Sang chấn tâm lý cũng khủng khiếp như nỗi đau thể xác
Đó là những chia sẻ rất tâm huyết của thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường liên cấp Marie Curie (Hà Nội) - khi nói về tầm quan trọng của mô hình tham vấn tâm lý học đường. Sau rất nhiều năm ấp ủ, đến cuối năm 2018, thầy Khang mới hiện thực hóa được ý tưởng của mình. Phòng tham vấn tâm lý học đường của trường chính thức được thành lập trong sự vui mừng của phụ huynh, học sinh nhà trường.
Mô hình Phòng Tham vấn học đường của trường liên cấp Marie Curie được thí điểm triển khai từ tháng 12/2018 (ba cấp học với hơn 4.000 học sinh). Mục tiêu của mô hình là giúp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ về các rối loạn tâm thần gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ, đồng thời hỗ trợ tăng cường liên kết giữa trẻ, nhà trường và gia đình nhằm nâng cao chất lượng học tập.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, học sinh luôn có các vấn đề về tâm lý. Nước văn minh coi vấn đề tâm lý con người bị sang chấn không khác gì nỗi đau thể xác. Nếu chữa được gốc thì không có hành vi vi phạm pháp luật, nội quy.
“Thay bằng việc kỷ luật, chúng ta có thể lắng nghe, chia sẻ, thuyết phục và đồng cảm để giúp các em trở thành người tử tế, biết học hành và chung sống tốt với bạn bè. Đừng nên nhìn học sinh ở góc độ phạm lỗi mà đó là sang chấn tâm lý dẫn đến hành vi chúng ta không mong muốn, từ đó phải chữa lành cho các em” - thầy Khang chia sẻ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình được sự hưởng ứng đông đảo của phụ huynh, học sinh. Phòng làm việc rất tích cực, từ 2 chuyên gia đến nay con số lên đến 5 – 6 người, làm việc không kể thời gian. “Dấu hiệu tích cực của mô hình theo tôi thể hiện rõ nhất ở chỗ đã có niềm tin từ phía học sinh,cha mẹ vào các chuyên gia tâm lý. Phải có niềm tin thì mới thành công” – thầy Khang nói.
Nhiều giáo viên của trường thể hiện sự vui mừng khi có phòng tham vấn tâm lý học đường của trường đồng hành. Cô Thanh Thúy – giáo viên GDCD của trường cho rằng, việc thành lập phòng Tham vấn tâm lý học đường ở trường là điều cần thiết. “Lứa học sinh cấp 2 đang trong thời kỳ dậy thì với những biến đổi tâm lý khá mạnh mẽ. Các con muốn khẳng định cái tôi của mình nên đôi khi có những câu nói và hành động bộc phát, chưa đúng mực. Điều này khiến các thầy cô khá vất vả trong việc uốn nắn, dạy dỗ. Rất mừng vì từ nay có thêm “cánh tay đắc lực” để hỗ trợ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp các con vượt qua những biến đổi hay cú sốc tâm lý, từ đó trưởng thành hơn!”, cô Thanh Thúy nhấn mạnh.
"Nhiệm vụ của công tác tư vấn tâm lý học đường trước tiên là người bạn thân nhất để học sinh có thể chia sẻ mọi vấn đề khúc mắc, khơi gợi và phát huy tiềm năng thế mạnh ở mỗi cá nhân. Hơn cả là góp phần ngăn chặn từ mầm mống tất cả những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do bất ổn tâm lý".
Đó là những chia sẻ đầy tâm huyết của Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội), người từng có trên 5 năm kinh nghiệm đồng hành, tư vấn, hỗ trợ học sinh tuổi teen trên tất cả các “mặt trận” tâm lý.
Nơi giải tỏa áp lực của học sinh
Là người đồng hành với học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) nhiều năm nay, thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, với học sinh tuổi teen, bước chuyển từ trẻ em - chuẩn bị thành người lớn gặp rất nhiều các vấn đề về thay đổi tâm sinh lý, suy nghĩ định hướng cho tương lai, các mối quan hệ của bản thân với bạn bè, cách thức để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp sau này,… vấn đề suy nghĩ cảm xúc hay định hình hành vi.
Tất cả đều cần sự trao đổi, chia sẻ vì không phải đứa trẻ nào cũng có đủ vốn sống, sự mạnh mẽ để giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Vì vậy, nếu có được hỗ trợ từ tư vấn tâm lý học đường các em sẽ vững vàng hơn rất nhiều và có suy nghĩ chín chắn cũng như hành vi chuẩn mực tốt hơn.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Vũ Thu Hà, học sinh tìm đến tư vấn tâm lý học đường như một cách tự nhiên, gần gũi như một người bạn thân cần chia sẻ để tìm lời khuyên chứ không có thái độ e dè hay ngại ngùng. Thực chất, về mặt tâm lý, nếu ai đó mà không dám chia sẻ cũng là một vấn đề. Đó là khi họ đang sợ hãi, thiếu mạnh dạn. Vì vậy, cần được tiếp nhận một cách lắng nghe và hỗ trợ để xóa bỏ ranh giới ngại ngùng, giúp học sinh thoải mái bộc lộ.
“Đối với trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên, cơ chế phòng vệ và sợ hãi rất lớn nên để các em có thể chia sẻ và giãi bày là điều vô cùng quan trọng. Khi được hỗ trợ kịp thời từ lúc mọi chuyện mới manh nha thì rõ ràng sẽ giảm thiếu đáng kể hoặc xóa bỏ hoàn toàn cơ hội xảy ra hậu quả đáng tiếc” - Thạc sĩ Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của phòng tham vấn tâm lý học đường là quá rõ ràng, nhưng để hiện thực hóa ý tưởng thành hiện thực như Marie Curie hay Ngô Sĩ Liên dường như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo bà Vũ Thu Hà, gốc rễ vẫn là vấn đề nhân sự.
Tại Hà Nội, một số quận nội thành như Ba Đình, Đống Đa đã thành lập Phòng tham vấn học đường nhưng không sử dụng giáo viên kiêm nhiệm mà thuê chuyên gia tâm lý, kinh phí từ nguồn xã hội hóa và trích từ khoản tăng học phí năm nay. Tuy nhiên, con số này không nhiều và không phải trường nào cũng có điều kiện để làm như vậy.
Bộ Nội vụ cũng đã từng có cân nhắc về vấn đề định biên vị trí việc làm đối với cán bộ tâm lý học đường. Đây là việc làm rất cần thiết để giúp các cán bộ tư vấn ổn định và gắn bó hơn với công việc, đồng thời nếu họ được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, chuyên sâu sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác tư vấn.