Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM đưa ra các ý kiến xung quanh vụ việc các bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng bạo hành dã man các trẻ em sinh sống tại đây.
PV: Chào LS, sự việc bạo hành trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng rất đau lòng. Hiện bà chủ và một số bảo mẫu của mái ấm này đã bị tạm giữ. Đã có rất nhiều vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em dã man xảy ra, có trẻ đã tử vong, nhưng các hành vi vô nhân tính này vẫn chưa dừng lại.
Theo luật sư, chế tài pháp luật dành cho các hành vi này có cần được đề xuất tăng nặng hay không để đủ sức răn đe và trấn áp được tội phạm?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở nuôi dưỡng như mái ấm Hoa Hồng là một vấn đề đau lòng và đáng lên án. Các hành vi này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn để lại những hậu quả lâu dài cả về thể chất và tinh thần cho các em.
Theo Luật Trẻ em 2016, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, ngược đãi và bóc lột. Hành vi bạo hành trẻ em, như trong trường hợp mái ấm Hoa Hồng, vi phạm trực tiếp Điều 4 và Điều 6 của luật này, trong đó quy định rõ ràng về các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử lý theo Điều 140 (tội "Hành hạ người khác") hoặc Điều 134 (tội "Cố ý gây thương tích").
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ. Chính vì vậy, tôi cho rằng cần đề xuất sửa Luật tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi bạo hành trẻ em, đặc biệt là trong các trường hợp có tính chất nghiêm trọng, lặp đi lặp lại, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân.
Chế tài tăng nặng có thể bao gồm việc tăng mức án tù, áp dụng hình thức phạt tiền lớn hơn, và bổ sung biện pháp tước quyền hành nghề vĩnh viễn đối với những bảo mẫu, giáo viên có hành vi vi phạm. Điều này sẽ giúp tăng tính răn đe và bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả hơn.
PV: Nhìn ở góc độ xã hội, các “mái ấm” được đa dạng hóa trong đời sống, chứ không phải chỉ trong các cơ sở công. Nhiều cơ sở tôn giáo cũng đã nhận và đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi.
Việc giám sát các cơ sở này nên thế nào, và nên áp dụng pháp luật vào việc này ra sao, ví như thành lập các đoàn kiểm tra, công khai các cơ quan, đoàn thể giám sát?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Hiện nay, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em không chỉ bao gồm các cơ sở công lập mà còn có các cơ sở ngoài công lập do tổ chức tôn giáo, xã hội vận hành. Sự đa dạng này có ý nghĩa tích cực, giúp đỡ nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, đây là một sự đóng góp tích cực cho xã hội.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức trong việc giám sát, đảm bảo các cơ sở này tuân thủ đúng quy định pháp luật và không xảy ra tình trạng bạo hành.
Theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Quyết định 2017/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân TPHCM, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em phải được giám sát thường xuyên bởi các cơ quan chức năng để đảm bảo mọi điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ đều đạt chuẩn.
Để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả, tôi đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, y tế, giáo dục, và công an. Đoàn kiểm tra này sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần, đồng thời có quyền tiến hành kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra phải được công khai để đảm bảo tính minh bạch, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia giám sát.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quá trình giám sát và kiểm tra phải được thực hiện một cách công bằng, nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đang hoạt động tốt, tuân thủ đúng pháp luật. Những cơ sở này cần được ghi nhận, thậm chí khen thưởng để khuyến khích duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.
Việc công khai kết quả kiểm tra không chỉ nhằm mục đích giám sát mà còn giúp tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các cơ sở cải thiện dịch vụ và xây dựng lòng tin với các nhà tài trợ và mạnh thường quân.
PV: Ngoài việc bạo hành trẻ, mái ấm Hoa Hồng còn đang bị điều tra về hành vi lừa đảo, trục lợi từ thiện. Các định chế pháp luật với các tội danh này trong các hoạt động thiện nguyện nên nghiêm khắc thế nào để không có những lòng tham trà trộn vào những lòng tốt của các mạnh thường quân?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Ngoài vấn đề bạo hành trẻ em, mái ấm Hoa Hồng còn đang bị điều tra về hành vi lừa đảo, trục lợi từ thiện. Đây là một hành vi đáng lên án, vì nó không chỉ làm tổn hại đến lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động thiện nguyện mà còn làm tổn thương tinh thần của các mạnh thường quân.
Hành vi trục lợi từ thiện, nếu bị phát hiện, cần bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Điều 174 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có thể áp dụng trong trường hợp này, với mức án tù lên tới 20 năm hoặc chung thân, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và số tiền chiếm đoạt.
Để ngăn ngừa những hành vi này, các tổ chức từ thiện, bao gồm cả các cơ sở nuôi dưỡng, phải thực hiện công khai minh bạch các khoản thu chi và chịu sự giám sát tài chính từ các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, cần quy định bắt buộc các cơ sở này phải có kiểm toán độc lập hàng năm, và mọi vi phạm liên quan đến tài chính cần được xử lý nghiêm minh để bảo vệ uy tín của các hoạt động thiện nguyện.
PV: Đã có ý kiến đưa ra về việc xét xử các vụ án tương tự bằng hình thức lưu động để răn đe. Luật sư có ý kiến thế nào về việc này?
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Về vấn đề xét xử lưu động, trước đây, hình thức này từng được áp dụng rộng rãi với mục đích tuyên truyền pháp luật và răn đe tội phạm, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, nơi người dân có ít cơ hội tiếp cận với hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, từ năm 2018, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chủ trương dừng việc xét xử lưu động để tập trung bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Việc này được đưa ra trong bối cảnh xã hội hiện đại đã phát triển về mặt giáo dục pháp luật, với sự phổ biến của các kênh thông tin đại chúng như internet, truyền hình, và các hình thức truyền thông khác.
Đối với các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án Nhân dân Tối cao, các vụ án này cần phải được xét xử kín nhằm bảo vệ quyền lợi và danh dự của người chưa thành niên. Điều này phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên. Trong các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, việc xét xử kín là cách tốt nhất để bảo vệ quyền riêng tư, tránh gây ra tổn thương tâm lý cho người chưa thành niên, và đồng thời giữ cho quá trình xét xử tuân thủ đúng nguyên tắc tôn trọng quyền con người.
Vì vậy, tôi cho rằng, đối với các vụ án liên quan đến trẻ em hoặc người chưa thành niên, việc xét xử kín là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi tối đa cho người chưa thành niên. Xét xử lưu động trong trường hợp này sẽ không phù hợp vì có thể gây tổn thương thêm một lần nữa cho các bị hại là trẻ em.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn