Vậy, qua sự việc trên, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con trên môi trường mạng hiện nay?
Theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, việc kiểm soát con trong thế giới mạng là trách nhiệm thuộc về cha mẹ và trách nhiệm của cơ quan quản lý mạng, quản lý truyền thông.
Vậy, với trách nhiệm của mình thì cha mẹ cần làm gì? TS Phạm Thị Thúy đã đưa ra một số "mẹo" nhỏ sau đây để phụ huynh chủ động bảo vệ con trước các clip có nội dung độc hại cũng như sử dụng thiết bị công nghệ đúng cách.
Thứ nhất, phụ huynh phải để các thiết bị công nghệ như tivi, máy tính, iPad ở những nơi mà mọi người cùng quan sát, cùng kiểm soát nhau như ở phòng khách. Phụ huynh không cho phép trẻ sử dụng riêng các thiết bị này nếu thực sự không cần thiết.
Thế giới mạng rất hấp dẫn đối với trẻ em và cả người lớn, vì thế phụ huynh đừng nghĩ rằng con sẽ tự giác tắt các thiết bị công nghệ. Nếu cha mẹ cho con sử dụng riêng, cho con về phòng riêng để xem thì sẽ không kiểm soát được. Vì thế, có 3 điều cha mẹ cần kiểm soát khi con tiếp cận với thiết bị công nghệ, đó là thời gian xem, nội dung xem và số lần xem của trẻ.
Thứ hai, với các trẻ 15 tuổi trở xuống, phụ huynh cần cân nhắc về việc giao cho con sử dụng các thiết bị công nghệ. Trước khi giao thiết bị công nghệ thì phải hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn xem các nội dung an toàn trên mạng. Phụ huynh cần đưa ra những quy định cụ thể như con được phép xem bao nhiêu lâu, những nội dung được phép và không được phép xem.
Thứ ba, phụ huynh phải cài đặt những công cụ tin học để hạn chế bớt những nội dung mà trẻ em không nên xem. Cần có các phần mềm kiểm soát để biết được con ngày hôm nay đã xem những gì, xem bao lâu. Phụ huynh không được chủ quan để trẻ "rong chơi" trên môi trường mạng. Với trẻ chưa đủ trưởng thành, chưa đủ chín chắn thì sẽ không sàng lọc được thông tin, dễ sa vào những clip có nội dung độc hại.
Thứ tư, phụ huynh phải làm gương cho con. Bởi lẽ, hình ảnh cha mẹ hằng ngày cầm điện thoại, tivi và xem những nội dung vô bổ cũng sẽ ảnh hưởng đến con.
Khi phụ huynh cho con xem các clip trên mạng thì nên dùng account (tài khoản) của cha/mẹ, từ đó cha mẹ có thể tìm hiểu những kênh có nội dung không phù hợp và chặn những kênh xấu ngay. Khi dùng account của cha/mẹ thì có thể thường xuyên kiểm tra lịch sử xem video của con để đảm bảo trẻ không tiếp xúc với thứ ngoài mong đợi. Ví dụ kênh Youtube có chế độ hạn chế nhằm lọc ra "những nội dung xấu". Cha mẹ chỉ cần kéo xuống dưới trang YouTube và bật nó. Phụ huynh còn có thể dùng YouTube Kids là ứng dụng được Google đưa ra phù hợp với trẻ từ 2 đến 8 tuổi. Ứng dụng miễn phí này có khả năng vô hiệu hóa chức năng tìm kiếm, lọc các từ khóa, hạn chế thời gian sử dụng của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh cần quan tâm giáo dục con, nói chuyện với con về những nội dung nên xem và không nên".
Kỹ sư lập trình Nguyễn Duy Hiền - Công ty FPT
Cùng chung quan điểm trên, bà Trần Thị Năm, Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Giá Trị Việt (Q.Bình Tân, TPHCM), cho biết: "Trung tâm chúng tôi thường tổ chức khoá học an toàn khi sử dụng mạng internet để hướng dẫn cho phụ huynh cũng như học sinh tránh xa những nội dung độc hại và tiếp cận những thông tin tốt. Chúng tôi cũng thường xuyên tâm sự cùng các bậc cha mẹ nên làm bạn với con và dành thời gian chơi cũng như lắng nghe con nhiều hơn. Từ đó hạn chế tối đa thời gian con sử dụng mạng Internet. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải biết đưa ra những nội quy về sử dụng mạng Internet và có sự trao đổi rõ ràng về vấn đề này. Hãy tổ chức nhiều hoạt động gia đình, cùng chơi, cùng học, cùng đọc sách và cùng ngồi xem video bổ ích với con. Sau đó bàn luận về các video đã xem về những điều nên làm và không nên làm, những bài học từ video mang lại".
Theo Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo rằng không nên cho trẻ từ 0-2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Còn với trẻ từ 3-5 tuổi thì chỉ cho dùng thiết bị này 1 tiếng/ngày; với trẻ từ 6-18 tuổi, thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức 2 tiếng/ngày.
Thơ Nguyễn là một trong những kênh Youtube nổi tiếng dành cho trẻ em tại Việt Nam, hiện thu hút được hơn 8,7 triệu người theo dõi. Mới đây, chủ tài khoản này đã lấn sân sang nền tảng TikTok để chia sẻ các video.
Tuy nhiên, trên kênh TikTok của mình, Thơ Nguyễn đã đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút có nội dung về việc "xin vía" học giỏi cho các em học sinh. Video đó có sự xuất hiện của Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Trong video, Thơ Nguyễn ôm búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con".
Ngay lập tức, video này nhận phải hàng loạt phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi trẻ em và góp phần lan truyền mê tín dị đoan. Nhiều người bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ nhỏ.
Không lâu sau, Thơ Nguyễn đăng tải thêm một số video nhằm đính chính lại nội dung đã chia sẻ trước đó. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục lên tiếng chỉ trích, thậm chí một số còn kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay các clip độc hại như thế này.
Hiện tại, tài khoản TikTok của Thơ Nguyễn đã có gần 950.000 lượt theo dõi cùng với hơn 5,8 triệu lượt thích. Tuy nhiên, toàn bộ video đăng tải trong vài ngày gần đây đều đã bị chủ tài khoản ẩn đi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn