuy nhiên, bên công tố đã tìm ra một "kẽ lách" đó là "Luật Lindbergh".

Sau khi con trai của phi công huyền thoại Charles Lindbergh bị bắt cóc và giết hại năm 1932, bang California ban hành luật này được nhằm ngăn chặn những kẻ muốn bắt chước hung thủ vụ Lindbergh bằng cách xử tử hình tội bắt cóc và đe dọa giết người – thể hiện bằng việc thủ phạm hành hạ nạn nhân và đòi tiền chuộc.

Tác phẩm bán chạy nhất từ… xà lim tử tù

Theo diễn giải tội trạng của các thẩm phán, Chessman đã cướp 2 người trong số nạn nhân của hắn và sau đó lôi họ ra một chỗ khác để hãm hiếp. Vì thế tòa xử tử hình vì tội bắt cóc, tuy thực chất không phải là hành động bắt cóc. Tuy nhiên, lý giải này không tuyệt đối chắc chắn và vì thế Chessman đã ra tay.
nguoi-dan-ong-chet-9-lan-3.jpg
Sách Chessman viết trong xà lim tử tù

Trong xà lim tử tù, tên kẻ cướp này đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chiến sống còn của hắn. Trong tù, hắn lập một tủ sách riêng, nghiên cứu kỹ lưỡng bộ luật hình sự bang California và tận dụng mọi phương tiện tư pháp có được. 

Chessman đã kháng án 42 lần, 15 lần lên đến tận Tòa án tối cao và đưa ra khoảng 100 điểm nghi ngờ trong biên bản xét xử. Và hắn đã thành công. Nhờ sự kiên trì và thủ đoạn tinh vi, chỉ từ tháng 3/1952 đến tháng 7/1955, hắn đã 6 lần được hoãn thi hành án tử hình.

Kẻ tử tù đã lợi dụng thời gian "câu giờ" đó thu hút được dư luận thế giới  thành "người đồng hành" cực kỳ to lớn trong cuộc chiến sống còn của hắn.

caryl-chessman.jpg
Caryl Chessman lên trang bìa của tạp chí Time năm 1960

 

Trong tù, "luật sư tự học" Chessman vọt lên thành nhà văn và năm 1954 cho ra đời quyển tự thuật của hắn. Quyển "Xà lim tử tù số 2455" này được dịch ra 13 thứ tiếng, là tác phẩm bán chạy nhất thời điểm đó.

Trong cuốn sách, hắn mô tả chi tiết cuộc đời hắn cho đến khi vào xà lim tử tù. Chỉ 1 năm sau, hắn viết tiếp quyển "Trial by Ordeal" và qua đó chiếm được cảm tình của nhiều người trên thế giới đến nỗi, giám đốc nhà tù đã phải cấm hắn viết sách.

Tuy nhiên, Chessman vẫn tìm được cách để tuồn bản thảo ra ngoài và năm 1957 cho ra đời quyển thứ 3 là "Face of Justice" và năm 1960 quyển thứ 4 "The Kid was a Killer". Những quyển sách đó trở thành trụ cột của một chiến dịch truyền thông khổng lồ.
         
Chessman trả lời phỏng vấn, leo lên trang bìa các tạp chí nổi tiếng "Life" và "Time", được phát thanh, truyền hình, báo chí khắp nơi trên thế giới đưa tin. Phản ứng khổng lồ này của truyền thông đã có tác dụng đột phá.

nguoi-dan-ong-chet-9-lan-1.jpg
Bức ảnh cuối cùng chụp Chessman ngay trước lần chết thứ 9 - ngày 02/5/1960

 

Lệnh hoãn đến chậm hơn thần chết

Trong khi tại một số nước người ta thu thập hàng trăm nghìn chữ ký gửi đến thống đốc bang California đề nghị ân xá cho Chessman và nhiều người biểu tình đòi hủy án tử hình, thì Chessman cố "câu giờ" tiếp tục.

Hai ngày trước lịch thi hành án, ngày 23/10/1959, Thống đốc Brown lại phải hoãn thi hành án đến ngày 19/2 năm sau, sau đó hoãn tiếp đến 2/5/1960. Báo chí gọi Chessman là "ứng cử viên của thần chết, người đã chết 8 lần". Tuy nhiên, hắn đã không thoát được cái chết lần thứ 9.

nguoi-dan-ong-chet-9-lan-2.jpg
Phòng hơi ngạt

 

Ngày 1/5/1960 là lần thi hành án thứ 9. Quy trình vẫn như mọi khi. 24 tiếng trước giờ hành hình, giám ngục đưa tên tử tù 38 tuổi vào "phòng đợi hành hình" bên cạnh phòng hơi ngạt.

10 giờ sáng hôm sau, nhân viên thi hành án "cố định" Chessman lên một chiếc ghế kim loại trong phòng hơi ngạt, sau đó đóng cửa phòng. Giờ đây, giữa Chessman và thần chết chỉ còn vài giây đồng hồ.

Sau đó, chuông điện thoại reo lên. Trong phòng hơi ngạt một thiết bị thả ra 2 túi bụi Kalixyanua. Bên ngoài, giám đốc nhà tù Dickson nhận điện thoại, nghe lệnh hoãn thi hành án lần nữa. Bên trong hơi độc bốc lên. Bên ngoài Dickson quyết định ngừng thi hành nhưng đã quá muộn. Bên trong Caryl Chessman đổ gục xuống.

Mãi sau này mới biết, lý do tại sao tin hoãn thi hành án đến nhà tù chậm thế: Cô thư ký của thẩm phán có thẩm quyền lúc đầu đã quay nhầm số điện thoại!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn