Ngày 2/5, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé 6 tháng tuổi ngộ độc vì dùng quá liều vitamin D. Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết đã cho bé uống lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg dành cho người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000 UI/giọt). Như vậy, trẻ đã uống khoảng 15.000 UI/ngày, cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và sử dụng nó để hình thành cũng như củng cố xương và răng. Không cung cấp đủ vitamin D, trẻ sẽ dễ bị gãy xương và gặp các vấn đề về tăng trưởng. Ngoài lợi ích đối với xương, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần vitamin D để tăng cường sự phát triển trí não và hệ thống miễn dịch.
Mà đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, khi nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ sữa mẹ và chưa thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời thì khả năng cao nhận không đủ vitamin D. Do vậy, cha mẹ thường phải bổ sung vitamin D từ các sản phẩm bổ sung.
Tuy nhiên, nếu cho trẻ uống vitamin D quá liều, không chỉ không có tác dụng mà còn có thể gây ra nhiều nguy hại.
Dưới đây là những thông tin cha mẹ cần biết khi bổ sung vitamin D cho trẻ nhỏ.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ về vitamin D cho trẻ sơ sinh, trẻ bú sữa mẹ hoặc bú sữa mẹ một phần cần 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D lỏng mỗi ngày - bắt đầu ngay sau khi sinh. Trẻ sơ sinh nên tiếp tục nhận được lượng vitamin D này cho đến khi cai sữa hoặc cho đến khi trẻ uống khoảng 1 lít sữa công thức có tăng cường vitamin D mỗi ngày hoặc sữa nguyên chất sau 12 tháng tuổi.
Bổ sung đủ vitamin D sẽ giúp trẻ phát triển xương, trí não một cách toàn diện. Tuy nhiên, nếu cha mẹ bổ sung quá liều vitamin D cho trẻ, có thể dẫn tới các vấn đề như nồng độ canxi trong máu cao, tiêu chảy hoặc táo bón, tăng nguy cơ loãng xương, tăng nguy cơ suy thận.
Các dấu hiệu khi bị ngộ độc vitamin D ở trẻ:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Yếu cơ
- Mệt mỏi và bối rối
- Cáu gắt
- Táo bón
- Chán ăn
- Mất nước
- Đi tiểu nhiều kèm theo khát
Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị ngộ độc vitamin D, cha mẹ nên ngừng cho trẻ sử dụng vitamin D và đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời.
Để đảm bảo trẻ được bổ sung đủ đầy đủ vitamin D cũng như tránh tình trạng quá liều, cha mẹ nên bổ sung vitamin D cho trẻ theo một số lời khuyên sau:
- Uống vitamin D bằng đường uống theo chỉ dẫn. Cha mẹ nên sử dụng ống nhỏ giọt được cung cấp để đặt liều trực tiếp vào miệng trẻ. Hãy để ống vào bên trong má của bé chứ không phải phía sau cổ họng của bé.
Bạn cũng có thể:
+ Trộn giọt vitamin D với sữa mẹ vắt ra trong bình. (Nó cũng có thể được thêm vào sữa công thức nếu trẻ uống lượng sữa công thức thấp hơn 1 lít/ngày.)
+ Nhỏ giọt trực tiếp lên núm vú của bạn trước khi cho con bú.
- Không có thời điểm cố định nào trong ngày là tốt nhất để bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, có một số quan điểm cho rằng uống vitamin D vào buổi tối có thể gây khó ngủ nhưng điều này chưa được chứng minh. Nhưng tốt hơn hết cha mẹ có thể cho trẻ uống vào buổi sáng, khi bụng đói hoặc khi no không ảnh hưởng đến quá trình hấp thu loại vitamin này.
Trẻ bú sữa mẹ thường cần giảm vitamin D cho đến khi chúng bắt đầu uống sữa nguyên chất tăng cường hàng ngày. Đó thường là sau khi chúng được 1 tuổi.
Như đã lưu ý, trẻ sơ sinh uống ít nhất 1 lít sữa công thức tăng cường mỗi ngày không cần bổ sung vitamin D.
Khi con bạn lớn hơn và bắt đầu ăn thức ăn đặc, bạn có thể bổ sung vitamin D cho trẻ qua việc bổ sung các thực phẩm như sữa chua, sữa, ngũ cốc và trứng vào bữa ăn hàng ngày và cho trẻ tắm nắng thường xuyên.
Đúng là cơ thể chúng ta tạo ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng tia UV từ mặt trời có hại cho da ở mọi lứa tuổi, vì vậy trẻ sơ sinh nên tránh xa ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt. Nếu cho trẻ sơ sinh tắm nắng, chỉ nên cho trẻ tắm nắng sớm và chỉ tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian ngắn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn