Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng

12:31 | 26/01/2024;
Thời gian gần đây, một số người tự xưng bác sĩ lên mạng xã hội phát livestream quảng cáo, tư vấn bán các loại thực phẩm chức năng. Điều đáng nói là hoạt động này khiến nhiều nhầm tưởng là thuốc chữa bệnh nên bỏ tiền mua.

Theo phản ánh của người dân đến Báo PNVN, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số người tự xưng bác sĩ lên mạng để livestream giới thiệu, tư vấn bán các loại thực phẩm chức năng. Các livestream này được chạy quảng cáo liên tục trên mạng xã hội khiến nhiều người bệnh tin tưởng các loại thực phẩm chức năng đó có công dụng như thuốc chữa bệnh.

Nổi bật nhất là fanpage Dr Th.D trên mạng xã hội facebook, người phụ nữ xuất hiện trong fanpage này được giới thiệu là Bác sĩ, tốt nghiệp tại Học viện Quân y - Thạc sĩ YHDP tại Đại học Thăng Long. Vị bác sĩ tự xưng này liên tục phát livestream trên facebook, youtube để quảng cáo bán các loại thực phẩm chức năng như viên xương khớp Glucosamine Avado; viên huyết áp Omega 3 Krill; sữa ngũ cốc Collagen Nebimi.

Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng- Ảnh 1.

Với fanpage hơn 283 nghìn người theo dõi, mỗi clip quảng cáo tư vấn và bán thực phẩm chức năng đều thu hút nhiều người xem.

Điều đáng nói, những sản phẩm này đều không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, nhưng người phụ nữ này liên tục tư vấn cho những người bệnh như thuốc chữa các loại bệnh xương khớp, huyết áp…vv. Khiến nhiều người nhẹ dạ đã tin tưởng vào những lời tư vấn của vị này.

Chị Tạ Thu Huệ, ở Từ Sơn, Bắc Ninh, cho biết: “Bố mẹ tôi ở nhà xem quảng cáo của bác sĩ Thùy Dung, nên đã bỏ tiền ra mua sữa Collagen Nebime về sử dụng. Đến khi tôi về mới biết và kiểm tra thì tôi phát hiện cái này không phải là sữa, thực chất nó chỉ là thực phẩm bổ sung. Thế nhưng họ lại quảng cáo nó là sữa, khiến bố mẹ tôi tin tưởng và hiểu lầm nó là sữa thật. Rồi cả sản phẩm Glucosamine Avado thì nó cũng chỉ là thực phẩm chức năng, làm sao có thể chữa được bệnh xương khớp mà cô ấy lại quảng cáo nó như thuốc đặc trị bệnh xương khớp. Tôi cho rằng những quảng cáo này là sai sự thật, có dấu hiệu thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh, khiến những người bệnh bị nhầm lẫn nên đã bỏ tiền ra mua sản phẩm”.

Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng- Ảnh 2.
Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng- Ảnh 3.
Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng- Ảnh 4.
Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng- Ảnh 5.

Theo tìm hiểu thì các sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

"Theo quy định của Bộ Y tế, không được sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo bán thực phẩm chức năng nhưng họ cố tình làm như thế này là có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật", chị Huệ nói.

Với việc phát livestream và chạy quảng cáo với tần suất cao, nên fanpage Dr Th. D. với hơn 283 nghìn người theo dõi, luôn đạt được số lượng người xem lên tới hàng nghìn người, thậm chí là hàng vạn người cho mỗi clip.

Ngoài ra, trên các nền tảng Youtube, Tik tok cũng có kênh của Bác sĩ Th. D, với số lượng người theo dõi lên tới hàng chục nghìn người, họ liên tục phát các clip quảng cáo tư vấn và bán các sản phẩm thực phẩm chức năng với tần suất cao.

Tự xưng bác sĩ để livestream bán thực phẩm chức năng- Ảnh 6.

Treo giải thưởng bằng vàng để thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm

Điều đáng nói, có lẽ để thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm, vị "bác sĩ" này còn tung ra các chiêu giải thưởng “Rước vía thần tài cả năm lộc lá” với các mức giải thưởng như sau: 01 giải đặc biệt: 1 chỉ vàng; 02 giải nhất: 0,5 chỉ vàng; 03 giải ba: Lì xì may mắn 500 nghìn đồng; 20 giải khuyến khích: Phần quà may mắn.

Bà Trần Mai Hằng, một cựu cán bộ ngành y tế, ở Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay: “Tôi cũng đã xem các clip quảng cáo của bác sĩ này, chưa thể biết cô ấy có là bác sĩ thật hay không, nhưng cô ấy gọi thực phẩm chức năng là thuốc thì hoàn toàn sai. Người tiêu dùng không nên tin theo những thông tin quảng cáo như thế này để bỏ tiền mua sản phẩm, kẻo lại tiền mất tật mang”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc làm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng (Bắc Ninh), cho biết, theo quy định của Nghị định Chính phủ: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.

Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý những hành vi quảng cáo tư vấn bán thực phẩm chức năng của vị bác sĩ Th. D. kia để tránh cho nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rồi rơi vào cảnh tiền mất tật mang như trên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn