Tử tù sợ... sống quá lâu

15:25 | 01/06/2016;
Dù ở ngoài xã hội là những tên giang hồ máu lạnh, gây án không ghê tay đến nhưng khi bị kết án tử hình tất cả đều sợ hãi đến bấn loạn.

Em nào đã được chết!

Tử tù thường ngủ ban ngày và thức ban đêm, bình minh của họ là khi mặt trời lặn. Các cuộc thi hành án tử hình bao giờ cũng bắt đầu vào lúc tờ mờ sáng và kết thúc vào trước lúc mặt trời mọc. Khi trời sáng, thấy mình vẫn yên vị trong phòng biệt giam, ấy là lúc tử tù biết mình vẫn còn được sống và có thể yên tâm mà ngủ.

Thế nhưng, ở Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng thì ngược lại. Nhiều tử từ chẳng còn sợ sệt tiếng kẽo kẹt của cánh cửa sắt mở ra khi nửa đêm. Thậm chí, họ còn mong chờ, cửa phòng mình sẽ được mở để được đi về bên kia thế giới. Khi biết mình… chưa được chết, nhiều tử tù đã rất buồn.

3.jpg
Thiếu tá Lưu Đình Chính nói rằng, nhiều tử tù biệt giam quá lâu nên không còn ám ảnh bởi cái chết

Thiếu tá Lưu Đình Chính, Đội phó Đội quản giáo, người phụ trách khu biệt giam của những phạm nhân mang án tử hình, Trại tạm giam Công an TP. Hải Phòng bảo, có lần anh đã trêu tử tù Lê Xuân Trường, người đã ở phòng biệt giam đến 8 năm: “Chuẩn bị lên Hà Nội thi hành án nhé”. Thường thì tử tù nghe nói vậy sợ đến "tè" ra quần, nhưng khi nghe nói vậy Trường chỉ cười buồn: “Thấy cứ đùa em, em chưa được chết đâu”.

Lê Xuân Trường bị kết án tử hình vào ngày 1/2/2008 với 4 tội danh “gồm “Giết người, “Cướp tài sản”, “Cố ý gây thương thích” và “Đánh bạc”. Ngày trước, dù tội danh đầy mình, đặc biệt từng 2 lần ra tay giết người tàn độc nhưng Trường vẫn hy vọng được sống nên đã làm đơn xin được giảm án. Tất nhiên, mong muốn đó của Trường chẳng thể được toại nguyện.

Tay giang hồ máu lạnh này từng có thời gian bấn loạn, sợ hãi. Sau đó, được sự chia sẻ, động viên của quản giáo, Trường dần bình tâm và không còn quậy phá như trước. Trường đã sẵn sàng cho cái chết của mình bằng cách viết lại di chúc, chia tài sản cho 2 người vợ cùng 2 đứa con của mình. Trường cũng viết cả nghìn trang thư dặn dò vợ con đủ điều. "Hậu sự” đã được chuẩn bị kỹ càng như thế nhưng đến giờ Trường vẫn sống sờ sờ trong phòng biệt giam.

Tính đến giờ, Trường đã 6 lần viết thư xin được… chết sớm. Lá thư mới đây nhất là vào ngày 15/3/2016. Trong thư Trường viết: “Tôi không biết vì lý do gì mà án của tôi đã xử từ năm 2008 và tôi không kêu oan, tôi đã thừa nhận là bản án xử đúng người, đúng tội vậy mà tới giờ đã 8 năm kể từ ngày tôi bị tuyên án tử hình tôi vẫn chưa bị đi thi hành án”.

Trường cũng nêu ra lý do muốn được thi hành án sớm là vì: “Tôi bị đau dạ dày và đường ruột nên rất khổ sở, chỉ muốn được đi thi hành án sớm để chấm dứt cuộc đời khổ sở, bất hạnh này”. Lý do viết trên giấy như vậy, nhưng ai cũng hiểu còn một nỗi đau còn lớn hơn bệnh tật mà Trường đang chịu đựng, là sự ân hận, nỗi đau dày vò khi nghĩ đến những đứa con.

