Từ vụ pate Minh Chay: Cần hậu kiểm thường xuyên để bảo vệ người tiêu dùng

17:04 | 10/09/2020;
Theo Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, qua vụ việc ngộ độc sản phẩm Pate Minh Chay, nếu tiến hành hậu kiểm thường xuyên, chủ động phát hiện ra thì chắc sẽ không xảy ra vụ việc tương tự.

Vụ ngộ độc sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lối sống mới tiếp tục làm nóng dư luận trong những ngày qua.

Theo số liệu do doanh nghiệp này cung cấp tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2020 đến 28/8/2020 đã có 21.540 sản phẩm của Công ty được bán ra.

Cụ thể đã có 11.771 khách hàng cá nhân mua sản phẩm của Công ty trên địa bàn cả nước, trong đó 6.393 khách hàng mua sản phẩm Pate Minh Chay.

Cũng theo thống kê của Công ty này thì có tới 2.072 khách hàng mua các sản phẩm của Công ty trên địa bàn Hà Nội, trong đó 1.053 khách hàng mua sản phẩm Pate Minh Chay.

Tính đến ngày 5/9, vẫn còn khoảng 514 khách hàng 3 lần chưa liên hệ được và Công ty đã chuyển danh sách tới các cơ quan chức năng của Hà Nội và các tỉnh thành phố nhờ hỗ trợ liên hệ và cảnh báo.

Đặc biệt đến thời điểm trên, Công ty đã thu hồi được 141 sản phẩm từ các khách hàng chủ yếu tại Hà Nội bao gồm 35 sản phẩm pate Minh Chay và 106 sản phẩm khác, bàn giao 35 sản phẩm pate Minh Chay cho Phòng cảnh sát kinh tế (Công an Hà Nội) để phục vụ công tác điều tra.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng mặc dù sản phẩm của doanh nghiệp đã được phép lưu thông, song  với số lượng người bị ngộ độc thì rõ ràng người tiêu dùng vẫn đứng trước những rủi ro quá lớn.

Từ vụ pate Minh Chay: Cần hậu kiểm thường xuyên để bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

- Từ vụ việc ngộ độc sản phẩm Pate Minh Chay, ông đánh giá thế nào về vụ vấn đề An toàn thực phẩm và quản lý lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: An toàn thực phẩm vốn là vấn đề “nóng” được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, vụ pate Minh Chay xảy ra lại dấy lên lo ngại từ người tiêu dùng.

Báo chí đã đưa tin kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia và Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh về các mẫu pate Minh Chay nguyên hộp chứa loại vi khuẩn yếm khí tạo độc tố botulinum, loại độc cực mạnh gây tác động vào đầu dây thần kinh khiến liệt cơ, có thể dẫn đến chết người.

Trên thực tế, 15 bệnh nhân đã phải nhập viện, trong số đó một số đã rơi vào trạng thái suy hô hấp, liệt tứ chi, phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương…

Theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm và Nghị định 38/CP trước đây cũng như Nghị định 15/CP gần đây, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện công bố thực phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mà tại sao vụ việc vẫn xảy ra những vụ việc như vậy?

Thực tế, việc cấp giấy phép không có nghĩa là hoàn tất, mà luật cũng quy định phải hậu kiểm và theo tôi phải tăng cường công tác này.

Qua vụ việc ngộ độc sản phẩm Pate Minh Chay, nếu tiến hành hậu kiểm thường xuyên, chủ động phát hiện ra thì chắc sẽ không xảy ra vụ việc như vậy.

- Việc ai chịu trách nhiệm là vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất. Nhiều ý kiến cho rằng hiện có sự chồng chéo, trong việc quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thực phẩm liên quan đến nhiều quá trình vận hành, từ sản xuất đến chế biến, lưu thông, sử dụng liên quan đến sự quản lý của nhiều ngành, cơ quan chức năng khác nhau, song vấn đề được đặt ra cần có sự phân công, phận nhiệm rõ ràng.

Tại nghị định 38/CP đã có quy định và tiếp đến là Nghị định 15/CP gần đây cũng đã có sự phân công khá chi tiết cũng như chặt chẽ hơn về công tác quản lý giữa các cơ quan; trong đó, tại phụ lục của Nghị định này ghi rõ trách nhiệm của Bộ y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương ở từng lĩnh vực ra sao. Song theo tôi vẫn cần có sự phối hợp với nhau.

Bởi lẽ từ vụ việc ngộ độc sản phẩm pate Minh Chay cho thấy, không chỉ 1 bộ, mà cả 3 bộ đã phải vào cuộc để xử lý và thu hồi sản phẩm.

Rõ ràng người tiêu dùng vẫn đứng trước những rủi ro quá khả năng của họ, cụ thể trong vụ việc pate Minh Chay thì người tiêu dùng bất lực, bởi lẽ sản phẩm của họ mua đã được phép lưu thông, doanh nghiệp chịu trách nhiệm và có nhãn mác đàng hoàng, song vấn đề đặt ra là nhãn mác có chính xác hay không?

Vấn đề đặt ra là cơ quan Nhà nước phải quản lý, hậu kiểm, còn ở góc độ người tiêu dùng chỉ biết mua sản phẩm, thấy còn nhãn và hạn sử dụng thì mua, nhưng khi xảy ra vụ việc thì đã quá muộn rồi.

Từ vụ pate Minh Chay: Cần hậu kiểm thường xuyên để bảo vệ người tiêu dùng - Ảnh 2.

Bác sỹ đang thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng pate Minh Chay. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

- Qua vụ việc trên, theo ông người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nêu rõ: người tiêu dùng có 8 quyền, là quyền được an toàn, quyền khiếu nại, khiếu kiện và người tiêu dùng có quyền đưa ra những yêu cầu như vậy để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong vụ việc này, doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng, song việc bồi thường ở mức độ nào và bao nhiêu thì phải thực hiện theo hình thức dân sự tức là đưa ra tòa án.

Phía Hội và Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) có thể vào cuộc xử lý và hỗ trợ người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông!

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông, cho biết: Theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì "Thực phẩm" là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.


Theo đó, ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc. Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.


Theo quy định bồi thường thiệt hại tại khoản 1, Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".


Để xác định khi bị ngộ độc ai bồi thường cần phải xác định được nguyên nhân gây ngộ độc và cá nhân, tổ chức gây ra ngộ độc. Nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.


Nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là do hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của cá nhân, tổ chức sản xuất thì cá nhân, tổ chức đó sẽ phải bồi thường.


Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi.


Nếu bị ngộ độc thực phẩm, cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi khởi kiện đương sự phải nộp kèm chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và 590 Bộ Luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn