Ngày 16/1, TS.Nguyễn Hải An, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết, một bệnh nhân vừa tử sau khi điều trị bỏng tại nhà thầy lang.
Trước đó, Viện tiếp nhận bệnh nhân N.V.N ( 68 tuổi, ở Hưng Yên) trong tình trạng sốc nặng sau khi điều trị bỏng.
Gia đình cho biết, mấy ngày lạnh vừa qua, bệnh nhân đã sưởi ấm bằng than củi. Trong lúc sưởi ấm, do sơ ý bệnh nhân đã bị bỏng nặng. Tuy nhiên, thay vì đến BV, gia đình nghe mách có thầy lang chữa bỏng rất tốt ở gần đó nên đưa đến đó để chữa. Tại đây, bệnh nhân được thầy lang cho bôi một loại thuốc lên vết bỏng. Sau một ngày, tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng nên gia đình đưa đến BV Xanh Pôn cấp cứu. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng toàn thân khoảng 70%, bỏng độ 3, độ 4 và sốc nặng nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành chống sốc và chống nhiễm khuẩn kết hợp với các thuốc đặc trị. Tuy nhiên, sau 1 tuần cấp cứu, bệnh nhân đã tử vong.
Theo bác sĩ An, đây không phải là trường hợp duy nhất do đến thầy lang chữa bỏng. Thực tế, thầy lang không có kiến thức, nên bỏng mức độ nào họ cũng dùng một loại thuốc trong khi bỏng có nhiều mức độ. Ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị bằng thuốc nam, nhưng mức độ nặng thì phải chuyển đến BV cấp cứu. Vì vậy bác sĩ An khuyến cáo người dân không nên nghe truyền miệng mà tin lời chữa bỏng của thầy lang là khỏi nhanh. Vì bỏng không chỉ tổn thương ở ngoài da mà còn ảnh hưởng đến toàn thân .
Đặc biệt, khi bị bỏng bệnh nhân không được bôi kem đánh răng, nước mắm, mỡ trăn,… lên vết bỏng. Thay vào đó, bệnh nhân ngâm nước mát từ 15 đến t đến 20 phút, cố gắng bảo tồn nơi tổn thương do bỏng, tránh làm trợt vùng da bị bỏng. Sau đó đắp gạc vô trùng, thậm chí đắp khăn mặt tẩm nước sạch lên vết bỏng, băng kín và đưa đến cơ sở y tế.