4.jpg
Lần thứ 6, tử tù Lê Xuân Trường viết đơn xin được thi hành án

Thiếu tá Lưu Đình Chính, cho biết: Nhiều tử tù thời gian đầu rất phá phách, chống đối nhưng khi khơi gợi những yêu thương dành cho người thân, họ đã thay đổi hẳn bản tính. Lê Xuân Trường nằm trong số đó. Trường có một đứa con trai, chào đời trước khi Trường bị bắt vài hôm. Chính đứa con này đã làm Trường thay đổi tâm tính.

Cán bộ trại tạm giam kể, lúc biết vợ sinh con trai, Trường đã rất mừng và một mực nhờ cán bộ nhắn đến vợ hãy đặt con là Nguyễn Xuân Ánh Sáng. Với cái tên đó, Trường muốn con mình sẽ không bao giờ đi vào chỗ tăm tối như bố. Nghĩ nhiều đến con, nhận ra giá trị của tình yêu thương, Trường ngoan hẳn. Trường luôn chấp hành nội quy của trại để mong được gặp con, gặp người thân, điều mà trước đây anh ta chẳng bao giờ màng tới.

Những ngày trong biệt giam, Trường đã tranh thủ viết nhật ký cho con. Cuốn nhật ký đã dày tới 2.000 trang. Thương vợ, nhớ con, ân hận với quá khứ của mình, Trường dằn vặt, khổ sở. “Đi sớm” là cách Trường chấm dứt những ngày tháng day dứt khổ đau.

Mới xử cũng muốn chết sớm

Có những tử tù mới nhận án cũng làm đơn xin được thi hành án sớm, điển hình là trường hợp Nghiêm Văn Min (SN 1976), ở Chí Linh, Hải Dương.

Min là sát thủ trong vụ án vợ cuồng ghen thuê người giết chồng đình đám năm nào. Do ghen tuông, bà Nguyễn Thị Quyến ở huyện Kim Thành (Hải Dương) đã nhờ con rể tìm sát thủ để sát hại chồng là ông ông Nguyễn Đăng Thụy. Nhận “hợp đồng” trị giá 31 triệu đồng, Min đã cùng một "chiến hữu" tìm ông Thụy thanh toán.

Ngày 21/2/2011, tại xã Bắc Sơn, An Dương (Hải Phòng), Min đã gặp ông Thụy và sát hại ông này bằng súng hoa cải. Với tội ác trên, Min đã phải nhận bản án cao nhất của pháp luật. Những ngày trong chốn biệt giam, mỗi khi người thân đến thăm, đặc biệt là sự xuất hiện của đứa con nhỏ, Min đã khóc rất nhiều.

2.jpg
Tử tù Đỗ Văn Hòa cũng đã 3 lần viết đơn xin được thi hành án

Tâm sự với cán bộ quản giáo, Min bảo anh ta thương nhất mẹ và đứa con: Người ta tự hào mỗi lần lên thành phố thăm con. Mẹ tôi cũng lên thành phố thăm con nhưng con ở trong tù”. Mặc cảm tội lỗi, không muốn người thân phải khổ sở về mình nên Min đã làm đơn xin thi hành án sớm. Đơn của Min vừa gửi ngày 2/5/2016 vừa rồi. Không biết, Min có phải chờ đợi nhiều năm trời như trường hợp Lê Xuân Trường hay Đỗ Văn Hòa – tử tù bị kết án từ năm 2012 và cũng đã 3 lần viết đơn xin được đền tội nhưng chưa được.

Thiếu tá Lưu Đình Chính cho rằng, có 2 lý do tử tù muốn được thi hành án sớm. Thứ nhất, nhiều tử tù thấy mình sống không còn ý nghĩa gì nữa, sống thêm ngày nào là khổ đau ngày đó cho cả bản thân và người nhà nên muốn chấm dứt cuộc sống sớm cho nhẹ nhõm. Thứ hai, lý do chính là hiện nay thi hành án bằng cách tiêm nên tử tù đã bớt sợ hơn rất nhiều so với hình thức “dựa cột” trước đây. Ám ảnh về cái chết đau đớn không còn nên tử tù ít hoảng loạn, bình tĩnh hơn nhiều khi đón nhận cái chết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn