Ngày 8/1, Đào Thủy T. (15 tuổi, học sinh lớp 9 trường THCS Phú Cường, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn đang phải nằm viện điều trị do bị đánh hội đồng. Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị chấn thương sọ não, rạn xương quai hàm.
Nằm trên giường bệnh, nữ sinh T. cho biết, ngày 26/12/2020, em cùng Nguyễn Kim N. (14 tuổi, học sinh lớp 8) đi học về thì bị Nguyễn Thị Trà M. (16 tuổi), Bùi Thị H.T. (15 tuổi) và Bùi Trà G. (16 tuổi, cùng học trường dạy nghề) chặn đường.
"Ban đầu, 2 trong 3 chị gọi N. ra để đánh. Sau đó em đi ra hỏi lý do thì cả 3 chị quay ra đánh em. Mặc dù em đã van xin nhưng các chị ấy vẫn đánh không thương tiếc. Em bị 3 người đấm, đá liên tục vào người và đầu. Một trong 3 người trên còn dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu em, khiến chiếc mũ bị vỡ. Em không mâu thuẫn với 3 người trên. Em bị đánh khi vào can ngăn giúp N. Sau khi bị đánh em không dám kể với ai. Vì em sợ khi nói với gia đình sẽ lại bị các chị ấy đánh tiếp", T. kể trong sợ hãi.
Ông Đoàn Cư Tuấn (bố của T.) cho biết, khi thấy video con gái bị đánh lan truyền trên mạng xã hội hôm 28/12/2020, gia đình mới biết chuyện. Ban đầu, gia đình thiện chí, tạo cơ hội để giải quyết vụ việc một cách nhẹ nhàng, tình cảm. Nhưng vì gia đình 3 thiếu nữ không cầu thị nên gia đình ông Tuấn mới gửi đơn lên cơ quan công an.
"Họ hẹn gia đình tôi để giải quyết, nhưng không đến. Chỉ khi tôi nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an thì họ mới đến xin lỗi", ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho biết thêm, sau khi bị đánh, con gái có biểu hiện lạ. Đến ngày 2/1, thì kêu đau đầu, buồn nôn. Gia đình đưa T. đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị chấn động não, chấn thương sọ não, rạn xương quai hàm phải, tụ dịch dưới mũi. Công an quận Hà Đông cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận đơn tố cáo của gia đình ông Tuấn, và đã giao Đội Điều tra tổng hợp thụ lý điều tra, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, cho biết: Trong vụ việc này không đơn giản chỉ là câu chuyện bắt nạt học đường chúng ta thường gặp. Hành vi đánh đập nữ sinh này là hết sức tàn nhẫn. Vì vậy, những đối tượng đủ 16 tuổi sẽ bị xử lý hình sự. Với đối tượng từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng sẽ bị xử lý hình sự nếu thương tích của nạn nhân là nghiêm trọng.
Theo luật sư Cường, đây là sự việc đáng báo động trong môi trường giáo dục. Hành vi của một số học sinh như vậy đã gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoảng loạn, sợ hãi cho nhiều học sinh khác.
Việc sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong môi trường học đường sẽ tác động xấu đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em, tạo ra sự tàn nhẫn, vô cảm cho thế hệ trẻ. Bởi vậy cơ quan chức năng cần phải vào cuộc xác minh làm rõ xử lý các học sinh vi phạm đồng thời ngành giáo dục cũng cần phối hợp với gia đình để tăng cường các biện pháp giáo dục các em.
Việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, làm rõ hành vi và hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật là cần thiết. Bên cạnh đó cũng cần phải cho các đối tượng trên nhận thức được rằng, hành vi như trong sự việc nêu trên là rất tàn nhẫn, gây thương tích nghiêm trọng cho nạn nhân. Đó là cố ý gây thương tích và làm nhục người khác. Hậu quả của vụ việc là nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc nạn nhân thiệt mạng.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm. Người từ 14 tuổi đến 16 tuổi có thể chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định. Trong từng vụ việc, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định thương tích cho nạn nhân để xác định tỉ lệ thương tích đồng thời xác định độ tuổi của nạn nhân cũng như độ tuổi của các đối tượng đã đánh nạn nhân này chấn thương sọ não. Từ đó sẽ có căn cứ để xử lý.
Như vậy, mức độ thương tích của nạn nhân, độ tuổi của nạn nhân và độ tuổi của đối tượng gây án là những yếu tố quan trọng để quyết định việc có xử lý hình sự hay không. Tuy nhiên trong vụ việc này cả nạn nhân và đối tượng đánh nạn nhân đều là người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) nên trong trường hợp cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự thì cũng sẽ áp dụng các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Theo luật sư Cường, dù có xử lý hình sự hay không thì vụ việc này là một tiếng chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường. Các địa phương và các đơn vị trong ngành giáo dục cần phải phối hợp với gia đình để có những biện pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật cho học sinh để nâng cao ý thức tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, tôn trọng pháp luật để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
"Ở lứa tuổi học sinh, người dưới 18 tuổi là người được coi là chưa trưởng thành, chưa có nhận thức đầy đủ về đời sống, tâm lý, xã hội là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Bởi vậy ở lứa tuổi này trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội là cần giáo dục, tạo môi trường văn minh, lành mạnh cho các em phát triển và hình thành nhân cách", luật sư Cường nói.
Với những học sinh cá biệt, thường xuyên gây gổ, sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thì cần phải có những hình thức giáo dục đặc biệt, cần thiết có thể áp dụng các hình thức kỷ luật, thậm chí các chế tài, biện pháp hành chính cần thiết để giáo dục hình thành nhân cách cho các em.
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn