Từ vụ ngộ độc món cá chép ủ chua: Vì sao việc cung ứng thuốc hiếm gặp khó?

17:24 | 26/03/2023;
Bộ Y tế cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cung ứng thuốc hiếm gặp khó. Ví như, mua sắm thuốc hiếm vẫn được thực hiện theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc; công tác dự trù, xác định nhu cầu phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm.

Việc cung ứng thuốc hiếm gặp khó

Mới đây, thông tin nhiều người ở Quảng Nam bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua đã khiến dư luận xôn xao. Bởi lẽ, cá chép ủ chua là món ăn truyền thống của người dân vùng này và được sử dụng lâu nay.

Theo nhận định của các bác sĩ, trong quá trình chế biến loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín, sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn. Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện đã xác định dương tính với Clostridium Botulinum, type E.

Nhận được đề nghị hỗ trợ của ngành y tế Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã cử các chuyên gia mang theo 5 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) ra Quảng Nam cấp cứu cho các bệnh nhân. Đây là loại thuốc quý hiếm, có giá thành hơn 8.000 USD/lọ để cấp cứu cho các bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, thuốc giải độc BAT thuộc diện thuốc hiếm, không phải lúc nào các cơ sở y tế cũng dự phòng. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao các cơ sở y tế không chuẩn bị sẵn thuốc hiếm để sẵn sàng cấp cứu khi có bệnh nhân.

Về vấn đề này, theo Bộ Y tế, để giúp các cơ sở y tế có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm, trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ/ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để đảm bảo nguồn cung đối với thuốc hiếm như:

+ Về đăng ký thuốc: Ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định.

Từ vụ ngộ độc món cá chép ủ chua: Vì sao việc cung ứng thuốc hiếm gặp khó - Ảnh 1.

Cá muối chua nếu không đảm bảo vệ sinh rất dễ nhiễm vi khuẩn.

+ Cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Dù vậy, Bộ Y tế cho rằng, việc cung ứng thuốc hiếm cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay, việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm. Ngoài ra, thực tế ghi nhận một số thuốc hiếm được cơ sở y tế mua về không sử dụng hết do không có đủ bệnh nhân, phải hủy bỏ khi thuốc hết hạn.

Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc này.

- Bộ Y tế cũng đang đề xuất một số cơ chế như: Có cơ chế đặc thù về tài chính; có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ để một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Phòng nguy cơ ngộ độc từ món ăn truyền thống

Liên quan đến vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, hiện nay, ở Việt Nam tại các địa phương có rất nhiều các món ăn truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Có những món truyền thống quá trình chế biến hầu như không thay đổi từ trước đến nay nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất ít, ví dụ như các loại bánh truyền thống được hấp, nấu chín, bảo quản lạnh trước khi sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn những món có cách thức chế biến, sử dụng không an toàn như gỏi cá, tiết canh.

Về vấn đề này, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã có nhiều văn bản chỉ đạo địa phương vận động người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng tiếp cận thông tin hạn chế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các già làng, trưởng bản, các vị chức sắc, các tài liệu bằng tiếng dân tộc để người dân thay đổi thói quen không bảo đảm vệ sinh. Qua các hình thức vận động, tuyên truyền này nhiều vụ ngộ độc trước đây đã giảm rõ rệt (ví dụ như bánh trôi ngô gây tử vong hiện nay đã giảm rất nhiều).

Trong thời gian tới, vẫn phải tiếp tục vận động, tuyên truyền đối với các món ăn truyền thống có nguy cơ cao nên từ bỏ như tiết canh, gỏi cá. Đối với các món truyền thống khác cần vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân loại bỏ nguy cơ từ việc lựa chọn nguyên liệu, vệ sinh trang thiết bị, chế biến, bảo quản và sử dụng đúng cách để hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn